(GLO)- “Xét thấy tôi ăn ngay nói thẳng, đúng tôi nói đúng, sai tôi nói sai, không cả nể bất cứ ai ngay cả người nhà, bà con trong dòng họ nên mọi người tín nhiệm, bầu tôi làm Tổ trưởng tổ hòa giải tổ 3, buôn Đê, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa”-đó là những lời tâm sự của Siu Meh, một người được mọi người ở buôn Đê kính nể về uy tín và sự công minh trong việc tháo gỡ các vụ xích mích xảy ra trong buôn.
Tâm tình của Siu Meh
Ảnh: Hồng Sơn |
Làm Tổ trưởng tổ hòa giải như ông bà ta ngày xưa ví von là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, bởi lẽ công việc này không có chế độ trợ cấp, mọi thứ đều tự bỏ tiền túi để làm tốt công việc. Siu Meh tâm sự: “Làm Tổ trưởng tổ hòa giải là để thôn xóm yên bình, tình làng nghĩa xóm khăng khít, thương yêu nhau”. Nói thì đơn giản thế, nhưng trong nội tình không ít gian truân, Siu Meh cho biết: “Đầu tiên phải vượt qua chính mình, xác định tư tưởng làm công việc này là để giúp đỡ mọi người không phải vì cái lợi cá nhân. Mình phải hy sinh thời gian, nhiều lúc rơi vào đúng ngày mùa còn phải thuê nhân công về làm để có thời gian làm công tác hòa giải. Ngoài ra, phải thực sự quan tâm đến mọi người mới hiểu được tâm tư của họ mà tháo gỡ”.
Không nói đâu xa, ngay chính tại gia đình mình là vụ hòa giải thành công đầu tiên của Siu Meh. “Thời gian đầu làm công tác hòa giải vợ con hay phàn nàn mình làm việc gì mà đã không có tiền lại còn bỏ cả tiền túi ra để mua giấy bút, nạp card điện thoại, bỏ cả công việc đồng áng… Mình nghĩ phải gỡ bỏ ngay tảng đá đang đè nặng trên ngực vợ con mình. Mình giải thích với vợ, bây giờ bà con trong buôn cần mình thì mình đi giúp họ, mai mốt mình có việc cần thì mọi người sẽ giúp lại. Ví dụ như: Con cái cưới vợ, cưới chồng bà con đi họ cho mình, con cái làm nhà thanh niên trong làng tới giúp. Thế là từ đó vợ con không phàn nàn về công việc của mình nữa”-Siu Meh trải lòng.
“Mã đáo thành công”
Một góc yên bình buôn Đê. Ảnh: Hồng Sơn |
Có thể nói hầu hết các vụ xích mích, mâu thuẫn trong buôn, từ việc cỏn con đến việc gây chết người Siu Meh đã ra tay là hầu hết thành công. Trong 6 năm làm công tác hòa giải, Siu Meh đã hòa giải 61 vụ thì có tới 59 vụ thành công. Siu Meh chia sẻ bí quyết của mình: “Mỗi một vụ hòa giải, ngoài việc lắng nghe tâm sự từng cá nhân, gia đình rồi tìm cách giải thích cho hai bên cùng ưng cái bụng, mình còn kết hợp với các ban ngành, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc trong các buổi hòa giải. Ngoài việc giải thích để mọi người hiểu sự việc theo đúng pháp luật, hai bên được hòa giải còn phải cam kết theo luật lệ của làng, nếu ai vi phạm làng sẽ phạt, nhẹ thì con heo, nặng thì con bò, nghiêm trọng sẽ phạt con bò hai em (con bò khoảng hơn 2 năm tuổi-P.V)”.
Siu Meh cho biết thêm: “Nguyên nhân những vụ gây xích mích trong buôn rất nhiều, từ nghi ngờ ăn cắp vặt, nam, nữ thanh niên ghen tuông nhau, vợ chồng to tiếng đòi ly hôn, đến việc nghi ngờ nhau trong các vụ án mạng dẫn đến hai gia đình thường xuyên tổ chức đánh nhau… Đơn cử như vụ Rlan H’Đim và Ksor H’Quang, ban đầu là bạn bè với nhau, sau đó cả hai cùng có tình cảm với một thanh niên nên nảy sinh mâu thuẫn. Từ đó gặp mặt nhau là sinh sự, cả ngày chúng dùng điện thoại di động gọi điện và nhắn tin miệt thị nhau. Hai gia đình bó tay, không khuyên giải được nên đã tìm đến tổ hòa giải. Mình tổ chức buổi gặp mặt hai gia đình, có cả già làng và những người có uy tín trong buôn để hòa giải. Sau khi nghe hai cháu trình bày nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, mình khuyên hai cháu không nên làm như thế nữa, người trong buôn mình phải đoàn kết, thương yêu nhau, không nên vì chuyện tình cảm rồi nảy sinh mâu thuẫn. Sau đó, các cháu hiểu ra, đã làm hòa với nhau. Mình còn cam kết với hai gia đình nếu bên nào vi phạm làng sẽ phạt vạ một con heo 50 kg”.
Khó khăn nhất phải kể đến vụ Ksor Luyên và Rcom Nam. Vào khoảng tháng 3 năm nay, chúng cùng rủ nhau xuống xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa nhổ mì thuê. Tại đây, Nam đi uống rượu rồi mất tích, một tháng sau người dân đi làm rẫy phát hiện xác Nam đã bị thối rữa trong rừng mới báo tin về gia đình. Gia đình Nam nghi Luyên giết Nam nên tổ chức đánh gia đình Luyên; sau đó gia đình Luyên cũng tập hợp mọi người sang gia đình Nam trả thù. Sự việc hai gia đình đánh nhau cứ lặp đi lặp lại trong mấy tháng trời. Chính quyền đã nhiều lần xử phạt nhưng vẫn không giải quyết được tận gốc sự việc. Lúc này tổ hòa giải vào cuộc, kết hợp các hội trong buôn, cùng với Công an phường, già làng và những người có uy tín, tập trung hai gia đình về nhà văn hóa cộng đồng của buôn để hòa giải. Mất một ngày vừa nghe, vừa giải thích chuyện Nam chết sẽ được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và sẽ xử nghiêm theo pháp luật, hai gia đình không nên gây mất đoàn kết, mất trật tự trong buôn, làm như thế là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến truyền thống đoàn kết, nếp sống văn hóa của buôn. Ngoài ra, nếu kéo dài việc đánh nhau thì mọi người trong buôn sẽ xa lánh hai gia đình… Kết thúc buổi hòa giải, hai gia đình cùng cam kết, nếu bên nào còn tổ chức đánh nhau làng sẽ phạt vạ một con bò hai em. Từ đó hai gia đình không còn đánh nhau nữa.
Hồng Sơn