Phóng sự - Ký sự

Ngược thượng nguồn: Sức vóc dòng sông mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hít căng lồng ngực làn không khí hanh hao chộn rộn cuối mùa thu thương nhớ, nhìn những nếp sàn lên khói của bản Pu Lau trên dãy Pu Sung Chảo Chai, tưởng như thấy được mùi xôi nếp Tan độn sắn bở tơi đang ngào ngạt tỏa hương qua cửa sổ nhà sàn trong một chiều dân bản làm lễ cúng cơm mới. Từ chân những đỉnh núi này, sông Mã được hình thành để về xuôi bồi đắp nên châu thổ xứ Thanh, một trong ba đồng bằng trù phú bậc nhất Việt Nam. Mới thấy, những lạch nước nhỏ nhoi thượng nguồn chính là nơi sinh hạ những dòng sông Cái.

Thị trấn Sông Mã nhìn từ trên cao.
Dòng sông của một điệu hò
Nằm sát ranh giới hai huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) và Điện Biên (tỉnh Điện Biên), bản Nặm Mạ là nơi nhánh suối từ hướng tây bắc đón nước tụ về từ các điểm cao Pu Lau (1.513 m), Pu Sen Tung (1.546 m), Xa Vua (1.621 m) trên dãy Pu Sung Chảo Chai. Dòng nước Nặm Mạ thẳm xanh luồn giữa đại ngàn, dẫu còn nhỏ nhoi, đã xác quyết danh xưng một dòng sông dài thăm thẳm khúc nhôi cho đến khi về được tới hạ nguồn. Dẫu vậy, từ đây, dòng  Nặm Mạ sơ sinh còn phải ngược lên tận đất Bó Sinh (Thuận Châu) để đón suối Nặm Khoai (Nặm Hua) đưa nước về từ miền Mường Ẳng, Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên. Lúc đó, sông Mã mới chính thức định dòng. 
Từ Bó Sinh, sông Mã đã mang sức vóc của dòng sông Mẹ. Có thể chia đoạn trường sông Mã thành ba lộ trình. Lộ trình thứ nhất từ đất Bó Sinh đến cửa khẩu Chiềng Khương. Lộ trình thứ hai từ cửa khẩu Chiềng Khương đến cửa khẩu Tén Tằn. Lộ trình thứ ba là đoạn tiếp theo cho đến Biển Đông. 
Lộ trình đầu tiên (220 km): Từ Nặm Mạ sông dẫn dòng ngược Điện Biên Đông rồi xuôi theo hướng núi tây bắc-đông nam, xuyên suốt chiều dài huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Bên hữu ngạn, làng bản của các xã Pú Pẩu, Mường Lầm, Yên Hưng, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong, Mường Hung là miền đất thuận tiện cho việc cấy lúa nước và trồng cây ăn quả. Bên bờ tả ngạn, các xã Bó Sinh, Nậm Ty, Nà Nghịu, Thị Trấn, Chiềng Cang, Chiềng Khương trải dài theo triền dốc. Bên này, trừ khu vực thị trấn có nhiều đất bằng, còn lại là vùng đồi núi cao dốc dựng. Về đến Chiềng Khương, dòng chảy vấp phải dải Pu Keo Canh. Sống núi Pu Keo Canh cồn lên, cắt ngang con đường bộ hành từ Sơn La vào sông Mã. Vì thế, từ đây, sông Mã mượn đường sang đất Lào, đổ theo hướng bắc-nam suốt một thôi dài mới lại về đất Việt.
Lộ trình thứ hai (102 km): Từ cửa khẩu Chiềng Khương đến cửa khẩu Tén Tằn. Lộ trình này, sông Mã chảy trên lãnh thổ nước CHDCND Lào. 
Rời đất Việt chừng 8 km, sông Mã được tăng cường bởi chi lưu Nặm Ét. Nặm Ét thu nước về từ hướng tây bắc tỉnh Hủa Phăn, phía điểm cao Pha Thí. Trên đất Lào, sông Mã chảy qua ba huyện: Nặm Ét, Xiềng Khọ, Sốp Bao của tỉnh Hủa Phăn. Suốt dặm dài, hai bên bờ Nặm Mạ là những bản làng người dân tộc Lào đẹp như tranh vẽ.
Khác với những huyện của tỉnh Sơn La phía hữu ngạn, là cực tây nam của dãy Pu Sung Chảo Chai, chính dải núi từ Pha Luông trên đất Chiềng Sơn, Lóng Sập, huyện Mộc Châu kéo qua đất Phiêng Pằn, Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn làm cho địa hình nơi đây bị chia cắt dữ dội. Ngược lại, miền đất thuộc các huyện của tỉnh Hủa Phăn giáp Sơn La, Thanh Hóa lại khá bằng phẳng. Những làng bản người Lào xinh đẹp như những thị tứ nhỏ có những mái sàn dựng theo hướng nhìn xuống dòng sông. Dòng Nặm Mạ, dưới tầm nhìn của những ô cửa nhà sàn, tháng ngày thao thao đưa nước về miền hạ. Bản làng người Lào không có hàng rào, không có ranh giới giữa các nhà. Bản làng có khách, thiếu nữ Lào đốt lửa dưới gầm sàn dệt vải... Đêm trăng, tiếng trống, tiếng chiêng gọi người tới múa Lăm vông. Điệu Lăm vông say đắm là căn cốt, là hồn vía các bộ tộc Lào tháng ngày âm vang hai triền sông Mã. Và, miền đất này cũng chính là “Thủ đô kháng chiến” của cách mạng Lào những ngày tiến hành cuộc kháng chiến giành độc lập.
Về đến Tén Tằn, Mã giang được bàn giao lại cho đất Việt. Người viết bài này, thời trẻ trai, vì sinh kế, không chỉ từng lặn lội hầu khắp các bản làng người Thái, người Lào, người Sinh Mun trên đất hai huyện Sông Mã, Mộc Châu tỉnh Sơn La, mà còn có những tháng ngày đằng đẵng, với túi thuốc trên vai, tham gia phòng, chống dịch bệnh sốt rét, phòng, chống bệnh hủi, những căn bệnh xã hội rất phổ biến ở các bản làng thượng Lào phía hữu ngạn dòng sông. 
Lộ trình thứ ba (210 km): Từ cửa khẩu Tén Tằn trên đất Mường Lát xứ Thanh về tới Biển Đông. 
Nhập thủy ở cửa khẩu Tén Tằn, chảy qua Mường Lát, đến đất Quan Hóa, sông có một đoạn là ranh giới của hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình. Cũng tại đây, sông nhận nước Nặm Niêm và sông Luồng chảy về từ đất Quan Sơn. Sông tiếp tục vượt qua các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy... Đoạn tiếp theo sông Mã chảy giữa đồng bằng xứ Thanh qua các huyện Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa (hữu ngạn) Yên Định, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa, Quảng Xương, Sầm Sơn (hữu ngạn). Trước đó, trên đất Vĩnh Lộc, sông Mã tiếp nhận nước từ chi lưu sông Bưởi xuôi xuống từ mạn Hòa Bình và quan trọng hơn, khi về tới Thiệu Hóa, sông tiếp tục được tăng cường bởi lượng thủy năng dồi dào đến từ dòng nước Chu giang.
Sông Mã ra biển bởi ba cửa chính. Tới giáp ranh hai huyện Yên Định và Thiệu Hóa, sông chia một phần nước làm thành sông Lèn. Sông Lèn qua đất Hà Trung, Nga Sơn ra biển. Chính phù sa sông Lèn (từ phía nam) và phù sa sông Đáy (từ mạn bắc) trầm tích đã làm nên cuộc bể dâu khiến cửa bể Thần Phù ngày xưa, hiện nằm sâu trong đất liền có dễ đến dăm ba cây số. Bây giờ, qua đây, còn được nghe câu ca: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù-Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Về đến TP Thanh Hóa, sông tiếp tục phân thủy cho dòng Tào Xuyên. Sông Tào Xuyên ra biển bởi cửa Lạch Trường (cửa Sung). Còn lại, dòng chính Mã giang được dẫn lối ra biển bằng cửa Hới. Cửa Hới nằm giữa huyện Hoằng Hóa (phía bắc), TP Thanh Hóa và khu du lịch Sầm Sơn (phía nam).
Sông Mã có độ dốc không lớn (17,6%) nên ít thác ghềnh. Thuở đường bộ và phương tiện cơ giới chưa phát triển, thủy lộ đóng vai trò rất quan trọng. Thuyền bè mang lâm sản thượng du, hải sản hạ du ngàn năm xuôi ngược. Mồ hôi, nước mắt những người chở đò, chèo bè, chèo thuyền kết tinh thành một điệu hò. Mới chỉ nghe thoáng điệu Dô huầy, đã nhận ra diện mạo xứ Thanh. Vậy nên, từ rất lâu rồi, Thanh Hóa có hẳn một điệu hò mang tên một dòng sông. Điệu hò có một không hai trên đất Việt: Điệu hò Sông Mã.
Vậy là, khác với những dòng sông lớn như Mê Công, sông Hồng, sông Đà, tất cả đều bắt nguồn từ rất sâu trong lãnh thổ Trung Hoa. Riêng sông Mã khởi thủy từ đất Việt.
Miền đất mang tên dòng sông
Ở nơi đầu nguồn sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La trước năm 2003 có diện tích tự nhiên 3.136 km2 (gấp bốn lần tỉnh Bắc Ninh, gấp hai lần tỉnh Thái Bình). Lưu vực sông Mã trên đất huyện này chiếm tới 1/5 lưu vực dòng sông trên đất Việt. 1/3 tổng chiều dài của cả dòng sông (200 km/512 km) chảy trên đất huyện Sông Mã. Song, huyện Sông Mã mới chỉ có tuổi đời gần 70 năm. Ngày 7/3/1953, một phần đất của châu Điện Biên (Lai Châu) và của hai châu: Thuận Châu, Mai Sơn (Sơn La) được tách ra để làm nên châu Sông Mã. 
Đó là vùng phên dậu sơn cùng thủy tận vô cùng hiểm yếu và hẻo lánh. Ngày đó, để vào Sông Mã chỉ có cách duy nhất là cưỡi ngựa hoặc cuốc bộ vượt hơn 100 km leo qua dốc Trạm Cọ. Tiếp đến, khách bộ hành phải lội qua 21 con suối (mà thực chất chỉ là các đoạn khác nhau của dòng Nặm Lẹ) mới tới được Chiềng Khương. Từ Chiềng Khương đến huyện lỵ và nhất là các xã vùng trong còn lắm đoạn trường. Đến tận những năm 80 của thế kỷ trước, có những mùa mưa, từ thị xã Sơn La, các đoàn công tác phải theo đường số 6 lên tận Điện Biên mới tiếp cận được vùng Pú Pẩu, Sam Kha, Mường Lầm của huyện Sông Mã. Lộ trình ô-tô từ Sơn La vào Chiềng Khương, có những đoạn đường, xe chạy hàng trăm mét giữa dòng nước xiết. Không ít người và có cả xe ô-tô từng bị dòng lũ quét cuốn trôi. Núi cao, dốc sâu, vắt (đỉa khô) nhiều như lá rừng. Đó là ký ức những mùa mưa quá vãng.
Lợi dụng vào địa thế hẻo lánh và cuộc sống nghèo khó của các dân tộc thiểu số, các thế lực đế quốc, phong kiến đã biến nơi này thành căn cứ địa chống phá cách mạng trong suốt những năm dài đằng đẵng. Cho đến tận những năm 70 của thế kỷ 20, chúng ta mới tiêu diệt hoàn toàn được hoạt động phỉ ở vùng này. Lịch sử vùng đất này còn ghi những trang thấm đẫm mồ hôi, nước mắt. Lật giở vài trang cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Sông Mã 1945-2010 ” còn đọc được những dòng sau:  
“…Năm 1955: Toàn châu bắt được 2.195 kg sâu bọ, 3.143 kg châu chấu, bắn được 18 con voi, 206 con nai, 191 con hoẵng, 63 con lợn rừng. Qua năm 1956, toàn châu diệt được 4,6 tấn châu chấu, 1.256 kg sâu bọ, 75.575 con chuột. Bắn được 310 con nai, 463 con hoẵng và nhiều thú dữ như hổ, gấu, khỉ…
Ngày đó, việc diệt trừ động vật hoang dã, bảo vệ tính mạng con người và mùa màng, lấy thực phẩm cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ không thể nói là không quan trọng (Lịch sử Đảng bộ huyện Sông Mã 1945-2010, trang 87).
…Đầu năm 1958, sau khi được về huyện lỵ nghe nói chuyện thời sự về cuộc sống của nông dân Liên Xô XHCN, ngay sáng hôm sau, đồng chí tổ trưởng tổ Đảng bản Mường Tợ, xã Mường Lầm băng rừng, lội suối về bản. Qua những đêm dài trăn trở, đồng chí tổ trưởng tổ Đảng bản Mường Tợ, xã Mường Lầm đã quyết định xây dựng bản mường thành mô hình nông trang XHCN đầu tiên trên đất Sông Mã.  
Một HTX nông nghiệp được thành lập. Ruộng rẫy, trâu bò, nông cụ, thóc lúa ngô khoai… được góp lại thành của chung. Cả bản hơn một trăm người làm chung, ăn chung. Sản phẩm hằng ngày, từ nông sản đến rau măng kiếm được được để trong kho. Buổi sinh hoạt cuối mỗi ngày, công việc được phân công rất cụ thể cho từng nhóm: Nhóm sản xuất, nhóm lấy củi, nhóm kiếm thức ăn, nhóm cấp dưỡng, nhóm giữ trẻ... Mọi người đi làm, ăn trưa, ăn tối, sinh hoạt tập thể nhất nhất diễn ra… theo tiếng kẻng. Không khí tưng bừng, hồ hởi, thân ái diễn ra suốt mấy tháng ròng. Và tất nhiên, cái gì phải đến đã đến. Một thời gian không dài sau đó, vì vô vàn lý do, mô hình nông thôn XHCN ấy chấm hết (!). Có thể, đây cũng là mô hình nông thôn XHCN đầu tiên không chỉ trên núi rừng Tây Bắc (?)” (LSĐBHSM 1945-2010, trang 97). 
…Mảnh đất Sông Mã từ xưa đã từng là nơi tranh giành quyền lực của các thổ hào phong kiến. Những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, hệ thống đồn bốt “Xứ Thái tự trị” do thực dân dựng lên, kéo dài từ Mường Lầm sang tận Nặm Ét (Lào), sau nhiều lần bị tiêu diệt, lại được bọn phản động dựng lên. Phải bao xương máu, bộ đội và nhân dân Sông Mã mới đem lại bình yên cho mảnh đất này. Trong thời kỳ gian khổ, huyện Sông Mã đã thành lập các đại đội nữ thanh niên hỏa tuyến. Để xác định tư tưởng và động viên chị em trước khi lên đường chi viện cho chiến trường Bắc Lào, đại đội do chị Tòng Thị Hiên, Hội phó Hội Phụ nữ huyện làm chính trị viên đã nêu khẩu hiệu: “Chỉ có vui, không có buồn. Chỉ có cười, không có khóc” (LSĐBHSM 1945-2010). 
Những ngày này, đọc cái khẩu  hiệu có một không hai nêu trên, lòng người còn thấy rưng rưng. Người miền núi là vậy, người Sông Mã là vậy: Chân thành, chất phác… Đã tin là theo cho đến tận cùng. 
Ngược dòng lịch sử, từ xa xưa, mảnh đất hiểm yếu này từng là nơi hoạt động của quân Cờ đen và của nghĩa quân Hoàng Công Chất. Khoảng giữa thế kỷ 18, nghĩa quân Hoàng Công Chất, gần 20 năm, đã lấy nơi này làm căn cứ kháng chiến. Đồng bào dân tộc vùng này gọi thủ lĩnh Hoàng Công Chất là “Chúa trời Chất”. Song, vẫn khó lý giải là, tại sao ở nơi hẻo lánh này lại có một ngôi đền cổ thờ Hai Bà Trưng được xây dựng cách đây đến mấy trăm năm. Đền Hai Bà trên đất Chiềng Khương, hiện còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật và hàng chục bản sắc phong, sớm nhất là sắc phong của vua Tự Đức (ngày 11/1/1853), muộn nhất là sắc phong của vua Khải Định (ngày 25/7/1924). Trên đất xã Mường Và vùng trong, còn có một ngôi tháp cổ uy nghiêm trầm mặc gần 400 năm tuổi. “Khẩu Mường Và, pa Sốp Cộp-Gạo Mường Và, cá Sốp Cộp”. Mường Và với ruộng nước hai vụ, từ rất lâu rồi, là điểm sáng sản xuất lương thực của bản người dân tộc Lào trên đất Sông Mã.
Thực hiện quyết định điều chuyển nhân lực miền xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi, từ năm 1961, hàng nghìn nhân khẩu các huyện Yên Mỹ, Tiên Lữ, thị xã Hưng Yên tỉnh Hưng Yên được đưa lên Sông Mã. Cũng từ đó, cây nhãn lồng cắm rễ trên đất này. Cây nhãn lồng Hưng Yên đầu tiên trên đất Nà Nghịu đã tròn 60 năm tuổi, gốc to đến cả người ôm. Hiện tại, Sông Mã có hơn 6.000 ha nhãn, cho sản lượng 60.000 tấn quả/năm. Nhãn Sông Mã về xuôi, nhãn Sông Mã còn được xuất khẩu sang Trung Quốc và cả các thị trường khó tính như Nhật, EU. Chỉ tính riêng một xã Chiềng Khoong, hằng năm, bà con thu được tới hơn 30 tỷ đồng từ long nhãn. Nhãn lồng Sông Mã với chất lượng không kém gì nhãn Hưng Yên, đã góp phần đưa Sơn La thành tỉnh có diện tích cây ăn trái vào hàng cao nhất cả nước.

Ngược nguồn sông Mã.
Chuyện nhỏ về một người hát tình ca trên thượng nguồn sông Mã
Về đến gần cửa khẩu Chiềng Khương, sông Mã bình lặng trôi giữa hai bờ cát mịn. Mùa xuân, hàng hàng hoa mộc miên đỏ thắm triền sông. Chả biết có nơi nào có nhiều mộc miên như ở nơi này? Mùa quả mộc miên tách vỏ, người dân Mường Hung thu bông trắng làm thành nệm ấm. Đầu đông, hoa trạng nguyên thắm đỏ một vùng. Và ngọn núi Mường Hung, ngọn núi ở tận miền biên viễn này, bao năm rồi, được người cả nước gọi tên. Dẫu có thể, họ đâu có biết Mường Hung là tên xã, tên dải núi thẳm xanh kẻ dọc xã Mường Hung soi bóng thượng nguồn sông Mã. Ấy là khi họ cùng nhau hát lên ca khúc: Tình ca Tây Bắc. Bài hát có những câu… Anh là núi Mường Hung, em là dòng sông Mã...
Ca khúc “Tình ca Tây Bắc” là tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh phổ thơ của nhà thơ Cầm Giang. Cứ nghĩ, có thể, cuộc đời ông Cầm Giang còn lắm ghềnh thác hơn cả dòng sông Mã. Nhà thơ, nhà giáo Cầm Giang có tên khai sinh là Lê Gia Hợp. Làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa (nằm kề mố cầu Nguyệt Viên, TP Thanh Hóa bây giờ) là nơi ông được cha mẹ sinh ra. 12 tuổi, khi còn chưa biết yêu là gì, cậu bé Lê Gia Hợp đã được mẹ cha đón về cho một người vợ. Năm 14 tuổi, Lê Gia Hợp bỏ nhà, lên tàu ra Hà Nội bán báo kiếm sống. Một người đạp xích-lô quê tận Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã cưu mang cậu bé bán báo Lê Gia Hợp. Năm 1950, Lê Gia Hợp vào bộ đội và theo đoàn quân kháng chiến lên Sơn La. Những năm tháng công tác ở Sơn La, Lê Gia Hợp làm nhiều việc, trong đó có việc làm thơ, viết văn. Để những bài thơ rất riêng tư, không phù hợp “cái ta” của cả một thời, hầu hết những bài thơ nổi tiếng của ông đều không mang tên ông. Bài Núi Mường Hung, dòng sông Mã đề tên tác giả là Cầm Giang. Bài thơ Em tắm là của Cầm Vĩnh Ui, bài Nhớ vợ tác giả là Bạc Văn Ùi. Rồi cả hai bài thơ sau “giã chày đôi” trong tất cả các tuyển tập thơ tình Việt Nam những năm sau này. Và, điều lý thú là, cả ba bài thơ trên đều hiện diện trong tuyển tập 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 của Trung tâm Văn hóa doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tuyển chọn. Trong khi, một trong những tiêu chí tuyển chọn là… mỗi tác giả chỉ được chọn một bài.
Rời Sơn La, Cầm Giang về Mỏ Cẩm, Thái Nguyên làm việc trước khi về Vĩnh Tường dạy học. Dẫu không học một ngày ở trường y, ông vẫn là một y tá giỏi. Dẫu không hề được học một ngày ở trường sư phạm, ông lại là giáo viên dạy văn được xếp loại giỏi của tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Học trò ông bây giờ, có người là nhà văn. Nhà văn ấy nói rằng, thầy Cầm Giang là một trong những thầy giáo dạy văn giỏi nhất mà ông được học (?).  Đừng ai nghĩ rằng ông không học. Cuộc đời ông Cầm Giang minh chứng rằng: Tự học và học suốt đời quan trọng hơn mọi trường lớp và bằng cấp. Ông mất tại Vĩnh Tường năm 1989, ở tuổi 59. 
Tôi đã gặp, ở thượng nguồn sông Mã có đến hàng chục người quê ở cuối dòng sông mà cuộc đời họ lại gắn chặt với đoạn sông ở phía thượng nguồn. Trường hợp nhà thơ Cầm Giang là một trong số đó.
Vĩ thanh nơi “Gần biển-xa nguồn’’
Dịp cuối tháng 10 năm nay, biết tôi sắp ngược thượng nguồn, GS, TS, NGND Mã Giang Lân, người có tuổi thơ dầm mình ở đoạn cuối dòng sông Mã đã nói cùng tôi những điều thẳm sâu về dòng sông quê mình. Thuở thiếu thời, GS, TS Mã Giang Lân có tên khai sinh là Lê Văn Lân. GS, TS Mã Giang Lân cho biết: Sông Mã có tên chữ là Lỗi Giang. Người Thái, người Lào gọi sông Mã là Nặm Mạ, dịch ra tiếng phổ thông là sông Ngựa. Tất thảy đều nghĩ, dòng sông chảy như ngựa phi vì lắm thác ghềnh. Tuy nhiên, nghiên cứu về từ nguyên học thì Mã là âm chữ Hán để ghi tên thật của dòng sông là “Mạ”. Trong đó, từ Mạ còn lưu lại trong phương ngữ miền trung, mang nghĩa là Mẹ. Và, sông Mạ là Sông Cái - Sông Mẹ là từ để chỉ một dòng sông lớn. Thì ra là như vậy! 
Trước thế kỷ 19, trong ba cửa ra bể của dòng sông thì cửa Tào Xuyên (Ngu giang - cửa Sung) mới là cửa chính. Những năm đầu triều Nguyễn, một bè gỗ lim thật lớn bị chìm ở cửa vào sông Ngu. Phù sa bồi lấp, sông Ngu hẹp lại. Tức nước, dòng chảy giữa núi Hàm Rồng và núi Châu Phong trổ rộng dần ra. Vậy nên bây giờ, cửa Hới mới là cửa chính của dòng sông Mã (theo sách: Đất nước Việt Nam qua các thời đại của học giả Đào Duy Anh). Trở về lần này, tôi chọn dăm viên đá có vân thật đẹp kiếm được từ một bãi đá thượng nguồn, để tặng nhà thơ có nghệ danh mang tên dòng sông yêu quý. 
Bây giờ, bản làng thượng nguồn sông Mã đêm đêm sáng điện, nhà nhà có xe máy, có tivi, thậm chí có cả ô-tô. Khoảng cách Sông Mã với TP Sơn La và cả với đồng bằng đã được kéo gần. Ở cuối dòng sông, TP Thanh Hóa, khu du lịch Sầm Sơn, khu du lịch Hải Tiến lộng lẫy cờ hoa, nhà cao cửa rộng. Những khu công nghiệp hoành tráng đua nhau mọc lên trên hai bờ sông Mã. Có tới chín dự án thủy điện trên dòng chảy chính và năm dự án  thủy điện trên các phụ lưu sông Mã đã được xây dựng. Điện năng từ dòng chảy Mã giang đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Từ thượng nguồn tới hạ du, có 22 cây cầu nối hai bờ sông Mã. Trong số đó, ngoài cầu Hàm Rồng lịch sử, còn phải kể đến hai cây cầu, không chỉ góp phần bảo đảm giao thông mà còn làm đẹp xứ Thanh: Cầu Hoàng Long và cầu Nguyệt Viên. 
Những năm tháng này, sông Mã tới khúc thuận dòng.
Tháng 11/2021
Theo Bút ký của MAI VĂN TÝ (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm