TN - Đất & Người

Người Gia Lai đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người Gia Lai đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh ảnh 1
 
Chị Huỳnh Thị Kim Phụng- Giám đốc Công ty Phát hành Trường Phát

Tôi sinh năm 1962 trong một gia đình đã làm nghề phát hành báo chí tại Pleiku. Sớm tiếp xúc với phát hành, khi thành phố còn trong sương sáng của núi rừng Pleiku, ba mẹ tôi đã len ken trên chiếc xe đạp đi bỏ báo. Tôi cảm nhận mùi báo chí và phát hành là mối lương duyên của tôi. Năm 1976, tôi theo gia đình vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, nghề phát hành báo chí vẫn còn mơ hồ đối với tôi. Khi tốt nghiệp Đại học ngành Quản trị Kinh doanh tôi về công tác tại Báo Tuổi Trẻ, dần dần nghề phát hành đã ăn sâu vào máu thịt của tôi.
Tôi nhận thấy rằng phát hành báo chí là ngành kinh doanh không mới mẻ nhưng chưa có quy củ, nền nếp, thị trường nhỏ lẻ, người phát hành chưa được đào tạo. Tôi có quyết định táo bạo rời khỏi Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ để thành lập Công ty Phát hành Báo chí vào năm 1996. Ban đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ lòng yêu nghề, nỗ lực của bản thân nhất là sự động viên của gia đình và bạn bè, tôi đã dần dần vượt qua và có một Công ty Trường Phát ngày nay.

Đến nay tôi vẫn còn nhớ như in những tờ báo phát hành đầu tiên là tờ Sài Gòn Tiếp Thị, nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thế giới Phụ nữ… Trong giai đoạn khởi nghiệp tôi đã học được bài học công nghệ báo chí từ tờ báo Thế giới Phụ nữ. Đây là tờ báo đặt nền móng cho sự cải tiến hình thức và xây dựng chiến dịch quảng cáo của tôi. Báo chí cũng theo quy luật cung cầu nên có những chiến dịch marketing cho phù hợp mới thành công. Đến nay, Công ty chúng tôi đã phát hành trên 100 đầu báo. Tuy không còn sinh sống ở Pleiku nhưng tôi luôn luôn yêu mến quê hương ấy. Năm 2004, tôi về thăm quê Gia Lai và xây dựng giúp xã Chư Mố (huyện Ia Pa ngày nay) một trường học. Tôi mong muốn được đóng góp cho quê hương nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ rằng dù thành công ở nơi nào cũng luôn nhớ về cội nguồn, nơi gìn giữ ký ức tuổi thơ và ươm mầm ước mơ cho tôi.

Người Gia Lai đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh ảnh 2
 
Nhà thơ Cao Thoại Châu

Tôi đặt chân lên Pleiku-thành phố sương mù ấy từ những năm tháng còn chiến tranh. Tôi dạy học tại Trường nữ Trung học Plei Me. Hàng ngày lên lớp với học sinh, thời gian rảnh rỗi quanh quẩn cùng Phố núi, với bạn bè đàm đạo văn học nghệ thuật. Sau năm 1975, tôi về Long An sinh sống. Với Pleiku, tôi cũng đau đáu một thời; những hình ảnh thiên nhiên và gương mặt khó quên đã là ký ức bây giờ.
Ngày ấy anh em chúng tôi có thành lập một quán cà phê lấy tên là “Cà phê tay trái” ở phía sau lưng cà phê Dinh Điền đường Hai Bà Trưng bây giờ, là nơi gặp gỡ anh em nghệ sĩ. Những năm trước, khi nhà thơ Kim Tuấn còn sống và một số anh em lâu lâu về Pleiku chơi. Bây giờ ít có dịp quay lại nơi ấy nhưng lòng vẫn đầy ắp Pleiku yêu thương. Nghe Gia Lai phát triển cả về kinh tế và văn học nghệ thuật, tôi rất mừng.

Người Gia Lai đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh ảnh 3
 
Ông Lưu Văn Ngọc- Giám đốc điều hành Tập đoàn Mesa

Tôi sinh ra tại Pleiku trong một gia đình có 10 anh chị em, ba tôi mất năm 1975, lúc tôi còn quá nhỏ, mẹ tôi buôn bán tại Chợ Mới Pleiku. Lớn lên chúng tôi đi học rồi vào Nam ra Bắc tìm kế sinh nhai, lập nghiệp.
Tập đoàn Mesa (Mesa Group) ban đầu là công ty Mesa được thành lập năm 1991 tại Hà Nội, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hơn 1.500 nhân viên, 30 văn phòng đại diện toàn quốc, 52.000 cửa hàng. Chuyên kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng các nhãn hiệu nổi tiếng của P&G, tiếp đó là điện ảnh với một phim trường hiện đại Mesa Studios đặt tại Hưng Yên. Năm 2009 Mesa Group đầu tư bất động sản, với Mesa Tower ở quận 4-TP. Hồ Chí Minh, khu đô thị mới Thủ Thiêm-Hồ Chí Minh, khu đô thị mới ở Cam Ranh và Đồng Nai...
Dù đi đâu, ở đâu và làm gì, trong tôi luôn ý thức rằng mình là người Gia Lai. Nay ba mẹ tôi không còn nữa nhưng tôi vẫn thường xuyên về thăm Gia Lai, nhất là những lần nhớ Gia Lai
Người Gia Lai đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh ảnh 4
 
Nguyên Hiệu trưởng Trường THLN Tây Nguyên Đặng Cao Du

Tôi sinh năm 1944 tại Phù Mỹ, Bình Định. Tập kết ra Bắc năm 1954, tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp. Năm 1975 về Bình Định công tác tại Trường Lâm nghiệp Bình Định. Năm 1984 về Gia Lai là Hiệu trưởng Trường Trung học Lâm nghiệp Tây Nguyên. Nhiều anh chị xuất thân từ trường này ra đi và họ đã trưởng thành, tôi rất hạnh phúc. Tôi về TP. Hồ Chí Minh sống cuộc sống bình thường. Tôi luôn nhớ Gia Lai và Gia Lai cũng nhớ tôi. Mong cho Gia Lai ngày càng phát triển bền vững.
Người Gia Lai đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh ảnh 5
 
Doanh nhân Ngô Xuân Biên

Tôi sinh năm 1948 tại Tuy Phước, Bình Định-quê ngoại của nhà thơ Xuân Diệu, nhà viết tuồng nổi tiếng Đào Tấn. Tôi tốt nghiệp kỹ sư Nông Lâm súc Sài Gòn. Ngày ấy còn học ở Sài Gòn, tôi hay chơi thân với Trần Long Ẩn, Miên Đức Thắng (Phan Thắng), Kim Tuấn, Cao Thoại Châu, ở Pleiku thì có nhạc sĩ Hoàng Châu và nhiều anh em khác trong giới văn học nghệ thuật.
Tôi lên Pleiku làm Hiệu trưởng Trường Nông Lâm súc Pleiku. Nhiều lớp học trò ngày nay đã trưởng thành từ đó, tôi cũng mừng. Hàng năm tôi thường tổ chức gặp mặt Hội Cựu học sinh, thầy giáo Pleiku ở TP. Hồ Chí Minh trước và sau năm 1975 và có năm tổ chức về nguồn-Pleiku.
Sau năm 1975, về TP. Hồ Chí Minh sinh sống bằng nghề xây dựng. Đến nay con cái đã trưởng thành, cuộc sống cũng ổn định. Tôi nhớ thương Pleiku lắm. Mong rằng Gia Lai sẽ và phát triển nhiều hơn nữa.
Người Gia Lai đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh ảnh 6
 
Nhà giáo Dương Đình Tuấn
Tôi sinh năm 1959, học ngành Sư phạm. Đến Gia Lai năm 1981, công tác trong ngành Giáo dục, rồi làm Hiệu trưởng Trường THCS Diên Hồng. Năm 2007, tôi vào TP. Hồ Chí Minh, làm việc tại Công ty Sabeco, cuộc sống ổn định. Tôi tiếc rằng vì điều kiện không cho phép mình và gia đình sinh sống lâu dài với Pleiku. Ở đó, tôi đã mến yêu thiên nhiên, con người. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm qua, có hàng trăm cú điện thoại giục tôi về nhớ Pleiku nhưng vì hoàn cảnh không thể đi được. Đêm ấy tôi trằn trọc không ngủ được vì nhớ Pleiku mà rưng rưng nước mắt.
Nguyễn Xuân (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm