Multimedia

Emagazine

Ngược ngàn mưu sinh

E-magazine Ngược ngàn mưu sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

9 giờ sáng, trong căn lều nhỏ dựng ở góc rẫy tại thôn 2 (xã Ia Krai, huyện Ia Grai), anh Rơ Châm Phiên (30 tuổi, trú tại xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) cùng nhóm bạn chen chúc quanh bếp lửa cho đỡ lạnh. Bên ngoài, mưa như trút nước lên những cây cà phê chín đỏ quả. Bỏ lại vợ con ở làng, vượt hàng trăm km để có thu nhập khoảng 300-400 ngàn đồng/người/ngày mà lại phải tạm nghỉ vài ngày do mưa khiến ai cũng não nề. “Nhóm tôi nghỉ 2 ngày rồi, buồn lắm vì thu nhập giảm nhưng chẳng còn cách nào khác. Hết mưa, chúng tôi sẽ cố gắng hái nhiều cà phê hơn để bù ngày nghỉ. Năm nào cũng vậy mà, quen rồi, cố gắng sao hết mùa hái thuê có thu nhập chừng 10-15 triệu đồng để về mua thức ăn cho con cái và mua phân bón cho mấy sào lúa”-anh Phiên nói.

 
 

Trong dòng người từ khu vực Đông Nam tỉnh ngược lên các huyện phía Tây thu hái cà phê thuê, có vợ chồng anh Siu Hen và chị Ksor Ni (xã Ia Trok, huyện Ia Pa). Vợ chồng anh Hen đang cùng 4 người họ hàng nhận hái khoán cà phê cho anh Trần Xuân Hường (xã Ia Bă, huyện Ia Grai). Chị Ksor Ni thủ thỉ: “Đây là năm thứ 7 vợ chồng mình đi hái cà phê thuê. Thường thì sẽ đi một vòng từ huyện Chư Prông qua Ia Grai lên Chư Păh với thời gian khoảng 1 tháng rồi mới quay về nhà. Vụ năm nay do dịch bệnh nên giá chỉ 80-100 ngàn đồng/tạ nhưng vẫn cao hơn gấp mấy lần công gặt lúa ở dưới huyện. Năm nay, mình có dẫn thêm một đứa cháu 11 tuổi đi cùng để phụ giúp. Làm ít bữa nó cũng được vài triệu để mua cái máy tính học bài”.

Thời gian này, ở khu vực phía Đông của tỉnh, những cánh đồng mía ngút ngàn, rẫy mì tít tắp cũng đang vào mùa thu hoạch. Nhân công tứ xứ đổ về chặt mía, nhổ mì thuê. Riêng thu hoạch mía, tiền công chừng 1,2-1,3 ngàn đồng/bó mía. “Phu mía” Nguyễn Văn Phong cùng vợ từ tỉnh Bình Định lên huyện Đak Pơ làm thuê từ đầu tháng 12-2021. Anh Phong tâm sự: “Ở quê, cuộc sống khó khăn lắm. Thấy nhiều người rủ nhau lên đây để chặt mía, rồi bốc mía thuê, thu nhập cũng được nên tôi xin đi theo. Lúc mới lên, chưa quen, vợ chồng tôi chỉ chặt được 80-100 bó/ngày. Còn nay thì 180-200 bó/ngày. Mỗi ngày có thu nhập 220-260 ngàn đồng là quá tốt rồi”.

 
 

Có cung ắt có cầu. Mỗi năm đến vụ thu hoạch nông sản, hàng trăm lượt lao động kéo về các vùng chuyên canh để làm mướn. Phương án ngược lên các huyện phía Tây hái cà phê, xong lại xuôi về phía Đông, Đông Nam tỉnh để chặt mía, nhổ mì được lao động lựa chọn nhiều hơn bởi có việc làm liên tục, thu nhập cũng đều đặn hơn. Dẫu vậy, cuộc tha hương mưu sinh của họ cũng không hề dễ dàng.

 
 

Theo chân những người làm thuê mới thấy được nỗi gian truân mà họ trải qua. Đơn cử như nhóm anh Rơ Châm Phiên. Hành trang mang theo chỉ là vài bộ quần áo cũ cùng với mấy bao gạo do mình làm ra. Họ bắt xe khách từ huyện Phú Thiện rồi chọn một điểm dừng ở Chư Prông, Ia Grai hay Chư Păh. Thường thì sau khi thỏa thuận tiền công, cả nhóm di chuyển vào nhà rẫy rồi ở hẳn trong đó. Hết nhà này sẽ chuyển sang nhà lân cận. Do vậy, việc ăn uống, ngủ nghỉ thường không đảm bảo. Anh Phiên bộc bạch: “Chủ nhà dựng tạm một cái lán cho chúng tôi ở trong khi hái cà phê. Lều bạt tạm bợ nên đến đêm là gió thổi buốt lắm, chúng tôi phải đốt nhiều đống củi mới ngủ yên giấc. Đi làm thuê như thế này phải có sức khỏe chứ không là ốm ngay. Có không ít người bị ốm phải bỏ dở việc mà về nhà rồi”. 

 

Việc thu hoạch mía cũng không ít khó khăn vất vả với người làm thuê. Gần nửa tháng chặt mía thuê, đôi bàn tay chai sạn của vợ chồng ông Nguyễn Văn Phong có thêm nhiều vết cắt của lá mía. Vén ống quần cho chúng tôi xem vết cắt dài chừng 2 đốt ngón tay trên gót chân trái, ông Phong bảo: “Lá mía sắc nên dù đeo bao tay hay mặc áo dày, dài tay, mang tất vẫn bị cắt xước da. Tay tôi vô vàn vết cắt, mỗi khi mồ hôi túa ra sẽ rất rát, khó chịu lắm. Hôm bữa đang chặt mía, vung tay hơi mạnh, tôi chém cả dao vào chân đây này. May chỉ trượt qua chứ không thì nhập viện rồi”. 

 

 

Có thể bạn quan tâm