Kinh tế

Doanh nghiệp

Người góp phần đưa những cung đường vươn ra biển lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ít nói về mình nhưng trong công việc anh luôn tỉ mẩn, mạnh mẽ, cương quyết, dám nghĩ và dám làm; đối với mọi người anh dễ gần, thân thiện để cùng tìm tiếng nói chung. Chính cá tính này là một lợi thế giúp cho anh xây dựng nên một thương hiệu doanh nghiệp uy tín. Anh là Đỗ Mạnh Luyn.

Thỏa chí tang bồng…

Lớn lên ở vùng quê nghèo xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) nhưng lại mang trong mình dòng máu của người mẹ là một phụ nữ chịu thương chịu khó quê lúa Thái Bình nên Đỗ Mạnh Luyn từ nhỏ đã hiểu những khó khăn như thế nào trong việc đi lại. Bởi vậy ý nghĩ luôn gắn sâu trong anh là động lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội của một vùng quê nghèo phát triển mạnh không thể không nói đến cơ sở hạ tầng.

 

Cung đường mới tránh đèo Tô Na. Ảnh: L.V.N
Cung đường mới trên đèo Tô Na. Ảnh: L.V.N

Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp cao đẳng tài chính-kế toán và đã có công việc làm ổn định ở một cơ quan quản lý nhiều năm nhưng anh vẫn ấp ủ làm gì để thúc đẩy phát triển những vùng quê nghèo trong khi đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Sau nhiều trăn trở và trước những cơ hội thách thức trong nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, Đỗ Mạnh Luyn quyết định chia tay công việc của một công chức mà có lần anh không dám nghĩ rứt ra.

Từ đây anh thành lập cho riêng mình một xí nghiệp với mong muốn thực hiện xây dựng các công trình giao thông, cấp thoát nước trên địa bàn cấp huyện. “Bấy giờ mình cũng lo lắng lắm bạn ạ! Nếu không thành coi như tiêu tan sự nghiệp đã từng ổn định. Nhưng đã quyết chí là thực hiện để mong làm được điều gì đó trước cảnh các vùng chiêm trũng nông dân sản xuất lúa 2 vụ vận chuyển khó khăn. Nông thôn mùa mưa lầy lội bì bõm, mùa nắng nóng ran bụi mù.

 

Kiểm tra trạm nghiền đá dưới chân đèo Tô Na. Ảnh: L.V.N
Kiểm tra trạm nghiền đá dưới chân đèo Tô Na. Ảnh: L.V.N

Lúc ấy cứ nghĩ đơn giản biết đâu mình lại góp công nên những con đường nho nhỏ cho những mùa bội thu. Cứ nghĩ làm ở đâu cũng quê mình rồi một ngày sẽ có cơ hội về giúp lại chính quê hương mình sinh ra. Ấy là động lực động viên mình cố gắng vươn lên. Được cái, cũng nhờ nhiều anh em đã hiểu tâm tư nên động viên giúp đỡ”-Đỗ Mạnh Luyn chia sẻ…

Tháng 9-2000, Xí nghiệp Đông Hưng ra đời cùng hội tụ một số kỹ sư, công nhân kỹ thuật. Những ngày đầu Đỗ Mạnh Luyn trực tiếp chỉ đạo anh em thiết kế và thi công một số công trình giao thông, thủy lợi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Krông Pa rồi dần dà mở rộng ra các huyện lân cận. Đơn vị và cá nhân anh không nề hà các công việc, công trình hay dự án quy mô thế nào.

Chủ động tìm kiếm công việc, ổn định đời sống vẫn luôn là mục tiêu hàng đầu. “Hồi còn trên ghế nhà trường mình rất yêu thích bài thơ “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ. Có lẽ từng lời của bài thơ như niềm thôi thúc mình vượt lên những lúc khó khăn, cho mình kiên cường hơn”-Đỗ Mạnh Luyn thổ lộ và đọc lại cho tôi những vần thơ với sự trải nghiệm và là lời nhắc nhở sau nhiều năm lăn lộn giữa đời: “Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc/nợ tang bồng vay trả, trả vay/chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây/cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể/nhân sinh tự cổ thùy vô tử/lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”…

Và những dấu ấn…

 

Thi công gói thầu số 8 thuộc quốc lộ 25. Ảnh: L.V.N
Thi công gói thầu số 8 thuộc quốc lộ 25. Ảnh: L.V.N

Gần 5 năm xây dựng một xí nghiệp và đến năm 2007 phát triển thành Công ty cổ phần Đông Hưng-Gia Lai. Hiện Công ty là một trong những đơn vị hàng đầu về làm đường giao thông trên địa bàn tỉnh với 9 công ty thành viên. Trang-thiết bị gồm 60 máy thi công chuyên dùng, 15 xe đặc chủng, 30 xe vận chuyển thi công, 4 trạm sản xuất bê tông nhựa nóng (công suất 80 tấn/giờ), 3 dây chuyền đồng bộ trải thảm bê tông nhựa nóng, 1 trạm sản xuất bê tông xi măng (50 m3/giờ), 3 trạm khai thác và chế biến đá trang trí (200.000 m3/năm), 1 cửa hàng kinh doanh bê tông nhựa nóng, 1 cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng và khuôn viên nhà xưởng sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, xe cơ giới 2.000 m2…

Dưới sự điều hành của Tổng giám đốc Đỗ Mạnh Luyn, đến nay công ty có 127 cán bộ, công nhân viên trong biên chế của DN và trên 300 lao động phổ thông với 10% là đại học, 40% là cao đẳng và trung cấp còn lại là công nhân kỹ thuật lành nghề được qua đào tạo. Lương bình quân 5,5 triệu đồng/tháng. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên được tôi luyện qua thực tiễn công trình, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh trên thương trường.

 

Ghi nhận những thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt vai trò xã hội của doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn của cá nhân tổng Giám đốc Đỗ Mạnh Luyn và tập thể Công ty cổ phần Đông Hưng-Gia Lai, Nhà nước và các bộ, ngành đã có nhiều phần thưởng:
+ Huân chương lao động hạng ba cho cá nhân Đỗ Mạnh Luyn năm 2011.
+ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty cổ phần Đông Hưng-Gia Lai năm 2011.

Nhiều công trình để lại dấu ấn thương hiệu Đông Hưng-Gia Lai như: công trình đường Trường Sơn qua TP. Pleiku, đường Đông Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), nâng cấp quốc lộ 25, quốc lộ 19… Những công trình giao thông này góp phần kết nối Gia Lai với Phú Yên qua quốc lộ 25; kết nối các huyện phía Đông đến các huyện phía Đông Nam tỉnh cũng như Gia Lai với Bình Định. Từ đây những cung đường làm nên vành đai xương sống góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở miền núi với miền xuôi.

Đặc biệt, năm 2012 trước tình hình kinh tế Gia Lai chịu sự tác động khó khăn chung của cả nước, trong đó có việc thực thi chính sách cắt giảm chi tiêu công, cắt giảm đầu tư các công trình xây dựng nhưng công ty vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, lĩnh vực kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề. Nhờ đó công ty vẫn ổn định việc làm cho người lao động. Hiện đơn vị đang tiếp tục thi công một số công trình (kể cả năm 2011 chuyển tiếp) với tổng giá trị trên 280 tỷ đồng.

Với phương châm “tất cả vì chất lượng công trình”, “Tất cả cho thương hiệu” dưới sự lãnh đạo điều hành của Đỗ Mạnh Luyn đã đem đến chất lượng sản phẩn và uy tín của công ty không ngừng được nâng cao, tạo thương hiệu và uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Doanh thu hàng năm không ngừng tăng theo từng: năm 2008 trên 50 tỷ đồng, năm 2009 trên 72 tỷ đồng, năm 2010 trên 152 tỷ đồng, năm 2011 đạt 180 tỷ đồng; năm 2008, lợi nhuận trên 2,5 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước trên 3,2 tỷ đồng thì năm 2011 lợi nhuận 7 tỷ đồng và nộp ngân sách 10 tỷ đồng. “Để giữ vững tăng trường, quản trị doanh nghiệp là điều cần thiết trong tương lai. Và hướng đến xây dựng công ty quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 là điều mong mỏi”-anh Luyn cho biết.

Ngoài việc kinh doanh, chăm lo ổn định công việc và đời sống cho người lao động, xuất phát từ truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty-Đỗ Mạnh Luyn cùng tập thể đơn vị đã làm rất nhiều công tác xã hội từ thiện như ủng hộ “Quỹ chất độc da cam”, “Quỹ khuyến học”, “Quỹ vì người nghèo”, “Hội Chữ thập đỏ” “Quỹ an sinh xã hội tỉnh Gia Lai”, cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt gây ra…

Trong đó, năm 2007: 560 triệu đồng; năm 2008: 850 triệu đồng; năm 2009: 1,2 tỷ đồng; năm 2010 trên 1 tỷ đồng. Anh còn về quê nhà (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) chia sẻ đồng bào bị lũ lụt năm 2010 trên 150 triệu đồng… Anh tâm sự: “Mình trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ mảnh đất Tây Nguyên này. Những trải nghiệm cuộc đời cho mình yêu quý hơn và càng có trách nhiệm hơn nơi được xem là quê hương thứ hai. Bởi vậy, công tác xã hội là chính từ tâm để góp một phần nhỏ bé với cuộc đời, chung tay với xã hội xây dựng quê hương, đất nước”…

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm