Nghề giết mổ gia cầm ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi chìa con gà trống choai vừa mới mua cho Liên-một phụ nữ bán gia cầm trên góc đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Pleiku) nhờ thịt, chị cầm lấy,  tươi cười: “Chờ 10 phút anh nhé, em đang làm dở con vịt cho khách”.

Ngồi vào chiếc ghế nhựa đặt dưới bóng cây bơ già, tôi quan sát. Bằng động tác dứt khoát và nhanh nhẹn, chỉ hơn 5 phút, từ chú gà sống nguyên đã ra “thành phẩm”, được làm sạch cả lòng ruột, cho vào túi bóng giao trả. “Tiền công bao nhiêu”-tôi hỏi. “Dạ 10.000 đồng”. “Nếu là vịt?”. “Dạ, 15.000 đồng/con, ngan thì 20.000 đồng/con ạ”. Giọng rất ngọt, cười tươi kèm theo lời chào mời: “Ở đây, em bán đủ các loại gia cầm với giá phải chăng và thịt luôn cho khách không tính tiền công, có dịp mời anh ghé mua”. Thấy Liên cởi mở, tôi nán lại bắt chuyện. Chị tâm sự: “Em bày bán ở đây được 3 năm. Lúc đầu ít khách, lấy công làm lời ngày kiếm được 200.000 đồng, bằng công phụ hồ nhưng đỡ nắng nôi. Trước Tết vừa rồi, khách hàng có đông hơn, em gom tiền mua chiếc máy vặt lông hết 10 triệu đồng. Từ ngày có chiếc máy đỡ nhọc đi bao nhiêu, lại rút ngắn thời gian làm sạch lông. Tiền công là thế, nhưng kèm theo cả tiền củi đun, tiền điện, nước và cả tiền thuê mặt bằng. Bình quân, ngày vẫn kiếm chừng 200.000 đồng, không hơn, chẳng biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn, anh ạ!”

 

Anh Tám-“bàn tay vàng” giết mổ gia cầm đang làm lông vịt cho khách. Ảnh: Đ.P
Anh Tám-“bàn tay vàng” giết mổ gia cầm đang làm lông vịt cho khách. Ảnh: Đ.P

Có thể nói, bất cứ chợ lớn bé nào ở Pleiku cũng có bán gia cầm. Đi theo đó là những cơ sở giết mổ phục vụ nhu cầu của khách. Ngày trước, tất cả các công đoạn từ cắt tiết đến làm sạch bộ lòng đều làm bằng tay. Hơn 10 năm trở lại đây, máy nhổ lông gà ra đời đã rút ngắn thời gian, đỡ đáng kể công sức người giết mổ. Tuy thế, nghề này không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật và vốn, đã thu hút nhiều lao động phổ thông nên giá tiền công làm cạnh tranh, không thay đổi từ bấy đến giờ.

Tôi tìm đến anh Tám, tự xưng danh “bàn tay vàng” giết mổ gia cầm thuê ở chợ Bà Định (TP. Pleiku) và được anh cho biết: “Nghề này nhọc lắm, phải loay hoay trong không gian hẹp, nặng mùi hôi lông và phân gia cầm. Nó ám vào người, dù có tắm rửa, kỳ cọ kỹ đến mấy đi đâu người ta cũng khịt mũi, biết là từ cơ thể mình toát ra cái mùi khó chịu. Ngoài ra, tôi thường mắc bệnh về đường hô hấp khi chuyển trời dù đang độ tuổi tráng niên. Biết đâu chừng chúng tôi bị lây nhiễm những chứng bệnh từ gia cầm, vì đâu phải tất cả gà, vịt đem đi thịt đều khỏe mạnh.

Với những cơ sở chuyên cung cấp thịt gia cầm đầu mối như gia đình chị Hạnh (141B Duy Tân, TP. Pleiku), từ 3 giờ sáng, vợ chồng chị đã đánh thức 4 công nhân-những thanh niên tuổi ăn, tuổi ngủ ăn ở tại nhà chị, người lên lửa, kẻ đứng máy, giết mổ làm theo dây chuyền rất chuyên nghiệp cho ra hàng thành phẩm, chuyển đến các nhà hàng, chợ đầu mối, tỏa đi các chợ huyện mỗi ngày ngót 500 con gà, vịt. Bù lại, thu nhập từ nghề này khá tốt, tạo việc làm cho lao động phổ thông 3 triệu đồng/người/tháng kèm cơm nuôi.

Tôi có quen biết với anh Thành (hẻm 273 Trần Phú, TP. Pleiku) vốn là “ông chủ” cung cấp gà thịt thành phẩm ở Trung tâm Thương mại Pleiku, đã giải nghệ từ 5 năm trước. “Nghề này thu nhập tốt lắm, nhờ vào đó tôi có nhà tầng, ô tô con… nhưng phải dậy quá sớm mỗi ngày, dịp cận Tết gần như thức suốt đêm, hao tổn sức quá nên thôi, chuyển sang làm nem, chả”. Tôi hỏi về chuyện dùng hóa chất “nhựa thông” cho vào nồi nước sôi để làm sạch lông gà, vịt “siêu tốc”, vì tin vào chỗ thân giao, lại là người đã giã nghề, anh sẽ nói thật. Nhưng anh khẳng định không có chuyện ấy. “Nếu có nghi ngờ, đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra sẽ rõ, cho người tiêu dùng khỏi phải lăn tăn!”-anh Thành quả quyết.

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm