TN - Đất & Người

Người giữ chiêng ở làng Mít Chép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Ksor An ở làng Mít Chép thuộc xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) còn lưu giữ được 9 bộ cồng chiêng cho gia đình- nhiều nhất làng, trong đó có 3 bộ chiêng cổ (1 bộ Bon và 2 bộ Pát).
Giá trị mỗi bộ chiêng cổ hiện nay hơn 60 triệu đồng, còn 6 bộ chiêng Hanh (chiêng cải tiến) cũng có giá từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/bộ. Ông nói: Trước đây nhà mình còn có nhiều hơn nữa kia, nhưng cho bớt lại con cháu khi lớn lên có vợ, có chồng ra ở riêng để bọn chúng biết giữ gìn.
Ông Ksor An và bộ chiêng cổ. Ảnh: V.T
Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông Ksor An đã tình nguyện tham gia kháng chiến vào lực lượng thanh niên xung phong và được đứng vào hàng ngũ của Đảng từ năm 1971. Sau ngày thống nhất đất nước, ông trở về làng Mít Chép sinh sống cùng vợ con và cộng đồng, cuộc sống ngày càng được ổn định và nâng cao. Tuy nhiên, ông cảm thấy buồn vì tiếng cồng chiêng trong làng ngày một ít, trong những ngày lễ hội cũng chỉ nghe được vài tiếng chiêng. Nhiều đêm trăn trở, ông bàn với vợ và quyết định bỏ tiền ra để tìm mua cho được những bộ cồng chiêng quý hiếm cho nhà và cho làng. Bộ chiêng cổ đầu tiên ông mua được vào năm 1993 sau bao ngày lặn lội sang Campuchia tìm kiếm, phải đổi 6 con trâu khỏe mới có được một bộ chiêng này. Hết chiêng cổ, ông lại tiếp tục tìm mua chiêng cải tiến mang về, càng có nhiều chiêng cả nhà đều vui và hạnh phúc.
Ông không biết chỉnh chiêng nhưng lại có đôi tai rất thính, biết nghe và phân tích được âm thanh của từng chiếc chiêng, chiếc nào bị “rè” nghe không chuẩn là ông đi tìm nghệ nhân về chỉnh lại cho hay hơn. Người dân trong làng nói rằng, nghe tiếng cồng chiêng của nhà ông Ksor An không biết chán, lúc trầm lúc bổng và ngân xa đến các đỉnh núi cao. Mới đây, ông đem các bộ chiêng ra gõ thử cho đoàn công tác chúng tôi nghe, tiếng chiêng vang xa và chỉ trong chốc lát có nhiều người dân trong vùng tập trung đến nhà ông để... thưởng thức.
Noi theo ông Ksor An, bây giờ gần như nhà nào ở làng Mít Chép cũng đều có ít nhất là một bộ cồng chiêng, trong đó cả làng có đến vài chục bộ chiêng cổ Bon và Pát. Già làng Rơ Lan Gát khẳng định: Tình trạng “chảy máu” cồng chiêng trong những năm gần đây ở làng Mít Chép không còn nữa, một khi đời sống người dân được nâng cao và theo đó nhận thức của bà con có tiến bộ nhiều, không những biết giữ gìn tiếng cồng tiếng chiêng như linh hồn của dân tộc mà còn tự giác bỏ dần các tập tục lạc hậu trong đời sống của cộng đồng.
Văn Thông

Có thể bạn quan tâm