TN - Đất & Người

Ngôi trường đẹp bậc nhất Việt Nam có nguy cơ 'mất tên'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một trong 10 ngôi trường đẹp nhất Việt Nam, được Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA) công nhận là 1 trong 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu thế kỷ XX, nhưng trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt có nguy cơ “mất tên”, nhiều giảng viên không có việc làm.

Trường CĐSP Đà Lạt


Sáng 25/9, Sở GD&ĐT Lâm Đồng cho biết đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về phương án chuyển hướng hoạt động ở Trường CĐSP Đà Lạt. Mặt khác, Sở GD&ĐT đã đưa 5 giảng viên của trường về công tác tại sở, giới thiệu 1 giảng viên xuống làm việc ở trường phổ thông… để giải quyết phần nào vấn đề dôi dư lao động.

Ngôi trường này do kiến trúc sư Moncet thiết kế và chỉ đạo xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp tân cổ điển, hoàn thành năm 1927 với điểm nhấn là dãy phòng học uốn cong ôm lấy khoảng sân rộng cùng tháp chuông liền kề, đồi thông xanh ngắt bao quanh làm nên vẻ đẹp cổ kính, bí ẩn pha lẫn hiện đại. Gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang, mái được lợp bằng ngói sản xuất tại Pháp.


 

Du khách “check in” tại đồi thông trường CĐSP Đà Lạt.


Ban đầu, trường được đặt tên Petit Lycée Dalat, là nơi đào tạo cho con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có. Năm 1932, trường được đổi tên thành Grand Lycée de Dalat-Lycée Yersin để ghi công bác sĩ Alexandre Yersin, người khám phá ra Đà Lạt.

Sau năm 1975, nơi đây trở thành Trung tâm giáo dục Hùng Vương, một trung tâm đào tạo chất lượng cao toàn miền Nam. Đến tháng 9/1976, trường mang tên CĐSP Đà Lạt với chức năng đào tạo giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS) và đào tạo cán bộ quản lý các cấp học này.


 

Tháp chuông hay còn gọi là tháp bút cao 54m.


CĐSP Đà Lạt có quy mô đào tạo vài ngàn SV mỗi năm, đỉnh điểm có năm thu hút 3.200 sinh viên (SV) theo học. Tuy nhiên theo Luật Giáo dục 2019, từ 1/7/2020, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên; giáo viên tiểu học, trung học phổ thông (THPT) phải có bằng cử nhân trở lên.

Từ năm học 2020- 2021, CĐSP Đà Lạt chỉ được tuyển sinh hệ Cao đẳng Mầm non với chỉ tiêu phân bổ 130 - 200 SV, không tuyển sinh hệ Tiểu học và THCS nữa.

Như vậy, trường chỉ còn 700 SV theo học tại 17 lớp ở 8 ngành học. Do đó, trong 103 cán bộ, giảng viên và người lao động toàn trường đã có 15 giảng viên không đủ số giờ lên lớp theo quy định. Ngoài ra, 6 giảng viên dôi dư có số tiết ít hơn rất nhiều so với quy định. Tình hình sẽ còn khó khăn hơn nhiều khi SV các khóa đào tạo giáo viên Tiểu học, THCS lần lượt ra trường.

Hiện nhiều trường CĐSP trong cả nước đã bắt đầu chuyển đổi phương thức hoạt động, hoặc sáp nhập thành một khoa của trường đại học, hoặc bị giải thể. Riêng Sở GD&ĐT Lâm Đồng và cán bộ, giảng viên CĐSP Đà Lạt vẫn muốn giữ lại ngôi trường này nhưng đào tạo theo hướng mở rộng: Tuyển sinh thêm SV tại các tỉnh khác trong khu vực như Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Nông…

 

Toàn cảnh ngôi trường đẹp nổi tiếng.



Trao đổi với phóng viên Tiền phong, ông Huỳnh Quang Long (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng) cho hay với phương án này phải được sự chấp thuận về chủ trương của Bộ GD&ĐT và được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt các cơ chế chính sách hoạt động.

Cũng theo ông Long, một phương án khác có tính khả thi hơn là thành lập trường THCS - THPT chất lượng cao tại CĐSP Đà Lạt để giảm tải cho các trường THCS và THPT trên địa bàn. 

https://www.tienphong.vn/giao-duc/ngoi-truong-dep-bac-nhat-viet-nam-co-nguy-co-mat-ten-1726510.tpo

Theo Kim Anh (TPO)

Có thể bạn quan tâm