Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Ngư dân vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc cho nhưng ngày qua các tàu Trung Quốc ngang ngược cản trở các lối ra vào các ngư trường đánh bắt cá trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, nhưng ngư dân các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam... vẫn kiên trì bám biển vươn khơi, góp phần bảo về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

“Chúng tôi không nao núng, không lo sợ!”
 

Ngư dân miền Trung vận chuyển các nhu yếu phẩm chuẩn bị cho những chuyến vươn khơi mới. Ảnh: Đại Thắng

Hơn bất cứ lúc nào, những ngày này, không khí chuẩn bị cho những chuyến vươn khơi của ngư dân tại âu thuyền Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) như khẩn trương hơn. Ngư dân ở các tổ đội tàu đánh bắt cá đang gấp rút chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến vươn khơi mới.

Ông Lê Văn Lễ-chủ tàu cá ĐNa-90352-TS, cho biết: "Ngư trường Hoàng Sa là ngư trường khai thác truyền thống từ bao đời nay của ngư dân Đà Nẵng. Mặc dù trong những ngày qua Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu trái phép trong vùng biển Việt Nam, án ngữ các lối ra vào ngư trường Hoàng Sa, gây cản trở hoạt động khai thác hợp pháp của bà con ngư dân thành phố Đà Nẵng nhưng không vì thế mà ngăn cản được bà con ngư dân chúng tôi vươn khơi đánh bắt cá”. Thể hiện tinh thần bám biển của ngư dân, ông Lễ khẳng khái nói: “Dù khó khăn đến mấy chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa để hoạt động sản xuất, vừa khẳng định chủ quyền, vừa cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
 

Khẩn trương sửa chữa các ngư lưới cụ đánh bắt cá. Ảnh: Đại Thắng

Cũng giống như ngư dân thành phố Đà Nẵng, bà con ngư dân tỉnh Quảng Nam đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Trước hành động ngăn cản, dùng vòi rồng tấn công của các tàu Trung Quốc, ngư dân huyện Núi Thành đã liên kết thành các tổ đội tàu vươn khơi ra ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt và cùng nhau bám biển, phối hợp với lực lượng chấp pháp Việt Nam, bảo vệ lẫn nhau trên biển.

Ngư dân Võ Quang Sang  (thôn Tân Phú, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam)-chủ tàu cá QNa 94029, bày tỏ: "Mặc dù tàu Trung Quốc liên tục rượt đuổi, dùng vòi rồng tấn công nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam, nhưng chúng tôi không nao núng, không lo sợ”.

Đoàn kết trên biển

Rút kinh nghiệm những lần đi trước, trong chuyến ra khơi lần này, ngư dân các địa phương đã tổ chức thành tổ đội tàu cá, cùng nhau đoàn kết, sát cánh với lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam vừa tiến hành khai thác, đánh bắt thủy-hải sản, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Hiện nay, Quảng Nam đã xây dựng được hơn 120 tổ, đội tàu đánh cá, bao gồm gần 875 tàu cá, với sự tham gia của khoảng 8.000 lao động. Cùng với các tổ đội đánh cá, 6 tổ chức nghiệp đoàn nghề cá trong toàn tỉnh đóng vai trò kết nối, đảm bảo sự đoàn kết, tương hỗ lẫn nhau giữa các ngư dân đánh bắt trên biển.

Có thâm niên hàng chục năm bám biển Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Đinh Ngôn (xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam) nói: “Trong những ngày qua, các lực lượng Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát Biển đã một lòng sát cánh, trợ giúp ngư dân đối mặt với các tình huống cản trở của tàu Trung Quốc, nhờ vậy ngư dân chúng tôi càng vững tin, vượt qua khó khăn, sự khiêu khích, gây hấn của tàu Trung Quốc để bám biển dài ngày, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Nói về tinh thần quyết tâm vươn khơi bám biển, ngư dân Lê Văn Lễ quả quyết: “Hành động hung hăng, ngang ngược và phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông trong những ngày qua, khiến ngư dân chúng tôi càng quyết tâm bám biển, bám ngư trường để khai thác, đánh bắt cá hơn”.
 

Ngư dân gấp rút sửa chữa lại tàu thuyền. Ảnh: Đại Thắng

Bày tỏ ý kiến phản đối trước hành động xâm phạm lợi ích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam của các tàu Trung Quốc, ông Trần Văn Lĩnh-quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng-cho biết, trong những ngày qua, các tàu Trung Quốc đã liên tục xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân. Để bảo vệ và giúp ngư dân bám biển, Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng đã liên lạc, làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam triển khai các phương án hỗ trợ, bảo vệ ngư dân đánh cá hợp pháp trên vùng biển truyền thống của mình.

Mặt khác, Hội Nghề cá cũng thường xuyên động viên ngư dân, tổ chức thành lập những tổ, đội để vừa khai thác, bảo vệ ngư trường, đồng thời kết hợp với cơ quan chức năng bảo vệ tốt vùng biển của Tổ quốc”.

Đại Thắng

Có thể bạn quan tâm