Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Người lao động chật vật với "bão giá"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do giá xăng dầu liên tục tăng cao, kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng giá, đời sống người lao động vốn đã khó nay chồng chất thêm khó khăn.

Giá hàng hóa thiết lập mặt bằng mới

Khảo sát giá tại một số chợ trên địa bàn TP. Pleiku cho thấy, nhiều mặt hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới so với trước đây, tăng cao nhất đối với nhóm hải sản. Bà Lê Thị Nhi-tiểu thương chợ Bà Định-cho biết: Giá các loại cá tăng thêm 10-40 ngàn đồng/kg, mức giá rất cao so với trước đây. Cụ thể, cá nục ngày trước khoảng 55-60 ngàn đồng/kg thì giờ tăng lên 75-80 ngàn đồng/kg; cá hố 140-170 ngàn đồng/kg (tăng 20 ngàn đồng); tôm thẻ 170-220 ngàn đồng/kg (tăng 20 ngàn đồng); mực 180-250 ngàn đồng/kg (tăng 30 ngàn đồng)… Những loại cá đắt tiền như: cá thu, cá bớp tăng đến 50 ngàn đồng/kg. “Các vựa đầu mối ở Bình Định báo lên có nhiều tàu tạm thời nghỉ đi biển do giá dầu tăng cao, càng ra khơi càng lỗ. Hơn nữa, cước vận chuyển tăng nên đẩy giá bán khá cao”-bà Nhi chia sẻ.

Do giá xăng dầu tăng cao, kéo theo nhiều loại thực phẩm tăng giá, nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu. Ảnh: Vũ Thảo


Đối với mặt hàng rau củ, ngoài yếu tố chi phí phân bón, vận chuyển tăng cao, còn chịu ảnh hưởng bởi thời tiết mưa gió khiến hàng ít, giá tăng lên. Bà Phạm Thị Lan-tiểu thương ở chợ Hoa Lư-cho hay: Một số loại rau củ như: hành lá có giá 50 ngàn đồng/kg, mức cao nhất từ trước tới nay; cà chua 28 ngàn đồng/kg (tăng 8 ngàn đồng); dưa leo 17 ngàn đồng/kg (tăng 5 ngàn đồng); súp lơ 60 ngàn đồng/kg (tăng 10 ngàn đồng); rau ăn lá tăng thêm 1-2 ngàn đồng/bó…

Cùng với đó, giá thịt heo, thịt gia cầm cũng đồng loạt tăng 10-15 ngàn đồng/kg, như: thịt ba chỉ đang có giá 120 ngàn đồng/kg, sườn non 150 ngàn đồng/kg, thịt gà 130-150 ngàn đồng/kg. Riêng thịt bò vẫn giữ giá ổn định. Theo lý giải của các tiểu thương, do giá thức ăn chăn nuôi, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao khiến đầu vào trong chăn nuôi và trồng trọt bị đội vốn.

Tại các siêu thị cũng đã áp dụng mặt bằng giá mới cho các loại hàng hóa. Trong đó, thực phẩm đóng gói như: gia vị, dầu ăn, nước mắm, sữa tăng 5-15%. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-thông tin: “Mặt bằng giá mới được nhà sản xuất, phân phối điều chỉnh tăng ở hầu hết các ngành hàng thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng. Nhằm chia sẻ bớt khó khăn cũng như hỗ trợ khách hàng mua sắm với mức tiết kiệm nhất, chúng tôi phối hợp với nhà sản xuất thực hiện cắt lô, đặt hàng số lượng nhiều để được hưởng giá tốt. Đồng thời, liên tục có các chương trình ưu đãi giảm giá đối với hàng thực phẩm. Trong đợt này, ngành hàng thực phẩm tươi sống giảm 15%, hàng tiêu dùng thiết yếu và gia dụng có mức giảm 34%”.

Gánh nặng “cơm áo gạo tiền”

Với nhiều người lao động có thu nhập thấp, việc tăng giá của hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm khiến họ khá chật vật trong chi tiêu hàng ngày. Vợ chồng anh Vũ Văn Hiền (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đều là lao động tự do, việc làm cũng theo thời vụ nên thu nhập không ổn định. “Vào vụ thu hoạch cà phê, vợ chồng tôi kiếm được 600-700 ngàn đồng/ngày. Khi hết vụ, vợ chồng tôi làm việc lặt vặt thì được khoảng 400 ngàn đồng/ngày. Nhà có 2 con nhỏ, lại đang nuôi mẹ già nên rất khó khăn. Làm tháng nào chi tiêu cho sinh hoạt hết tháng đó, thiếu trước hụt sau. Cuộc sống vốn khó khăn nay càng thêm chật vật vì giá cả hàng hóa leo thang”-anh Hiền nói trong lo lắng.

Để giảm bớt áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng, nhiều siêu thị đã triển khai chương trình ưu đãi giảm giá trực tiếp đối với nhiều mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Vũ Thảo
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500-700 đồng với dầu; yêu cầu áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh từ ngày 11-7-2022. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp “hạ nhiệt” giá nhiên liệu nhằm kịp thời kiềm đà tăng giá, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao.

Còn chị Lê Thị Vy-công nhân làm việc tại Cụm Công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku) thì bày tỏ: “Lương của tôi mỗi tháng được hơn 6 triệu đồng, nếu tăng ca nhiều thì thêm khoảng 1-2 triệu đồng nữa. Chồng tôi là tài xế xe tải mỗi tháng cũng được gần 10 triệu đồng. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình phải tiết kiệm hết sức mới có dư một ít. Đó là thời điểm trước, còn bây giờ trong thì chi phí sinh hoạt bị đẩy lên rất cao, mình chỉ chi tiêu vào những việc thật sự cần thiết. Ngày trước, đi chợ trung bình khoảng 150 ngàn đồng thì nay phải chi trên 200 ngàn đồng. Cùng với đó, chi phí xăng xe đi làm, gas và các sinh hoạt khác cũng tăng lên khiến gia đình phải thắt chặt chi tiêu để đảm bảo đủ trong 1 tháng”.

2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã làm gia đình anh Nguyễn Tấn Đạt (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) vốn đã khó khăn giờ lại phải chi tiêu hết sức tằn tiện giữa thời giá cả leo thang. Anh cho hay: Vợ chồng anh lên Pleiku sinh sống đã mấy năm nay. Ban đầu, anh xin vào làm tài xế taxi, nhưng giá xăng lên quá cao mà chạy lại ế khách nên tạm thời xin nghỉ để về phụ vợ mua bán. “Hàng tháng, ngoài khoản chi tiêu ăn uống và gửi trẻ, tôi còn trả thêm 1,8 triệu đồng tiền thuê nhà. Nếu lúc trước, chi tiêu sinh hoạt mỗi tháng rơi vào khoảng 12 triệu đồng thì nay phải 14 triệu đồng mới đủ. Mọi chi phí sinh hoạt bây giờ quá cao, từ xăng xe đi lại, hàng hóa, trong khi thu nhập không tăng”-anh Đạt chia sẻ.

 

VŨ THẢO
 

 

Có thể bạn quan tâm