(GLO)- Là “xứ sở của gỗ” nên không khó hiểu vì sao thú chơi đồ gỗ ở Gia Lai lại trở nên phổ biến và hấp dẫn nhiều người chơi đến như vậy. Không chỉ dừng ở các sản phẩm gia dụng được làm từ gỗ, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, tượng gỗ… đang rất được giới “sành” chơi gỗ cũng như cả những gia đình bình dân ưa chuộng. Nghề đục tượng vì thế mà thu được bộn tiền dù đang trong thời buổi khó khăn.
Người người, nhà nhà chơi đồ gỗ
Chơi đồ gỗ có thể nói đã trở thành xu hướng thịnh hành nhất ở Gia Lai trong một vài năm trở lại đây. Người có tiền chơi theo kiểu của người có tiền, người ít tiền cũng có cách chơi riêng của họ. Nói chung, nhà nào không ít thì nhiều cũng sở hữu một vài sản phẩm gỗ mỹ nghệ để bày biện trong nhà.
Một bức tượng được làm từ nu gỗ nghiến. Ảnh: Lê Hòa |
Các món đồ gỗ hiện nay được nhiều người chơi ưa chuộng, như: Bàn ghế gỗ (bộ đào, trúc…), sập gỗ, lục bình, tượng gốc cây, tượng tam đa, tượng nu… Trong đó, có những bộ bàn ghế, gốc cây tạo dáng trị giá hàng trăm triệu đồng của những đại gia lắm tiền, nhiều của. Tuy nhiên, đó chỉ là những con số rất ít và cũng rất… kín tiếng. Dân chơi đồ gỗ bình dân và phổ biến hơn cả thường rơi vào những món đồ có giá vài chục triệu đồng trở lại.
Để sở hữu một bộ bàn ghế đào hoặc trúc, tùy loại gỗ, độ dày mỏng và số lượng các món của bộ bàn ghế để quyết định giá. Nếu như trước đây, bộ trúc được ưa chuộng thì nay, bàn ghế đóng theo kiểu bộ trúc đã dần lỗi thời bởi cầu kỳ, quá nhiều chi tiết nên người dùng khó lau chùi, bảo quản; xu hướng chọn các kiểu bàn ghế có họa tiết đơn giản những vẫn tạo được sự sang trọng, uy thế đang được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn. Mỗi bộ bàn ghế theo kiểu này thường có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, “đỉnh” cao nhất là các bộ được đóng từ nu (loại này rất hiếm, phổ biến nhất là từ nu gỗ nghiến), tiếp theo đó là các loại gỗ khác như cẩm, cà te, pơ mu, hương, muồng… Hiện nay, không những trắc đang trở nên khan hiếm mà các loại gỗ quý như cẩm cũng đang trở nên khó tìm, vì thế giá của các loại đồ gỗ này rất cao. Một bộ đào 11 hay 13 món bằng gỗ cẩm, gỗ tốt, dày, đóng đẹp hiện được phát giá lên khoảng ngót nghét 150 triệu đồng/bộ.
Lục bình, tượng Tam đa, Bồ Tát, Lạt Ma… có mức độ chơi phổ biến hơn cả. Yếu tố làm cho các món đồ gỗ này trở nên thông dụng hơn chính là nhờ giá cả đa dạng và mức chi “nhẹ” hơn các món khác. Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng, người chơi đã có thể sở hữu cho mình một bộ lục bình hay tượng gỗ. Mức giá của các loại này cũng phụ thuộc vào loại gỗ, độ to nhỏ và sự cầu kỳ của chi tiết chạm trổ… Đứng đầu “bảng xếp hạng” vẫn là các loại tượng gỗ được làm từ gỗ trắc, tiếp đó là cẩm, cà te, hương… Giá các loại đồ gỗ còn có độ chênh lệch tùy theo mỗi vùng và thậm chí là “nhìn mặt” người mua để “hét” giá.
Một thợ đang tạo hình cóc từ một khối gỗ nu. Ảnh: Lê Hòa |
“Ở Gia Lai mà không biết chơi đồ gỗ thì không phải người Gia Lai”, nhiều người kháo nhau câu cửa miệng như thế và ùn ùn đổ tiền mua về bày biện, trang trí trong nhà. Một lý do nữa để người chơi đồ gỗ không ngại dồn tiền cho thú chơi này chính là không sợ “lỗ”, vì theo họ, gỗ chắc chắn sẽ ngày càng có giá và chẳng bao lâu nữa, sẽ khó lòng mua được gỗ nếu ít tiền. Đây cũng chính là lý do khiến cho các cánh rừng liên tục bị “chảy máu”, những cây gỗ quý tiếp tục có nguy cơ bị triệt hạ không thương tiếc để phục vụ thú chơi này.
Nghề đục tượng gỗ phát đạt
“Tính sơ sơ thì riêng vùng thị trấn Chư Ty (Đức Cơ) đã có đến khoảng 20 tốp thợ làm nghề đục đẽo gốc gỗ, mỗi tốp thường có chừng 4-5 người. Trung bình cứ 2 thợ chính cần 1 thợ phụ. Họ đa phần là người thuộc các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang… vào đây lập nghiệp” - Một thợ làm nghề đục đẽo gỗ ở đây, tâm sự.
Đức Cơ cũng được coi là một trong số những điểm lui tới lý tưởng của các tín đồ đồ gỗ. Anh Lê Đình Sỹ - một thợ chuyên làm nghề đục đẽo gỗ ở đây hơn 3 năm, cho biết, anh vốn gốc ở Hải Dương. Để làm được nghề này, anh đã phải bỏ ra một năm đi học tại một làng nghề mộc ở quê và phải mất 3-4 năm đi làm thợ phụ mới có thể đảm đương vị trí thợ chính như hiện nay. Giá mỗi ngày công hiện tại của anh khoảng 300-400 ngàn đồng/ngày, bao ăn; còn nếu nhận làm theo hình thức khoán thì mức thu nhập sẽ cao hơn, khoảng 500 ngàn đồng/ngày.
Bộ bàn ghế thiết kế theo kiểu cung đình được làm từ nu gỗ nghiến có mức giá vài trăm triệu. Ảnh: Lê Hòa |
Để tạo được một bức tượng đẹp, người thợ phải có óc thẩm mỹ và tư duy hình khối tốt. “Từ những khúc gỗ tự nhiên, muốn biến thành tượng có hồn, vẻ là điều không hề dễ. Con mắt quan sát và óc tư duy hình khối quyết định đến sự thành công và giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cho bức tượng. Trong đó, thần thái biểu cảm của khuôn mặt tượng luôn là điểm nhấn quan trọng nhất. Ngoài ra, còn phải kể đến những yếu tố riêng của từng nhân vật mà bức tượng muốn thành công phải làm toát lên: Lạt Ma phải khắc khổ, tượng Di Lặc phải tươi, Bồ Tát phải nhân từ….”- anh Sỹ, cho biết.
Theo anh, nghề đục tượng gỗ bằng gốc cây có cái hay riêng của nó. “Gốc cây thường là gốc đã lũa, mục hết phần rác. Người chơi tận dụng loại gốc này và bỏ ra thêm ít tiền công là đã có thể sở hữu một món đồ gỗ lạ mắt, đẹp và bền chắc để trong nhà” - Anh chia sẻ. Đục tượng gốc cây thường mất rất nhiều công hơn gỗ khối thông thường, vì rất cứng chắc. Đặc trưng của đồ gỗ Tây Nguyên chính là không phun màu, chỉ phun dầu bóng và giữ nguyên màu sắc tự nhiên của gỗ.
Trong nghề đục gỗ mỹ nghệ này cũng ẩn chứa những bí quyết riêng của mỗi người, “nội bộ” giới làm nghề cũng có sự phân định “đẳng cấp” khá rõ ràng. Thợ chính là người quyết định ý tưởng chế tác bức tượng, tạo dáng tổng thể và chế tác những chi tiết quan trọng trên bức tượng: tạo dáng, thế, gọt tạo mặt… Thợ phụ đảm nhiệm các việc ít quan trọng hơn như gọt những chi tiết đơn giản, đánh nhám, phụt sơn, dầu…
Cũng theo anh, đa số những thợ không “trụ” nổi ở đất Bắc mới “Nam tiến” vào đây hành nghề. Mấy năm gần đây, do nhu cầu chơi đồ gỗ ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng phát triển mạnh nên đã xuất hiện hiện tượng “chở củi về rừng”, tức là một số người nhập đồ gỗ từ phía Bắc vào bán. Đặc điểm của những loại đồ gỗ mỹ nghệ này là thường tinh xảo hơn, màu sắc sẫm hơn (thị hiếu của dân chơi đồ gỗ miền Bắc thích màu đậm như mận chín, nho…), tuy nhiên, chất lượng gỗ lại kém hơn. Giá loại hàng này “mềm” hơn đồ gỗ Tây Nguyên chính gốc bởi chất lượng gỗ và giá nhân công ngoài Bắc rẻ hơn tại bản địa. Mặt hàng này đa phần phục vụ dân chơi ít tiền nhưng cũng muốn thể hiện “đẳng cấp”.
Lê Hòa