Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận đề nghị khẩn trương rà soát, điều chỉnh những bất cập cơ cấu 3 loại rừng, vì đất có rừng lại quy hoạch ngoài lâm nghiệp và ngược lại.
Tại phiên họp giải trình về một số vấn đề “nóng”, nổi cộm liên quan đến rừng, đất rừng… do Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức ngày 26.5, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng đề nghị khẩn trương rà soát, điều chỉnh những bất cập cơ cấu 3 loại rừng, đảm bảo quyền lợi người dân và Nhà nước.
Thực tế có những vị trí còn rừng nhưng được quy hoạch là đất ngoài lâm nghiệp và ngược lại, một số diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn nằm trong quy hoạch lâm nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiểm tra hiện trường hơn 400 cây thông 3 lá bị cưa hạ và đầu độc bằng hóa chất tại tiểu khu 144B, P.8, TP.Đà Lạt. Ảnh: Lâm Viên |
Khẩn trương rà soát, điều chỉnh đảm bảo quyền lợi người dân
Theo ông Trần Đức Quận, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quyết định số 2016 ngày 9.10.2018 và Quyết định số 503 ngày 8.3.2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Phiên họp giải trình về một số vấn đề “nóng”, nổi cộm liên quan đến rừng, đất rừng…do Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức ngày 26.5. Ảnh: NT |
Tuy nhiên, kết quả thực hiện quy hoạch 3 loại rừng, việc xác định ranh giới giữa 3 loại rừng và đất nông nghiệp chậm thực hiện dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung cũng như công tác quản lý bảo vệ rừng nói riêng. Do đó, một số quyền lợi của nhà nước và của người dân chưa được thực hiện đảm bảo.
Rừng ở TK 263B , TT.Nam Ban, H.Lâm Hà bị cưa hạ hàng loạt để lấn chiếm đất san ủi trái phép nhưng chưa tìm ra thủ phạm. Ảnh: Lâm Viên |
Theo thống kê, tỉnh Lâm Đồng hiện còn khoảng 52.000 ha đất người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp; một số diện tích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích lâm nghiệp, nhưng chưa được các đơn vị, địa phương rà soát, tổng hợp, cập nhật kịp thời.
Ngược lại, một số diện tích đất người dân sản xuất nông nghiệp, sinh sống ổn định lâu năm nhưng vẫn quy hoạch là đất lâm nghiệp, dẫn đến việc quản lý, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân gặp rất nhiều khó khăn, phát sinh nhiều đơn thư kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp…
Nhiều diện tích còn rừng nhưng lại được quy hoạch đất ngoài lâm nghiệp. Ảnh: LV |
Bà Dương Thị Ngà, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT giải trình, việc trên cơ sở đề xuất điều chỉnh của UBND các huyện, thành phố, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 503 điều chỉnh Quyết định số 2016. Tuy nhiên, sau khi Quyết định số 503 được ban hành, vẫn tiếp tục phát sinh một số vị trí còn rừng nhưng được quy hoạch là đất ngoài lâm nghiệp và ngược lại, một số diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn nằm trong quy hoạch lâm nghiệp. Nguyên nhân của việc bất cập và chậm trễ này, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào và thời gian hoàn thành nhiệm vụ này?
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc sở NN-PTNT, cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do trong quá trình thực hiện xây dựng điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các địa phương, các đơn vị quản lý rừng chưa thật sự chặt chẽ.
Giữa quy hoạch sử dụng đất tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020 và quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 cục bộ có những vị trí quy hoạch chưa thống nhất, chưa đồng bộ.
Rừng giáp ranh giữa quy hoạch đất lâm nghiệp và ngoài lâm nghiệp liên tục bị triệt hạ tại Lâm Đồng trong thời gian gần đây. Ảnh: Lâm Viên |
Cũng theo ông Sơn, theo quy định của luật Lâm nghiệp năm 2017, những khu vực nào còn rừng tự nhiên phải tiến hành rà soát, đưa lại vào đất lâm nghiệp. Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã có kiến nghị đề nghị điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế.
Tại phiên chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng tiếp tục hướng dẫn UBND các huyện, thành phố hoàn chỉnh phương án sử dụng đất đối với diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức theo quy định.
Rừng thông bị cưa hạ hàng loạt ở TK 263B, TT Nam Ban, H.Lâm Hà những chưa tìm ra thủ phạm. Ảnh: Lâm Viên |
Thực tế cho thấy trong hơn 3 năm qua, việc triển khai trong phạm vi từng địa phương chưa có sự đồng bộ, thống nhất. Các kiến nghị của địa phương và người dân về một số vị trí, diện tích chưa trùng khớp giữa bản đồ và thực địa nhưng chưa xác định cụ thể, nên khi thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Thanh tra đang làm rõ sai phạm trong điều chỉnh đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng
Như Thanh Niên đã phản ánh, vào ngày 25.4, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản số 2753/UBND-LN giao Thanh tra tỉnh Lâm Đồng thanh tra toàn diện việc lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh.
Đất rừng thuộc xã Hiệp An, H.Đức Trọng bị san ủi trái phép. Ảnh: Lâm Viên |
Thanh tra tỉnh được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, địa phương và đơn vị liên quan thanh tra toàn diện Sở NN-PTNT thực hiện các hồ sơ, thủ tục rà soát, tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các quyết định: Điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh số 2106/QĐ-UBND ngày 9.10.2018 về phê duyệt kết quả điều chỉnh đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 503/QĐ-UBND ngày 8.3.2021 về việc điều chỉnh bổ sung khoản 3, Điều 1 số 2106/QĐ-UBND ngày 9.10.2018.
Bước đầu, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng phát hiện các "điểm nóng" gồm các huyện: Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Di Linh và TP.Đà Lạt, TP.Bảo Lộc. Được biết, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đang ráo riết vào cuộc làm rõ những “điểm nóng” phá rừng, lấn chiếm đất rừng sau khi có quyết định điều chỉnh đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng, vì việc thanh tra này phải hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30.8.2022.
Theo Lâm Viên (TNO)