(GLO)- Con đường nhựa thẳng tắp vắng lặng xuyên qua những vườn tràm nối tiếp nhau vi vút gió dẫn chúng tôi đến với làng Ngol Tả (xã Chư Hdrông, TP. Pleiku). Gần 3 km từ quốc lộ 14 vào làng chỉ có tiếng gió xuyên qua vòm lá, tuyệt nhiên không một mái nhà hay bóng người qua lại. “Làng cùi” Ngol Tả đã tồn tại lặng lẽ như thế bên lề một thành phố trẻ đang vươn những bước dài…
Chuyện cổ tích ở “làng cùi”
Ksor Blach không ngại ngùng và chẳng giấu diếm quá khứ đau thương mà cha mẹ anh đã từng sống và đi qua. “Làng có từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khi ấy khoảng 15 người mắc bệnh phong bị người làng hắt hủi, đuổi đi. Họ tới đây lập làng, để tránh những cơn giận dữ hay ruồng rẫy của người làng và lay lắt chiến đấu với con “ma hủi” gặm nhấm mòn mỏi từng ngày”.
Thế rồi, trong cơn đau và bĩ cực ấy, thế hệ con cái của những con “ma hủi” gặp gỡ nhau và nên duyên. Blach gặp H’Yich âu cũng là cái duyên chồng vợ. H’Yich là con của một cặp vợ chồng trong số 15 “ma hủi” bị dân làng dồn đuổi đi. “Mình và nó lấy nhau thôi chứ về làng làm gì có ai chịu bắt con của “ma hủi”-Blach nói.
Lớp Mẫu giáo điểm trường làng Ngol Tả. Ảnh: L.H |
Có vợ rồi có con, nhìn vợ con nheo nhóc đói khổ với cơm lạt rau rừng, ốm đau chẳng có thuốc chữa, Blach không cam lòng. Blach thấy người Kinh nuôi con bò, con heo, trồng cây cà phê, hồ tiêu giàu lắm, không đói khổ như mình. Thế là Blach về bàn với người làng phải làm theo họ, chỉ như thế mới hết đói, hết khổ. Người làng không tin lời gan ruột của Blach. Họ bảo, làm sao làm được cái chuồng nuôi nhốt con bò? Làm sao làm được cái ruộng có nước như người Kinh? Nếu mày làm được thì tao mới tin!
Người làng không tin, lòng Blach càng quyết tâm. Blach không ngại đi học hỏi rồi về bắt tay làm chuồng, dồn tiền đi tìm mua con bò, con heo đem về nuôi. Người làng Ngol Tả thấy Blach làm được thì lục tục kéo nhau đi phụ giúp. Hết nuôi heo, bò tới làm ruộng, làm cà phê… Cứ thế, những phận người từng bị hắt hủi xóa nhòa dần cái ranh giới của mặc cảm và phó mặc số phận, họ sống dậy sau chuỗi ngày dài chìm trong bóng tối của nỗi đau bởi bị kỳ thị và bế tắc.
Và hôm nay, riêng Blach và H’Yich đã có một cơ ngơi kha khá: 2 ha cà phê, 4 sào ruộng lúa nước hai vụ, 1 sào hồ tiêu. Mỗi năm, Blach thu về không dưới 300 triệu đồng. Từ số tiền đó, Blach cho con đi học, xây nhà và giúp đỡ người nghèo khó khác. “Con mình 2 đứa đi học đại học rồi, đứa nào cũng chăm chỉ học hành lắm. Tương lai của mình là ở các con!”-Blach cười giòn và sảng khoái nói về câu chuyện ngày mai…
Khắc khoải ngày mai…
Cũng vì nói được, làm được mà Blach được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn. Làng có việc lớn, việc nhỏ đều “chọn mặt gửi vàng” vào Trưởng thôn Blach. “Ma hủi” đã có thuốc trị, xã hội chẳng còn xa lánh người làng Ngol Tả nữa. Lại có đường nhựa dẫn về tận làng, điểm trường mẫu giáo và tiểu học xây dựng làm nơi học tập cho con em. Người dân ở đây giờ biết làm giàu rồi”-Trưởng thôn Ngol Tả Ksor Blach phấn khởi nói.
Ngol Tả hiện đã sinh sôi với hơn ba chục nóc nhà và trên 150 nhân khẩu. Người làng giờ biết làm cà phê, cao su, hồ tiêu và trồng cây lúa nước. Lúc nông nhàn người trẻ về phố tìm việc làm thuê để kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống gia đình. Đời sống vì thế cũng bớt khó khăn. Noi gương Blach, trong làng cũng có nhiều cặp vợ chồng trẻ chịu khó, chăm lo làm ăn và có cuộc sống khấm khá, như vợ chồng Hlơ-Anih.
Dù cuộc sống đã tươi đẹp song những người như Blach, Hlơ chưa nhiều. So với nhiều nơi khác, người dân Ngol Tả vẫn còn đối mặt không ít khó khăn.
“Những năm qua, Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội dành nhiều sự quan tâm, ưu ái cho làng nhưng đời sống bà con ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ruộng nương ít, công việc làm bấp bênh, nhiều người chịu di chứng nặng nề của bệnh phong để lại khiến sức khỏe giảm sút, khả năng lao động kém. Hiện nay dù đã có điểm trường cấp I và mẫu giáo song điều kiện học tập của các cháu còn hạn chế. Chính quyền địa phương rất quan tâm song chỉ trong giới hạn nào đó. Vì vậy, Ngol Tả vẫn rất cần sự chung tay san sẻ của các tổ chức và cá nhân có tấm lòng hảo tâm”-Phó Bí thư Đảng ủy xã Chư Hdrông-ông Siu Glech cho biết.
Lê Hòa