Nghĩ trên đường 25

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây vài năm, tôi có chuyến đi rất đáng nhớ đến vùng đất Ayun Pa. Tới đầu thị xã thì gặp một chiếc xe ô tô Kia tã tã đang lùi ra đường. Dừng để nhường đường thì phát hiện người đang ôm vô lăng là anh Thái Thanh Bình-Bí thư Thị ủy Ayun Pa, người quen cũ. Nhảy xuống hỏi: Sao Bí thư lại tự lái xe cá nhân đi thế này, vi phạm nhé. Anh Bình cười bảo: “Em vào xem cái chỗ đang tranh chấp đất đai để chiều họp xử lý. Có những việc cứ phải lủi thủi đi thế nó mới được việc, chứ lúc nào cũng bệ vệ chưa chắc đã nắm được vấn đề”.



Lần ấy về tôi viết vào sổ tay dù rất ít khi dùng sổ tay: Có một thế hệ lãnh đạo mới.

Nhớ chuyện này là vì vừa lục tìm tài liệu, đọc lại cái đoạn cả tiểu đoàn bộ đội chạy rầm rập xuyên đêm để kịp đến cầu sông Bờ trước khi quân đội đối phương tới để chặn đường rút quân, biến cầu sông Bờ nói riêng, đường 7 nói chung thành một địa chỉ lẫy lừng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Đoạn tôi đọc là trong tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc” của nhà văn Khuất Quang Thụy. Ngay sau hòa bình, đây là cuốn tiểu thuyết cực kỳ nổi tiếng, nó khiến cho địa danh Phú Bổn, Ayun Pa trở thành một cái tên cũng hết sức lừng lẫy, dù rất nhiều người không hình dung nó ở đâu.

Từ cái đận cả tiểu đoàn cầm súng, bỏ lại tất cả tư trang, chạy bộ suốt đêm ấy cho tới khi Bí thư Thị ủy tự lái xe xuống xã thị sát tình hình là cả một giai đoạn dài, không chỉ là thời gian, mà là sự thay đổi về đời sống, về xã hội.        

 

Cầu Sông Bờ (thị xã Ayun Pa). Ảnh: ĐỨC PHƯƠNG


Nhà văn Khuất Quang Thụy giờ là Tổng Biên tập Báo Văn nghệ. Năm 1975, anh là một người lính trực tiếp chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3), đơn vị trực tiếp tổ chức chốt chặn đường tháo chạy của tàn quân đối phương ngay ở vị trí cầu sông Bờ bây giờ. Và ngay sau đấy, toàn bộ câu chuyện này được anh viết thành tiểu thuyết nổi tiếng tôi vừa nhắc đoạn trên.

Chả cứ tôi, rất nhiều người dân ở ngay Ayun Pa cũng ít người nhớ sự kiện sông Bờ, địa danh sông Bờ. Còn trong lịch sử, người ta nhắc nhiều tới chiến thắng đường 7, sự kiện đường 7, “Cuộc tháo chạy tán loạn” đường 7 (tên cuốn sách của một viên tình báo Mỹ, nhà văn Frank Sneep)... nhưng cũng ít nhắc tới địa danh sông Bờ.

Nếu chạy qua cây cầu lịch sử này, một quân đoàn và một quân khu của quân đội Việt Nam Cộng hòa sẽ thoát được về tới đồng bằng, sẽ trở thành một lá chắn hết sức vững chắc để bảo vệ đô thành Sài Gòn. Ngược lại, nếu chặn được đội quân khổng lồ này ở đây, sự chi viện cho đồng bằng sẽ bị cắt đứt, con đường đến ngày 30-4 thênh thang thêm nhiều. Có một chi tiết hay là vào ngày 19-3-1975, đang lúc căng thẳng nhất của cuộc chạy/chặn thì đối phương đã... bỏ bom làm sập cây cầu.

Tôi vừa được đến một cây cầu cũng có số phận như thế, là cầu sông Bé ở Bình Phước. Cũng trong năm 1975, để chặn những cuộc tấn công của Quân giải phóng trên đường 14, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã đánh gãy cây cầu này. Đây là cây cầu xi măng rất đẹp do người Pháp làm, gần gần giống dáng cầu Long Biên, cầu Trường Tiền với những đường cong mềm mại, nên dẫu là xi măng nhưng trông nó vẫn rất mảnh mai, nhẹ nhàng. Tôi đến cây cầu này là vì được tham gia vào một việc đầy chất... lịch sử, ấy là thả tro cốt nhà báo Pháp Boudarel xuống con sông Bé, ngay khúc cầu bị gãy, nơi ngày xưa ông nhà báo người Pháp này hoạt động chống... Pháp.

Thì lịch sử có những chuyện ly kỳ không lý giải được. Ông Boudarel sang Việt Nam dạy học từ thời Pháp chiếm đóng Việt Nam. Ông dạy môn Triết ở Trường Nữ Trung học Marie Curie Sài Gòn. Từ đây, ông ra chiến khu theo Việt Minh chống Pháp, nơi hoạt động chính là chiến khu D ở Tây Ninh, Bình Phước. Sau đó, ông ra Bắc làm ở một trại giam tù binh Pháp, rồi công tác ở Nhà Xuất bản Ngoại Văn, giờ là Nhà Xuất bản Thế giới. Ông bị một tòa án Pháp kết án tử hình vắng mặt về tội phản bội Tổ quốc. Sau này, phong trào dân chủ lên cầm quyền, ông được ân xá, quay lại Pháp làm Giáo sư Sử học. Dù ông bị rất nhiều tù binh Pháp ở Việt Nam tố cáo là tội phạm chiến tranh, nhưng lại cũng có hẳn một “Hội những người ủng hộ Boudarel” do những trí thức rất nổi tiếng ở Pháp lập ra. Và trước khi mất, ông trăn trối là muốn được hỏa thiêu rồi rắc một phần tro cốt xuống con sông quê ông, còn lại mang sang thả ở 3 con sông Việt Nam nơi ông từng sống và hoạt động là sông Bé, sông Thu Bồn và sông Hồng. Tôi được tham gia ở cây cầu gãy sông Bé này.

Trở lại cầu sông Bờ, nó mang tính quyết định là thế, lịch sử là thế.

Một góc thị xã Ayun Pa hôm nay. (ảnh internet)



45 năm đã trôi qua kể từ ngày anh lính trẻ Khuất Quang Thụy có mặt trong đoàn quân vác súng chạy nguyên đêm chiếm cầu. Giờ anh đã là một đại tá cựu binh... già, dù vẫn đương chức Tổng Biên tập một tờ báo văn chương lớn. Hôm rồi, khi tôi nhắc chuyện này, anh vẫn hừng hực như... 45 năm trước, “nếu cần, tớ vẫn ôm súng được đấy, đừng đùa với lính chủ lực Quân đoàn 3 nhé”. Tôi nhớ hồi ấy, ngay sau năm 1975, có mấy cuốn tiểu thuyết nóng hôi hổi hơi thở của cuộc chiến như “Năm 1975 họ đã sống như thế” của Nguyễn Trí Huân, “Đất trắng” của Nguyễn Trọng Oánh, “Họ cùng thời với những ai” của Thái Bá Lợi, “Những người từ trong rừng ra” của Nguyễn Minh Châu và không thể không nhắc đến “Trong cơn gió lốc” của Khuất Quang Thụy. Chỉ bằng một trận đánh, anh đã “vẽ” nên cả cuộc chiến tranh. Từ một cây cầu, anh khắc họa cả một chặng đường khốc liệt bi tráng của những gì mà dân tộc ta đã trải qua. Và phía sau những người lính là quê hương làng mạc, là bố mẹ, ông bà, tổ tiên, là vợ con, là người yêu, bạn bè... và cao hơn là lịch sử, là Tổ quốc.

Những bi kịch của cuộc tháo chạy và trận đánh kinh hoàng ấy giờ vẫn còn, đó là những đứa con của những gia đình di tản bị lạc trong các ngôi làng Jrai ven đường 7. Vẫn còn những gia đình đi tìm con mà chương trình “Như không hề có cuộc chia ly” của VTV dạo nào còn giữ rất nhiều hồ sơ. Ngay ở TP. Pleiku đang có nhiều câu chuyện như thế, những con người như thế, những gia đình như thế, hiện diện...

Giờ đây, thị xã Ayun Pa đang có kế hoạch “Triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết Di tích Chiến thắng đường 7 sông Bờ”, thiết nghĩ đó là việc nên làm dù hơi chậm. Con người không thể sống mà không có ký ức. Dân tộc phát triển không thể không có lịch sử.

VĂN CÔNG HÙNG


 

Có thể bạn quan tâm