Ông Ksor Dơn. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Dơn người buôn Toát, xã Ia Rsươm. Không khó để tìm ông. Trực tiếp cầm súng đánh FULRO từ Ayun Pa, Phú Thiện, Phú Nhơn (Chư Sê)… từ những năm 80 thế kỷ trước, trở lại nơi chôn nhau cắt rốn công tác ở nhiều cương vị khác nhau, điều làm người cựu binh này buồn lo nhất chính là nhiều người hiền lành, chất phác trong buôn bị kẻ xấu dụ dỗ làm điều sai trái. “Phải tìm cách kéo những cái đầu u tối ra khỏi vũng lầy…”-Dơn trăn trở.
Cầu nối về nẻo thiện
…Tới nhà Kpă Djer-buôn Phùm Jy, xã Ia Rsươm lần thứ ba, Ksor Dơn mới gặp được chủ nhà. Vẻ mặt lạnh lùng, Djer để ông vào nhà nhưng không mời một ngụm nước. Biết Djer là kẻ “cứng đầu” trong số những người theo cái gọi là “Tin lành Đê-ga”, ông phớt lờ bắt chuyện: “Vụ lúa vừa rồi nhà Djer để dành được mấy bao, có đủ ăn không? Mấy đứa nhỏ còn đi học hay mày bắt chúng đi rẫy hết rồi…?”. Djer trả lời nhát gừng như thể bị ép buộc, bụng nghĩ thầm, hẳn “cán bộ Dơn” đến trách tội mình. Nhưng trái với suy nghĩ của Djer, Dơn chỉ hỏi han chuyện ruộng rẫy, con cái chứ không đả động gì đến “chuyện kia”. Tựa bậu cửa nhìn hình dáng khẳng khiu của người cán bộ xã khuất xa, Djer nghĩ ngợi…
Vài hôm sau Ksor Dơn lại tới. Ông vui vẻ kể về chính sách cho vay vốn của Nhà nước đang làm dân mấy buôn gần xa phấn chấn. Những hộ khó khăn đều được cán bộ ngân hàng đến tận nhà hướng dẫn hồ sơ vay vốn, rất dễ dàng, thuận tiện. Djer nghe trong sự thờ ơ nhưng cái bụng cũng thấy nao nao, gia đình có tới 6 đứa con đều đang tuổi ăn tuổi lớn mà mùa nào cũng đói khi giáp hạt. Nếu được vay vốn, sẽ đầu tư mua mấy con bò cho lũ trẻ vừa đi học, vừa chăn dắt… Đang chìm vào dòng suy nghĩ thì tiếng Dơn kéo Djer về thực tại: “Nhà nước đầu tư điện, đường, trường, trạm cho dân đầy đủ cả rồi, nay lại quan tâm đến vốn cho dân sản xuất nữa, nếu Djer cần vốn, tôi sẽ nói Hội đoàn thể đứng ra tín chấp để vay làm ăn…”. Lời đề nghị của Dơn làm Djer suy nghĩ lung lắm. Những lần sau Dơn đến, sự lạnh lùng của Djer đã biến mất. Nhưng mặc cảm bị kẻ xấu dụ dỗ, đi theo “Tin lành Đê-ga, phá rối sự bình yên của buôn làng vẫn làm Djer áy náy. Như hiểu thấu lòng Djer, Dơn động viên: “Djer đừng lo, chỉ cần lên xã làm đơn cam kết từ bỏ “Tin lành Đê-ga”, mọi người sẽ tha thứ và tạo điều kiện làm ăn”.
Sự chân thành của Dơn cuối cùng đã thuyết phục được Djer. Không những thế, Djer còn dẫn theo 5 hộ từng bị Djer dụ dỗ tới nhà Dơn tự nguyện làm giấy cam kết đoạn tuyệt với “Tin lành Đê-ga”. Giữ đúng lời hứa, Dơn giúp Djer vay vốn. Số tiền đó anh mua hai con bò cái sinh sản và nay đàn bò nhà anh đã có tới 6 con…
Kể lại chuyện vận động thuyết phục những người dân nhẹ dạ bị kẻ xấu dụ dỗ, Ksor Dơn đúc kết: “Giữa lúc họ đang tin vào luận điệu xuyên tạc của kẻ thù bên ngoài, mình nhắc đến với sự kỳ thị chỉ khiến họ nổi nóng. Mình chỉ nói đến những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số mà dân làng đang thụ hưởng để chúng nó thấy mà “ngộ” ra lẽ phải. Vận động được họ rồi, phải tạo điều kiện để họ làm ăn, thoát khỏi đói nghèo thì cái xấu không thể xâm nhập vào cuộc sống của họ được nữa”. Ông nói, kiên trì đến với những con người lầm lạc ấy không phải ông là một cán bộ xã, một Chủ tịch Mặt trận mà bằng tấm lòng của con người cùng sinh ra, lớn lên, uống chung dòng nước với họ.
Thành tích vận động, thuyết phục 26 hộ với 180 nhân khẩu buôn Toát từ bỏ “Tin lành Đê-ga”, ông không tự nhận về mình hoàn toàn. Dơn chia sẻ: “Mình phải gặp những người có uy tín trong làng, người thân trong gia đình có người theo Đê-ga để họ cùng giúp sức. Mừng nhất là đến nay buôn làng đã “sạch” thứ tà đạo đó rồi, người dân được chính quyền cho phép gia nhập tôn giáo khác nếu có nguyện vọng, tình hình an ninh nông thôn cũng được giữ vững”.
Theo lời Bác dặn
Nhiều người lầm lạc giờ coi Dơn như “người nhà”, như ân nhân. Trở về từ sự lầm lỗi, họ không bị dân làng xa lánh mà còn được tạo điều kiện vay vốn để làm ăn. Nhiều người trong số đó thường lui tới Dơn, hỏi ông đủ thứ chuyện, nhiều nhất là nhờ ông chỉ vẽ đường hướng làm ăn.
Ông khoe: “Đường liên thôn, trường học trong buôn được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, 95% các cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường; 100% hộ gia đình trong buôn có điện, có giếng khoan, nước sạch; 90% hộ có ti vi, xe mô tô; 95% gia đình được công nhận gia đình văn hóa năm 2010…”. Đằng sau “cái để khoe” ấy là rất nhiều nỗ lực của đội ngũ cán bộ xã. “Trong tháng 5 vừa rồi, bà con mấy buôn không có nước uống phải lấy nước ở suối Hréh cách cả cây số rất vất vả. Rồi việc đi làm rẫy của bà con cũng gặp nhiều khó khăn… Mình đã phản ánh lại ý kiến của dân với cấp trên nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết…”-Dơn kể lại một trong những vấn đề người dân tin tưởng gửi gắm vào ông.
Nói về những việc đã làm, ông chỉ ngắn gọn: “Bác Hồ dặn dò cán bộ phải gần dân, sát dân, tận tụy với dân… Mình học tập và làm theo lời Bác thôi”.
Hoàng Ngọc