TN - Đất & Người

Người con nuôi của buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 10 năm làm công tác vận động quần chúng trên địa bàn các xã Ia Khươl, Đak Tơ Ver và Hà Tây (huyện Chư Pah), Đại úy Nguyễn Xuân Thủy-đội viên Đội Công tác 398, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pah đã cùng với đồng đội đã làm thay đổi cách nghĩ, nếp làm cho bà con các buôn làng nơi đây.

Người con nuôi của A Mĩ

 

Ảnh: Đinh Yến

Năm 2010, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pah có chủ trương quy hoạch khu vực đất tại làng Kon Kơ Mó, xã Hà Tây phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, 73 hộ dân trong làng đều đồng tình ủng hộ chủ trương trên. Song chỉ có duy nhất gia đình ông A Mĩ là không chấp thuận nhận tiền hỗ trợ đền bù. Dù trước đó đã nhiều lần các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương gặp gỡ tiếp xúc vận động nhưng gia đình ông A Mĩ vẫn tránh mặt.

Trước tình hình trên, Nguyễn Xuân Thủy trăn trở tìm cách vận động gia đình ông A Mĩ. “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” hàng tháng liền cùng gia đình, khi thì giúp ông A Mĩ cắt lúa, khi thì đưa đi khám-chữa bệnh. Những món quà nhỏ, những bộ quần áo mới, những đôi dép, tập sách vở và sự chân thành, cộng với sự nhiệt tình dành cho gia đình A Mĩ, dần dần ông A Mĩ đã tin và quý Đại úy Nguyễn Xuân Thủy lúc nào không hay. Lễ nhận cha con kết nghĩa diễn ra đơn giản mà đầm ấm. Sau đó, A Mĩ đã tin tưởng và đồng ý giao đất cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Ở làng Kon Kơ Mó nhiều chị em phụ nữ bị kẻ xấu rủ rê theo tà đạo Hà Mòn. Việc kết nghĩa cha con với gia đình A Mĩ cũng là điều kiện thuận lợi để Nguyễn Xuân Thủy tiếp tục vận động chị em phụ nữ trong làng từ bỏ tà đạo này. Theo đó, năm 2011, làng Kon Kơ Mó có 8/16 đối tượng theo tà đạo Hà Mòn hứa trước dân là từ bỏ.     

Đổi thay nếp nghĩ cho dân làng

Ngày đầu, Đội Công tác 398 nhận nhiệm vụ tăng cường giúp các buôn làng thuộc xã Ia Khươl, Đak Tơ Ve và Hà Tây. Cây lúa, cây mì trên vùng đất này còi cọc vì phương thức sản xuất của người dân lạc hậu. Nguyễn Xuân Thủy kể lại: “Ngày ấy, nhiều người dân ở vùng đất này cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc. Người già thì vào rừng tìm củ mài, thanh niên thì luồn rừng bẫy thú kiếm cái ăn hàng ngày. Ngay cả trẻ con mùa mưa cũng phải đi lấy măng rừng về ăn thay cơm còn mùa khô thì vào rẫy bẫy chuột nhằm góp miếng ăn cho cả nhà…”.

Ý tưởng giúp dân xóa đói giảm nghèo của Đội Công tác 398, đặc biệt là của Đại úy Nguyễn Xuân Thủy ban đầu cũng gặp cản trở. Người Bahnar, Jrai  nơi đây ngàn đời chỉ biết du canh du cư nên việc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm gặp nhiều khó khăn. Song Đội Công tác đã thực hiện tốt 3 chức năng, 5 nhiệm vụ của mình, ăn ở cùng dân, giúp dân cải tạo vườn tạp, trồng rau xanh, phá cà phê mít năng suất thấp trồng cà phê rô, đặc biệt phát triển cây bời lời. Bộ đội tặng cây giống, hướng dẫn bà con trồng và thu hoạch loại cây chủ lực này.

Tuyên truyền vận động là vậy nhưng việc thực hiện mới đầu cũng không thành, bởi trong nếp nghĩ của người dân cây bời lời là cây rừng làm sao trồng ở vườn nhà”. Đại úy Nguyễn Xuân Thủy không nản lòng, tiếp tục cùng anh em trong Đội xin chủ trương của Quân khu, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pah trồng thử nghiệm 350 cây cà phê, 1,5 ha mì và 3 sào lúa nước, 1.800 cây bời lời tại làng Rơ Wai, khi có kết quả mới mời bà con 2 xã Đak Tơ Ve và Hà Tây đến tìm hiểu. Cuối cùng, gia đình ông A Mĩ và một số hộ dân trong làng trồng theo. Mùa khô năm 2001, 2.000 cây bời lời của gia đình ông A Mĩ và 500 cây bời lời của các hộ khác lên xanh. Đất lạ cây bời lời lớn nhanh như có người thổi. Người dân thấy vậy đã đồng loạt trồng theo.

Năm 2009, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah thành lập Nông trường Cao su Hà Tây. Việc làm này mới đầu khi vận động được đa số người dân đồng tình ủng hộ nhưng chỉ có 2 đối tượng Nót và Khe ở làng Om và làng Mo không đồng tình ủng hộ việc giao đất cho Công ty để trồng cao su. Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Nguyễn Xuân Thủy đã nhiều lần tiếp cận, vận động bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau. Cuối cùng, hai đối tượng này đã thấy được việc làm sai trái của mình và hứa sẽ không tái phạm.

 

Một việc làm khác cho đến tận bây giờ nhiều học sinh ở 2 làng Om và Hà Te vẫn không quên hình ảnh bộ đội Thủy phải đội mưa gió đến từng nhà mỗi học sinh khi nghe tin các em có ý định bỏ học. Biết được ý định đó của một số em vì gia đình nghèo khó nên bộ đội Thủy đã báo cáo đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy Đội vận động cán bộ đội viên hỗ trợ sách vở, bút, tặng học bổng cho các em. Thấy sự nhiệt tình và lòng chân thành của Đại úy Nguyễn Xuân Thủy, gia đình các em tiếp tục cho các em đến trường.

Những gì Đại úy Nguyễn Xuân Thủy và Đội Công tác 398 đã làm cho các buôn làng nơi đây khó có thể kể hết. Nhưng chỉ biết rằng, bây giờ đi dọc trên các con đường nhựa, cấp phối phẳng lì ở 3 xã này, những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, màu xanh của bời lời, cà phê, cao su bạt ngàn xanh thẳm, chúng tôi mới hiểu hết sự đóng góp của Đội Công tác 398, trong đó có Đại úy Nguyễn Xuân Thủy.

Đinh Yến
 

Có thể bạn quan tâm