Gần 20 năm qua, ông Nguyễn Xuân Hường, 65 tuổi, trú tại tổ dân phố 5, thị trấn Kbang (huyện Kbang, Gia Lai) vẫn âm thầm chèo đò đưa người qua sông. Niềm vui và nỗi buồn của ông gửi theo từng con nước, từng chuyến đò ngang, mỗi câu chuyện ăm ắp suy tư trải nghiệm.
Rời miền đất nghèo Thạch Khê-Thạch Hà (Hà Tĩnh), năm 1979, ông Hường vào huyện Kbang làm nghề lái máy ủi cho Đoàn 332 thuộc Trung đoàn 240. Khi đó việc đi lại của bà con hai bên sông gặp rất nhiều khó khăn, trong khi sông Ba cuồn cuộn sóng, dọc tuyến sông ít cầu qua lại. Để khắc phục, Lâm trường 7 (bây giờ là Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku) đã làm thuyền cho bà con và công nhân đi lại. Năm 1991, thuyền của Lâm trường bị cuốn trôi sau một trận lũ lớn. Trước nhu cầu cấp thiết, ông Hường đã tự đóng thuyền gỗ và ngày ngày đưa đón bà con qua sông.
Những cảnh như thế này sẽ không còn thấy trên sông Ba. Ảnh: T.T |
Đến nay, sau gần 20 năm, ông Hường đã thay đổi đến 14 chiếc thuyền. Có năm ông đầu tư đóng đến 2 chiếc thuyền vì bị hư hỏng nặng sau nhiều trận bão lũ. Tiền đò thực hiện theo quy định của chính quyền địa phương, mỗi lượt 500 đồng, có xe máy là 1.500 đồng, người và xe đạp là 1.000 đồng. Cán bộ, giáo viên, chiến sĩ đi công tác đều được miễn phí.
Số tiền mà gia đình kiếm được hàng ngày từ việc đưa đò không nhiều, từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng, chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Điều quan trọng là ông Hường tin vào việc làm của mình. Nhiều hôm đang ngủ, trời mưa to thì có người nhờ chở qua sông cấp cứu, không thể chậm trễ được. Cả nhà ông phải ra sông chèo đò.
Giờ đây, khi huyện Kbang đã khở công xây dựng đường từ thị trấn Kbang đi các xã bên kia sông, trong đó có cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực bắt qua sông Ba dài 146,25 mét và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012. Ông Hường lại được nghỉ ngơi sau gần 20 năm chèo đò. Ông phấn khởi vì nhịp cầu sắp nối bờ vui. Còn người dân nơi đây thì mãi không quên hình ảnh người chèo đò cần mẫn ngày nào.
Khuôn mặt chợt buồn, ông Hường chỉ tay ra dòng sông, tâm sự: “Cùng với cây cầu, công trình thủy điện An Khê-Ka Nak chặn dòng thì nước sông Ba cạn dần, bây giờ nhiều nơi người ta có thể đi bộ qua. Nghề chèo đò của tôi cũng dừng lại ở đây”. Thi thoảng trong câu chuyện của người dân sống đôi bờ sông vẫn nhắc đến ông Hường như là hoài niệm của một thời sông nước trắc trở đò ngang.
Thiên Thanh