Nghĩ về hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng ta đang sống trong những ngày được thế giới tôn vinh là “Ngày Quốc tế Hạnh phúc” (20-3). Mọi người có đang hạnh phúc, hay còn đang tìm kiếm hạnh phúc? Đó là câu hỏi muôn đời khó có lời giải, bởi hạnh phúc hay không còn phụ thuộc vào quan niệm hạnh phúc của mỗi người.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc do Liên hiệp quốc phát động dù mang thông điệp  toàn cầu, tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại nhưng cốt lõi chính là xuất phát từ nguyện vọng sống hạnh phúc của mỗi người. Chia sẻ về quan niệm hạnh phúc, bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Ánh Ngọc-đường Lê Thị Hồng Gấm (TP. Pleiku) cho rằng: “Nhiều người nghĩ phải có nhà lầu, xe hơi mới hạnh phúc. Nhưng đợi đủ đầy mới hạnh phúc thì hơi khó. Tôi đọc được số liệu đâu đó nói rằng, thế giới chỉ có khoảng 5% dân số giàu, vậy chẳng lẽ chỉ có 5% số đó mới hạnh phúc? Cá nhân tôi cho rằng, người biết đủ sẽ luôn hạnh phúc”.

 

Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2015 có chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Ảnh: D.L

Chị Ngọc cho biết, dù thu nhập của hai vợ chồng không cao nhưng ổn định, không phải đi thuê nhà như một số cặp vợ chồng trẻ mới cưới, với chị như thế là tạm đủ. “Chúng tôi mới lập gia đình nên vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ. Nhưng chúng tôi còn trẻ, có sức khỏe để làm việc, dành dụm, tôi tin dần dần cũng sẽ có đủ những thứ mình cần. Tôi thấy như thế là hạnh phúc, vì cuộc sống có ý nghĩa, có động lực để chúng tôi cố gắng”-chị Ngọc lạc quan nói.
 

Kể từ năm 2013, Liên hiệp quốc đã quyết định chọn ngày 20-3 hàng năm là “Ngày Quốc tế Hạnh phúc” để tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới, xem đây là một trong những chỉ tiêu phát triển toàn cầu. Ngày này được lấy ý tưởng từ Vương quốc Bhutan, vốn được đánh giá là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao trên thế giới dựa trên các yếu tố sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, hưởng ứng ngày này, trong đó có Việt Nam.

Khác với quan niệm của một số người phải có một công việc ổn định (dù mức thu nhập trung bình) mới cảm thấy hạnh phúc, chị Nguyễn Phương Mai-đường Quang Trung (TP. Pleiku) cho rằng, hạnh phúc với chị là được làm công việc mình thích dù phải trải qua nhiều công ty, môi trường làm việc khác nhau. Chị chia sẻ: “10 năm ra trường, tôi làm việc ở 8 công ty khác nhau. Có những giai đoạn tôi rơi vào tình trạng thất nghiệp. Bạn bè, gia đình đều thấy ái ngại vì tính thích “nhảy việc” này. Nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy mình nhận được quá nhiều, đó là được tiếp xúc với nhiều người giỏi trong nhiều môi trường khác nhau, được trải nghiệm nhiều điều thú vị, được trau dồi ngoại ngữ…”.

Chị Phương Mai cho rằng, chính thái độ đón nhận mọi biến cố, thay đổi trong cuộc sống là chìa khóa để mọi người có thể sống hạnh phúc hay không. Chị Mai kể: “Lần đầu tiên thất nghiệp, tôi thấy điều đó thật tồi tệ. Nhưng thất nghiệp đến lần thứ 3, tôi đã bình thản đón nhận và sau đó cố gắng tìm kiếm một công việc mới. Thỉnh thoảng so sánh với bạn bè đồng trang lứa có công việc ổn định, tôi trách số mình kém may mắn. Nhưng tại sao mình còn trẻ mà cứ phải đặt nặng sự ổn định, dù phải trả giá bằng sự nhàm chán, tù túng, hao hụt kiến thức, thu nhập quá thấp? Nhiều bạn bè của tôi phàn nàn rằng họ thấy bế tắc với mức lương không đủ sống, dù công việc rất ổn định, không bao giờ lo thất nghiệp. Tại sao chúng ta không lao vào cuộc sống, làm bất cứ điều gì bản thân muốn làm, đi đến nơi nào muốn đến, tôi nghĩ đó mới thực sự là hạnh phúc. Giờ tôi có thể tự tin sống tốt ở bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì có thu nhập mà không sợ thất nghiệp, tôi hạnh phúc vì điều đó”.

 

 

Chọn cho mình một quan niệm đúng về hạnh phúc, quan tâm đến vấn đề cốt lõi nhất trong sự tồn tại là làm sao tìm được thật nhiều niềm vui, làm lan tỏa những điều tốt đẹp đến với cộng đồng là một trong những thông điệp của Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Nhiều người dù chưa biết tới ngày này nhưng chính cách lựa chọn thái độ sống tích cực đã truyền cảm hứng hạnh phúc đến cho mọi người. Chị P.T.H.L.-đường Nguyễn Trãi (TP. Pleiku) xúc động khi kể về mẹ: “Má tôi bị ung thư đến nay đã là giai đoạn cuối, nhưng luôn rất lạc quan. Má hay hát những bài nhạc xưa, gọi điện nói chuyện với bạn bè thuở hàn vi, thỉnh thoảng còn trêu chọc con cháu rất vui vẻ. Có đợt xạ trị về má giảm cân nhanh, hốc hác, tôi khóc hỏi: “Má đau nhiều không?”. Bà nói, có bệnh thì phải đau chứ con, nhưng đau vầy chứ đau nữa cũng nhằm nhò gì. Chính má đã làm cho chúng tôi cảm thấy yêu cuộc sống hơn, hiểu được giá trị của hạnh phúc”.

Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc thuộc về con người, từ quan niệm của mỗi người mà ra, nên muốn sống hạnh phúc chúng ta hãy tập thói quen tìm thấy hạnh phúc ngay cả với những điều giản dị, nhỏ nhặt xung quanh. Hãy thử đón nhận hạnh phúc theo cách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, rằng sống hạnh phúc trong từng giây phút hiện tại với những nhiệm màu của nó: “Hãy trân quý trời xanh mây trắng, trân quý chim hót thông reo hoa nở mây bay mà không cần nghĩ rằng sau này có tiền nhiều mới hạnh phúc”.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm