Phóng sự - Ký sự

Người lính già với quần đảo Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Mỗi khi vào một đảo nào đấy, ông lại lặng lẽ tách đoàn, lặng lẽ kiếm tìm một cái gì như vô hình rồi lặng lẽ lau vội những giọt nước mắt đang tuôn trào trên khuôn mặt nhăn nheo tuổi tác của mình. Trong ông những ký ức về một thời đã xa đang trổi dậy, hiện hữu và sống động. Ông là người lính Trường Sa của hơn mười năm trước nay được về lại chốn cũ…

.

Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa của chúng tôi mới đây, có một người luôn là tâm điểm thu hút các thành viên trong đoàn mỗi khi nói chuyện về những đảo mà chúng tôi đã đi qua, sắp đến và sẽ đến-đó là người lính già Phạm Văn Minh-người từng gắn bó với Trường Sa từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Ông sinh ra và lớn lên tại Nga Sơn, Thanh Hóa, hiện đang sinh sống cùng gia đình tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh. Ông là đại biểu “Đoàn Góp đá xây Trường Sa” của Báo Tuổi trẻ. Suốt cả hải trình 10 ngày, ông cứ luôn thán phục: “Trường Sa thay đổi nhiều quá, ngoài sức hình dung của tôi!”. Với 13 năm “chân trần, vác đá xây Trường Sa” nên ông cảm nhận được sự khó khăn, thiếu thốn và vất vả của những người lính Trường Sa, sự khó khăn, thiếu thốn đó được ông kể lại với nhiều cung bậc cảm xúc khi trở lại chốn cũ, gặp lại những đồng đội và những hình ảnh năm xưa…

 

Ông Minh (giữa) say sưa kể về Trường Sa và những đồng đội của mình. Ảnh: B.N
Ông Minh (giữa) say sưa kể về Trường Sa và những đồng đội của mình. Ảnh: B.N

…Tháng 3-1988, khi Trung Quốc có xu hướng lấn chiếm các hòn đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông cùng với 37 cán bộ chiến sĩ thuộc Trung đoàn 131 Công binh Hải quân nhận lệnh ra quần đảo Trường Sa thực hiện nhiệm vụ CQ 88-nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này, lúc đó ông giữ cương vị Đại đội trưởng Đại đội Công binh và Đại tá Lê Thượng Uyển-nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 131 làm Trưởng đoàn.

Ngày 14-3 năm đó, khi Đại đội của ông đang tập trung tại cảng Cam Ranh-Vùng 4 Hải quân để chuẩn bị ra Trường Sa thì nhận được tin Trung Quốc vừa bắn chìm 3 tàu Hải quân của Việt Nam tại vùng biển đảo Cô Lin, Gạc Ma của Việt Nam và 64 chiến sĩ, đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh dưới làn đạn hèn hạ của kẻ thù. Tuy nhiên, tin sét đánh đó không làm nhục chí những người lính trẻ, mà ngược lại, càng làm tăng thêm ý chí quyết tâm bằng mọi giá phải giữ được và khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Những chiến sĩ Hải quân, những người con của đất mẹ Việt Nam đã đồng chí hướng, chấp nhận mọi gian nan thử thách để đi xây dựng vùng biển đảo quê hương của Tổ quốc.

Sau 3 ngày đêm lênh đênh trên biển, ông và các đồng đội đã đến được với đảo Tiên Nữ-một đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa, bắt đầu những tháng ngày chiến đấu, xây dựng và gắn bó với quần đảo Trường Sa.

…Hồi đó, đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên việc xây dựng đảo chủ yếu dựa vào sức người. Suốt 13 năm trời, mỗi năm từ 6 tháng đến 10 tháng (tùy theo tình hình thời tiết), ông và các đồng đội vẫn kiên trì lội sóng gió, đạp san hô, bám theo dây nối tàu với đảo để chuyển từng viên đá nhỏ, từng bao cát… xây dựng đảo, xây dựng những công trình, những ngôi nhà chòi bám trụ trên các đảo Tiên Nữ, Đá Thị, Trường Sa Lớn, Tốc Tan… những công trình ấy đã góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Trong một vài đoạn ký ức của ông, Trường Sa là một quần đảo từng đìu hiu, ngổn ngang và thiếu thốn đủ đường. Thiếu rau xanh, nước ngọt, thiếu hơi ấm, tình cảm từ đất liền… Lúc đó, mỗi giọt nước ngọt còn quý hơn vàng, mỗi người lính chỉ được cấp 1 lít nước/ngày, vừa đánh răng, rửa mặt, lau nước mặn sau một ngày dầm mình trong sóng biển. Hồi đó da ông đen lắm, mà không đen sao được khi phải dầm mình trong sóng biển mặn chát rồi phơi mình dưới trời nắng gió cả ngày, đến tóc còn cứ đỏ hoe như những cô gái model bây giờ ấy chứ… Các ông đóng quân trong những căn chòi ghép ván, ông và những đồng đội của mình cho đến tận bây giờ vẫn cứ ghét nhất mỗi khi biển động, bởi lúc ấy biển gào thét, gầm gào ngày đêm, bầu trời lúc nào cũng như chực đổ sụp xuống… Những đợt sóng lớn liên tiếp đánh phủ lên nóc chòi, tung cả sàn ván, nước biển trùm kín khắp đảo nổi, đảo chìm và tất nhiên là ba lô, đồ đạc ướt hết cả… Những ngày giông bão đó, tàu từ đất liền không ra đảo được, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, các ông phải chia nhau từng ngụm nước ngọt, từng cọng rau xanh. Mà cái việc trồng rau xanh và giữ được rau xanh trên đảo mới thật là gian nan, nhất là ở các đảo chìm. Các đảo nổi còn có những khoảnh đất, có đảo còn có cả nước lợ để tưới rau, ở các đảo chìm bốn bề là biển khơi, chỉ có nắng chói chang, gió lồng lộng suốt đêm ngày. Thế mà các ông vẫn chắt chiu trồng được những “vườn rau” nhỏ xíu để cải thiện…

13 năm gắn bó với quần đảo Trường Sa là quãng thời gian đầy kỷ niệm đối với ông và đồng đội. Đó là cái thời khó khăn, thiếu thốn nhưng ông và đồng đội vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn luôn cất vang tiếng hát, để át đi cái dữ dội của biển cả và những cơn bão lòng nhớ vợ con, nhớ gia đình… mỗi khi đêm xuống. Và bây giờ đến quần đảo Trường Sa, tận mắt thấy những đổi thay, tận mắt thấy hàng loạt công trình có tầm vóc được xây dựng vững chắc ông đã ngỡ ngàng và thật sự xúc động…

Qua những câu chuyện của người lính già ấy tôi chợt nhận ra rằng, Trường Sa không chỉ có sóng và gió, không chỉ có nỗi vất vả của người lính gắn bó với quần đảo bão tố, mà Trường Sa còn là những câu chuyện hết sức cảm động, rất đời thường và cũng rất lính và tôi cũng chợt nhận ra rằng cái cảm nhận chung chung, sách vở về Trường Sa trong tôi đã thay đổi, bây giờ Trường Sa đang ở rất gần, Trường Sa trong tim tôi, Trường Sa đã rất riêng trong cảm nhận của tôi…

Bích Nga

Có thể bạn quan tâm