Kinh tế

Người dân "Tiến thoái lưỡng nan"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 8 năm đi vào hoạt động nhưng đến nay, khu sản xuất kinh doanh tập trung huyện Đức Cơ chỉ có vài hộ sản xuất-kinh doanh mang tính nhỏ lẻ, cầm chừng và chưa mang lại hiệu quả.

Năm 2007, huyện Đức Cơ thành lập Khu Tiểu thủ công nghiệp tại thị trấn Chư Ty với mục đích đưa các hộ kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường vào một chỗ để quản lý. Theo quy hoạch ban đầu, khu tiểu thủ công nghiệp có diện tích hơn 10 ha, mỗi lô có diện tích 600 m2 và được chia thành hai khu A và B, cùng nhiều chế độ ưu đãi dành cho các cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh khi vào khu tiểu thủ công nghiệp. Đợt I năm 2007, huyện đã quyết định cho 22 cá nhân thuê đất với 30 lô. Song chỉ một năm sau, với nhiều lý do khác nhau như diện tích không đủ, cần tập trung cho Khu Kinh tế Cửa khẩu… nên Khu Tiểu thủ công nghiệp của huyện đã được đổi tên thành khu sản xuất kinh doanh tập trung (SXKD).

Một góc khu sản xuất. Ảnh: Anh Huy

Khu SXKD tập trung của huyện quy hoạch 93 lô, điều chỉnh diện tích mỗi lô từ 600 m2 theo quy hoạch ban đầu xuống còn 180 m2, gồm 2 tuyến đường: Đ3 và Đ4. Đến nay, sau 3 đợt xét duyệt cho thuê đất đã có 91 tổ chức và hộ gia đình thuê đất và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chủ yếu làm các ngành nghề như: mộc, cơ khí, gara ô tô; buôn bán vật liệu xây dựng, thuốc trừ sâu, điện-điện lạnh, nội thất…

Tuy nhiên, do sản xuất không mang lại hiệu quả, nhiều hộ đóng cửa, hoặc chuyển đi nơi khác khiến tình trạng sản xuất kinh doanh ở đây càng trở nên vắng vẻ. Hộ nào trụ lại cũng sản xuất mang tính cầm chừng, điển hình như gia đình anh Nguyễn Ngọc Chỉnh. Năm 2008, anh Chỉnh thuê một lô đất tại  khu Sản xuất, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị với số tiền hơn 230 triệu đồng. Nhưng từ khi rời địa điểm sản xuất từ thị trấn Chư Ty ra đây, thu nhập hàng năm của gia đình anh không đủ trang trải cuộc sống. “Nhưng chúng tôi vẫn phải bám trụ vì đã đầu tư quá nhiều, bây giờ mà chuyển đi chỗ khác cũng không còn vốn. Mong muốn của chúng tôi là huyện sẽ đưa các hộ sản xuất khác ra khu này thì sản xuất mới mang tính tập trung được…”- anh Chỉnh chia sẻ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Lam-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, cho biết: “Đối với các hộ đang sản xuất kinh doanh tại khu SXKD tập trung huyện luôn khuyến khích, còn hộ nào muốn trả lại đất thì huyện sẽ tiếp nhận và thông báo cho ai có nhu cầu để giao lại”. Dẫu huyện sẵn sàng tiếp nhận, song cái khó của các hộ sản xuất kinh doanh là vốn ban đầu đã bỏ ra quá nhiều tiền, giờ chuyển đi nơi khác thì không còn vốn.

Ngay cả Doanh nghiệp tư nhân Phúc Thắng-đơn vị được cho thuê đất tại khu sản xuất tập trung này để làm Bến xe Đức Cơ cũng đang gặp khó khăn. Ông Nguyễn Thế Phúc-Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phúc Thắng, cho biết: Bến hiện có khoảng 7-8 doanh nghiệp đăng ký với khoảng 40 đầu xe. Thế nhưng vài năm nay, một vài xe bỏ bến, không đăng ký nhật trình, thậm chí xe vào tận bến để bắt khách nhưng không vào ký lệnh dẫn đến chuyện thất thoát và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Về vấn đề vận động các hộ sản xuất kinh doanh vào SXKD tập trung theo quy hoạch ban đầu, theo ông Nguyễn Hồng Lam, thì: “Đến cuối năm 2013, tất cả các hộ kinh doanh sản xuất có điều kiện và các hộ sản xuất-kinh doanh gây ô nhiễm môi trường đã có cam kết vào kinh doanh tại khu sản xuất kinh doanh tập trung này”. Tuy nhiên, đã gần cuối quý I-2014, song theo quan sát của chúng tôi hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây vẫn chưa thật sự khởi sắc.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm