Nghề làm "lầu son" cho chim quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vài năm trở lại đây, thú chơi chim chào mào trở thành phong trào rộng khắp tỉnh Gia Lai. Với quan niệm “Con chim quý phải ở lầu son”, người chơi chim cảnh sẵn sàng bỏ số tiền lớn mua những chiếc lồng ưng ý. Và, nghề làm lồng chim ở Pleiku cũng phất lên từ đấy.
Theo nghề do đam mê
Xuất phát từ niềm đam mê, nhiều người chơi không chỉ sưu tầm những chú chim cảnh quý hiếm mà còn muốn có được chiếc lồng chim ưng ý. Đáp ứng nhu cầu của người chơi chim cảnh, nhiều cơ sở làm lồng ở TP. Pleiku ra đời, trong đó có cơ sở của anh Trần Quốc Bảo (tổ 2, phường Hội Phú).
Anh Bảo bén duyên với nghề làm lồng chim đã 5 năm nay. Lúc đầu, anh chỉ nghĩ mình làm lồng chim để chơi. Tuy nhiên, những chiếc lồng chim do anh làm ra rất đẹp và chắc chắn, luôn nổi bật trong các “trường chim”. Từ đó, nhiều người chơi chim chào mào tìm đến anh đặt hàng. Theo anh Bảo, lồng chim có 2 loại: lồng thường và lồng kỹ. Việc làm lồng chim thường được chia thành nhiều công đoạn khác nhau như: vót nan tre, làm đáy, làm vanh, cửa, cầu cho chim đậu, trang trí hoa văn, dựng khung, tạo hình, phun sơn PU để chống mối mọt...  “Những chiếc lồng chim do tôi làm có nguyên liệu chủ yếu là các loại gỗ quý như: cẩm sừng, trắc, mun, bò ma (dổi)… Nhờ vậy, lồng chim luôn chắc chắn, bắt mắt. Ngoài ra, tôi còn thiết kế những chi tiết độc đáo cho chiếc lồng như: chốt hộc, tay cầm phía dưới, chân quỳ bằng gỗ bền đẹp. Khách hàng của tôi chủ yếu là những người thích có lồng chim vừa đẹp vừa hữu dụng, có thể treo trong nhà, lại cũng thuận tiện để mang đến các “trường chim” thi đấu”-anh Bảo chia sẻ.
Hiện nay, không chỉ nhiều người chơi chim cảnh ở Pleiku mà có cả những khách hàng từ các huyện, thị xã trong tỉnh biết đến sản phẩm của anh Bảo. Trung bình mỗi tháng, anh làm khoảng 10 chiếc lồng chim, mỗi chiếc có giá 1,5-3 triệu đồng. Cá biệt, có người đặt làm chiếc lồng với yêu cầu nhiều họa tiết hoa văn, chạm trổ cầu kỳ thì có giá trên 7 triệu đồng/chiếc.
Anh Nguyễn Hoàng Thạch (tổ 6, phường Trà Bá, TP. Pleiku) vừa hoàn thiện chiếc lồng chim làm từ gỗ trắc để gửi cho khách hàng ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Sang
Còn với anh Nguyễn Hoàng Thạch (tổ 6, phường Trà Bá), nghề làm lồng chim đến rất tình cờ. Trước đây, anh là tài xế xe tải và rất thích nuôi chim chào mào. Sau này lập gia đình thì người anh vợ lại là chủ cơ sở làm lồng chim cảnh. Vì thế, những lúc rảnh rỗi, anh Thạch theo học nghề làm lồng chim. Khi mang lồng đến “trường chim”, nhiều người chơi thấy ưng ý và đặt anh làm. “Nhận thấy thị trường lồng chim đầy tiềm năng, người chơi bắt đầu tìm đến chiếc lồng gỗ sang trọng và cầu kỳ nên tôi gắn bó với nghề làm lồng chim và đã khẳng định được thương hiệu của mình gần 6 năm nay”-anh Thạch cho hay.
Đem lại nguồn thu nhập chính
Tại Pleiku, mỗi năm có hàng trăm cuộc thi chim chào mào, từ các hội quán tổ chức đến các giải mở rộng. Đặc biệt, các giải mở rộng quy tụ khoảng 500-700 con chim từ nhiều tỉnh, thành dự thi. Ngoài việc đưa chim quý đi tranh tài thì đây cũng là dịp để người chơi khẳng định “đẳng cấp” qua những chiếc lồng làm từ gỗ quý hay tre già có giá từ vài triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tiến Sơn (tổ 2, phường Hội Phú) được nhiều người chơi chim cảnh ở Pleiku biết đến với bề dày kinh nghiệm hơn 30 năm. Ông đang sở hữu 18 con chim chào mào, trong đó có con được người chơi ra giá 200 triệu đồng. “Năm qua, con chim này đã mang về cho tôi 100 triệu đồng tiền giải thưởng từ các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Tôi bỏ ra gần 14 triệu đồng để đặt thợ làm 2 chiếc lồng bằng gỗ mun và tre già cho con chim quý này. Khoảng 7 năm trở lại đây, chơi chim chào mào đang trở thành phong trào rộng khắp trong tỉnh. Chính vì vậy, nghề làm lồng chim đang rất phát triển. Riêng Pleiku hiện có khoảng 20 cơ sở làm lồng chim”-ông Sơn cho biết.
Chiếc lồng làm từ tre già được ông Nguyễn Tiến Sơn (tổ 2, phường Hội Phú, TP. Pleiku) đặt mua dành cho chú chim chào mào quý của mình. Ảnh: Ngọc Sang
Theo anh Bảo, nghề làm lồng chim có việc quanh năm, đầu ra sản phẩm tương đối ổn định. Tuy nhiên, tầm tháng 8 đến cuối năm, công việc bận rộn hơn vì nhiều khách hàng đến đặt làm lồng mới, có giá trị cao để chuẩn bị tham gia các cuộc giao lưu thi chim hót dịp Tết đến, xuân về. Anh chỉ nhận làm lồng chim theo đặt hàng của nghệ nhân chơi chim chứ không làm theo kiểu “hàng chợ”. Do vậy, sản phẩm do anh làm ra đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức và giá cả cũng cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường. “Mỗi tháng, tôi thu nhập hơn 10 triệu đồng từ nghề làm lồng chim. Tuy thu nhập chưa cao, lại bỏ ra nhiều công sức trau chuốt cho sản phẩm, song nghề làm lồng chim không chỉ là phương kế mưu sinh mà còn giúp tôi thỏa mãn niềm đam mê”-anh Bảo tâm sự.
Đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu, thời gian qua, anh Thạch đã không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm. Để làm ra những lồng chim phù hợp với yêu cầu của khách hàng, anh thường xuyên nghiên cứu mẫu mới, chất lượng bền, đẹp. Ngoài ra, anh cũng gặp gỡ để lắng nghe ý kiến đóng góp của những người chơi chim, từ đó giúp anh rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu với nghề. “Để sản phẩm của mình được nhiều người chơi chim chào mào trên cả nước biết đến, tôi đã quảng bá trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Hiện đã có nhiều người chơi chim ở các tỉnh miền Trung và phía Bắc liên hệ với tôi để đặt hàng. Nhờ đó, tôi thu nhập 10 triệu đồng/tháng”-anh Thạch chia sẻ.
Anh Trần Văn Khải (tổ 3, phường Ia Kring) cho biết: “Tôi đam mê thú chơi chim chào mào đã hơn 5 năm và cũng chừng đó năm biết đến cơ sở lồng chim của anh Thạch. Nhiều nghệ nhân chơi chim chào mào trong tỉnh cũng biết đến “thương hiệu” lồng chim của anh Thạch bởi hàng ở đây đảm bảo chất lượng, rất bền, giá cả hợp lý”.
Với sự cần cù, khéo léo, nhiều người đã tạo ra những chiếc lồng chim tinh xảo. Đây không chỉ là cơ hội để họ thể hiện tài năng, tâm huyết, sự đam mê sáng tạo mà còn đem về nguồn thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra. Chính những đôi tay khéo léo của người thợ làm lồng chim cảnh đã tô điểm cho phố núi Pleiku thêm nét độc đáo riêng.
NGỌC SANG