Nhiều khu tái định cư ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, dù xây khang trang, vững chắc nhưng nhiều hộ không chịu đến ở mà quay về sinh sống trong các ngôi nhà xập xệ ở làng cũ - những ngôi nhà tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng khi mưa lũ về.
Khu tái định cư làng Gút vắng lặng do có nhiều hộ về làng cũ sinh sống |
Chê nhà đẹp
Khu tái định canh, định cư mới của 149 hộ dân 2 làng Gút và Tung (xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) có tổng mức đầu tư hơn 13,8 tỷ đồng, cách UBND xã Krong khoảng 4km. Do chỗ ở cũ của dân nằm trong rừng, cách biệt bởi núi đồi và suối sâu, rất khó khăn đi lại nên khu tái định cư mới này được kỳ vọng sẽ giúp ổn định đời sống người dân. Có mặt tại khu tái định cư, từ xa đã thấy những căn nhà bằng gạch khang trang, nối đuôi nhau nằm trải dài. Tuy nhiên, đến gần lại thấy sự vắng lặng, nhiều nhà cửa đóng then cài. Một số nhà bên trong mạng nhện giăng đầy, bếp lửa chỉ còn tro bụi - dấu hiệu của việc lâu không có ai ở. Hỏi ra mới biết, rất nhiều hộ đóng cửa nhà mới để về nhà cũ sống. Anh A Nhớp (làng Gút) là một trong những người đã bỏ khu tái định cư về làng cũ, cho biết khu tái định cư đất dốc, anh trồng cây nhưng cây không lên, trong khi làng cũ còn ít đất, trồng được lúa nên anh tạm quay về.
Tương tự, khi khu tái định cư dự án thủy điện Đắk Drinh hoàn thành, đã di dời 192 hộ dân ở xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến sinh sống từ tháng 8-2013. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều hộ dân đã quay về làng cũ. Theo UBND tỉnh Kon Tum, có khoảng 34 hộ dân thuộc dự án tái định cư thủy điện Đắk Drinh rời khu tái định cư. Lý do là sau 4 năm di dời, bố trí lên khu tái định cư mới, công tác bồi thường, tái định cư, định canh gặp khó khăn. Việc thiếu vốn, chưa thực hiện bồi thường, hỗ trợ đất cho bà con bị thu hồi đất, chưa cấp đất sản xuất cho các hộ dân tại nơi ở mới, khiến cho người dân ở khu tái định cư không có đất sản xuất, thiếu lương thực, nên quay về làng cũ.
Cũng theo UBND tỉnh Kon Tum, nơi ở cũ mà các hộ dân về ở là các sườn núi có độ dốc cao và có nguy cơ sạt lở rất lớn, nếu không di dời khẩn cấp sẽ nguy hiểm tính mạng người dân trong mùa mưa.
Hệ lụy
Việc dân bỏ nhà tái định cư quay về làng cũ sinh sống gây nên nhiều hệ lụy. Ông Đinh Blứ, Bí thư Chi bộ làng Gút (xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), cho biết ở làng cũ, người dân thiếu thốn đủ thứ. Vì sống trong rừng nên trẻ con và người lớn đều bị sốt rét. Mùa mưa lũ, ngôi làng bị cô lập hoàn toàn. Còn theo ông Hỏa Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Krong, dân quay về làng cũ đã gây khó khăn cho chính quyền trong việc quản lý các vấn đề y tế, giáo dục... Các em học sinh theo bố mẹ vào làng cũ sinh sống, đến mùa tựu trường, chính quyền phải kết hợp với nhà trường đi vận động các em. Về y tế, xã cũng thường xuyên cho các cán bộ y tế vào tận làng cũ phát thuốc cho bà con.
Ông Ka Ba Thành-Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, cho biết một số địa bàn như ở các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đắk Glei có địa hình phức tạp, đồi dốc. Đây cũng là khó khăn của địa phương trong việc tìm nơi bố trí tái định cư cho bà con. Việc khảo sát khu tái định cư chỉ mới giải quyết được chỗ ở. Một số nơi xa nơi sản xuất, hoặc ảnh hưởng nguồn nước, dẫn đến việc tái định cư ở những vùng này chưa đạt hiệu quả. Trước mắt, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương vận động dân trở lại khu tái định cư sống nhằm đảm bảo an toàn. Tỉnh Kon Tum cũng đã đề nghị chủ đầu tư thủy điện Đắk Drinh sớm chi trả bồi thường, cấp đất cho các hộ tái định cư ổn định cuộc sống, sản xuất. Còn về lâu dài, để tránh tình trạng dân “ngó lơ” nơi ở mới, những dự án tái định cư xây dựng mới sau này cần sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc lấy ý kiến của người dân trong vùng dự án, từ khâu chọn địa điểm, đến việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, sản xuất của bà con.
Hữu Phúc (sggp)