TN - Đất & Người

Người chiến sĩ trung kiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được tin UBND tỉnh tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Võ Tiệu (Võ Liêu)-nguyên Bí thư Huyện ủy Mang Yang, chúng tôi tìm đến nhà để thăm bà Phạm Thị Năm-vợ ông và thắp nén hương tưởng nhớ ông. Căn nhà nhỏ ở số 84 Nguyễn Trãi, TP. Pleiku, nơi bà Năm cùng vợ chồng người con trai duy nhất của ông bà và 2 cháu trai nhỏ đang ở, những ngày này nhộn nhịp hơn.

Bà Năm kể, chồng bà sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo, giàu truyền thống cách mạng (thôn Trung Thành-xã Mỹ Quang-huyện Phù Mỹ-tỉnh Bình Định), được nuôi dạy trong một gia đình gia giáo, giàu truyền thống yêu nước, có cha, mẹ, anh chị em ruột và bên vợ có nhiều người hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người thanh niên Võ Tiệu sớm giác ngộ cách mạng, năm 17 tuổi đã tham gia lực lượng cướp chính quyền trong khởi nghĩa tháng 8-1945 tại Phù Mỹ-Bình Định.
 

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Tiệu chụp cùng con trai năm 1981.

Tháng 9-1948, ông Võ Tiệu vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3-1950 tình nguyện đi công tác vùng tạm chiếm tại tỉnh Gia Lai. Sau Hiệp định Paris, chồng bà là một trong số 134 cán bộ tiêu biểu của Gia Lai được bố trí ở lại miền Nam để tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng tại huyện 6 (nay là huyện Mang Yang). Từ năm 1960 đến năm 1964, đồng chí Võ Tiệu giữ các chức vụ: Ủy viên Thường vụ; Phó Bí thư, quyền Bí thư huyện 6. Tháng 11-1964 được cử đi học chính trị và được giữ lại Khu ủy Khu 5 làm cán bộ Ban Tổ chức, đến tháng 5-1966 đồng chí Võ Tiệu được điều động về làm Bí thư huyện 6, tỉnh Gia Lai.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao. Nổi bật là các thành tích tiêu biểu như: Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, đồng chí Võ Tiệu được Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai giao nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ lực lượng vũ trang kết hợp với lực lượng chính trị quần chúng nhân dân của huyện 6 với hơn 1.000 người tiến vào thị xã Pleiku đấu tranh chính trị với địch. Ngày 3-2-1968, tổ chức lực lượng phá ấp chiến lược Brêl Dôr làm tan rã 1 trung đội dân vệ và bọn Bảo an.

Tại cuộc tiến công và nổi dậy phá ấp Brêl Dôr ta làm chủ ấp, thu được nhiều chiến lợi phẩm, nhưng đến 9 giờ sáng ngày mùng 4 Tết Mậu Thân, quân địch ở quận Lệ Trung phản kích cho xe tăng đến bao vây, máy bay trực thăng vũ trang phóng rốc két, quân ta phục kích đánh tiêu diệt nhiều sinh lực địch trong đó có một tên Mỹ, và chủ động rút lui. Trong đợt phản kích này, đồng chí Võ Tiệu và các đồng chí: Phạm Thị Năm (sau này là vợ ông Tiệu), Vương Thiệu và cùng một số cán bộ, du kích đã bị địch bắt đưa về cơ quan thẩm vấn Quân đoàn 2 của ngụy.

Từ năm 1968 đến 1973, đồng chí Võ Tiệu bị địch bắt giam cầm tại Nhà lao Pleiku, Nhà lao Phú Quốc. Dù bị giam cầm ở đâu, bị địch tra tấn tàn khốc thế nào, đồng chí cũng một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, tuyệt đối giữ bí mật bảo vệ tổ chức, bảo vệ cán bộ. Dưới sự lãnh đạo, tổ chức của đồng chí Võ Tiệu các tổ chức Đảng trong Nhà lao Phú Quốc được thành lập, làm nhân tố lãnh đạo tù chính trị, tổ chức các phong trào đấu tranh chống đàn áp của địch, tổ chức chào cờ ta, tổ chức học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ được nhiều tù nhân kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hình ảnh anh Liêu-cái tên trìu mến của đồng chí Tiệu ở trong tù-không hề nao núng tinh thần trước những trận đòn roi, các hình thức tra tấn man rợ, tàn khốc của kẻ thù luôn là tấm gương cho các đồng chí đồng đội noi theo.  

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, cùng với các đồng chí tù binh Phú Quốc, đồng chí Võ Tiệu được trao trả về Tây Ninh. Với tinh thần, ý chí kiên cường, bất khuất, phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng, chịu đựng gian khổ, kiên quyết, khôn khéo trong lãnh đạo, đồng chí Võ Tiệu được Đảng tín nhiệm tiếp tục giao trọng trách quan trọng làm Đảng ủy viên, Chủ nhiệm Hậu cần Đoàn I Tây Ninh đón tiếp tù binh và tù chính trị trở về; được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ nhận xét Đảng tịch của đảng viên được trao trả từ Nhà lao Phú Quốc.

Tháng 4-1974 đến năm 1978 thực hiện quyết định của cấp trên, đồng chí Võ Tiệu về công tác tại Khu ủy Khu 5, sau đó được điều động trở lại làm Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai.
 

Bà Năm bên di ảnh của chồng. Ảnh: Đức Phương

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, song chính quyền cách mạng còn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định điều đồng chí tăng cường tham gia xây dựng chính quyền cơ sở. Từ năm 1979 đến năm 1982, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy Mang Yang. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng chí đã có nhiều thành tích trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.

Từ 1979-1980 đồng chí đã lãnh đạo xây dựng và tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, truy quét bọn phản động FULRO. Tổ chức bóc gỡ 438 đối tượng cơ sở ngầm của FULRO, truy quét tiêu diệt 18 tên, trong đó có tên Rơ Chơm Sinh, Tỉnh trưởng Pleiku tự phong, bắt sống gọi hàng 44 tên. Giai đoạn 1981-1982 bóc gỡ 200 cơ sở ngầm Fulro, tổ chức truy quét 16 trận, tiêu diệt 32 tên, bắt sống 5 tên. Tháng 2-1984 với cương vị Phó Trưởng ban Xây dựng huyện (tỉnh Gia Lai-Kon Tum), đang trên đường đi công tác ở huyện Đak Tô, do những di chứng từ vết thương cũ bị địch tra tấn dã man trong nhà lao tái phát, đồng chí Võ Tiệu đã từ trần ở tuổi 56.

Cuộc đời của đồng chí Võ Tiệu luôn là tấm gương sáng, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một cán bộ lãnh đạo mẫu mực, cuộc sống giản dị, gần gũi với bạn bè, đồng chí, đồng đội và nhân dân; hiên ngang bất khuất trước kẻ thù, được cấp trên tin tưởng, nhân dân, đồng chí đồng đội tin yêu, quý trọng.

Đức Phương (lược ghi)

Có thể bạn quan tâm