Giống với các cộng đồng người dân tộc thiểu số khác, người Vân Kiều cũng có những 'thủ lĩnh'. Lời nói của họ được dân bản tin tưởng, nghe theo và họ là niềm tự hào của bản làng…
Bình dị mà cao quý
Chọn vùng đất dưới chân đỉnh Trường Sơn để trú ngụ, những người mang họ Hồ đã khá chật vật để kiếm cái ăn, lo cho gia đình. Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, họ vẫn vươn lên bằng nhiều sinh kế. Đồng bào miền núi không biết nói hai lời, muốn thấy thực tế hơn là những lời viển vông, nên những ai biết làm kinh tế giỏi luôn được dân bản nể trọng.
Ở bản Cẩm Ly (xã Ngân Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình), Hồ Thạch được biết đến nhiều bởi tiên phong vượt khó, làm giàu. Xuất thân từ gia đình nghèo khó nên người đàn ông Vân Kiều mang họ Hồ này sớm tự lập, cháy bỏng khát vọng thoát nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Ông khăn gói xuống miền xuôi học cách làm kinh tế. Và rồi, từ hai bàn tay trắng, giờ đây Hồ Thạch đã có 20 ha rừng trồng, khai thác theo kiểu cuốn chiếu cho thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm, chưa kể mô hình nuôi lợn, nuôi vịt kết hợp ao cá mang... “Cái gì người đồng bằng làm được thì người Vân Kiều làm được. Chỉ là mình chưa biết, mà chưa biết thì học”, ông Thạch nói rắn rỏi.
Ở bản Cẩm Ly, ông Hồ Thạch là tấm gương tiên phong vượt khó, làm giàu. Ảnh: Thanh Lộc |
Hồ Hơn, đã làm trưởng bản Lâm Ninh ở xã Trường Xuân (H.Quảng Ninh, Quảng Bình) hơn 30 năm nhưng vẫn chưa được “nghỉ hưu” vì bà con… không cho vì tin yêu. Nhiều năm qua, ông hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường, xây trường học, mang cái chữ về cho con em Vân Kiều. “Mình về với đất thì chỉ cần một khoảnh 10 m2 để nằm thôi. Vậy giữ đất làm gì cho nhiều?”, ông Hơn tếu táo. Sau 4 lần hiến đất, dân làng “tiếp nhận” từ vị trưởng bản này tổng cộng 2.500 m2, đủ để xây dựng điểm trường mầm non, tiểu học và mở mang đường sá.
Tương tự, ở thôn Vùng Kho (xã Đakrông, H.Đakrông, Quảng Trị), có lão nông Hồ A Dóc nhưng không hề… nói dóc sau khi tặng hàng ngàn mét vuông đất mặt tiền QL9 để xây dựng công trình công cộng. Trong mắt dân bản Vùng Kho, Hồ A Dóc là “dị nhân”. Vóc dáng cao lớn, phương phi, khác hoàn toàn với thể hình thấp bé của phần đông người Vân Kiều, người đàn ông ngoài tuổi 60 này cũng “đi trước thời đại” nhiều chuyện, nếu so với cộng đồng vùng núi đồi phía tây Quảng Trị. Từ chỗ biết làm ăn kinh tế, ông Dóc bày vẽ cho dân bản. Ông chính là người mang cây sắn về với bản làng sau khi đã vào Câu lạc bộ 100 triệu (mỗi năm thu 100 triệu đồng từ trồng sắn). Từ khi ngồi vào “ghế” trưởng bản, khát vọng của ông Dóc vẫn là mang no ấm về cho người Vân Kiều ở Vùng Kho.
Còn với bà Hồ Thị Vội ở bản Tăng Cô (xã A Túc, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), cuộc đời như một câu chuyện cổ tích của núi rừng. Người mẹ ở vùng rẻo cao giáp biên giới Việt - Lào này đã gồng gánh, lo cho đàn con ăn học, dựng vợ gả chồng... với tấm lòng bao dung bát ngát. 15 đứa con, nhưng chỉ 4 con ruột, còn lại là 11 trẻ mồ côi được bà mang về nuôi dưỡng. “Nhà cũng nghèo, nhưng mẹ không chịu được tiếng khóc của những đứa trẻ mồ côi, nên mang chúng về nuôi. Mẹ chẳng dám nghĩ gì nhiều đâu, chỉ cố làm sao cho chúng có cái ăn cái mặc như những đứa trẻ khác”, bà lý giải.
Bà Hồ Thị Vội (áo sáng) với gia đình lớn của mình. Ảnh: Nguyễn Phúc |
Trời không phụ lòng người, đàn con của bà Vội yêu thương mẹ và học hành đến nơi đến chốn. Đàn con ấy biết mẹ phải chật vật nên già trước tuổi, như cây rừng cứng cỏi hơn trước gió. Ngày khai giảng, không đứa nào giục mẹ may cho áo mới. “Đến bàn tay mẹ cũng chỉ 10 ngón, mà mẹ có tới 15 đứa con. Làm sao nắm được hết tay chúng để đi hết cuộc đời. Nhưng trong nghèo khó, may mắn các cháu đều ngoan. Vậy là mẹ hài lòng lắm rồi”, bà Vội tâm sự.
“Như khóm măng rừng”
Bà Hồ Thị Thoi, 41 tuổi, điển hình ở một lĩnh vực khác: người phụ nữ Vân Kiều đầu tiên ở Quảng Bình giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa, được Thủ tướng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số hồi năm 2019.
Lớn lên từ bản La Trọng, xã vùng biên Trọng Hóa (H.Minh Hóa), tuổi thơ cơ cực đã trui rèn bà. Tham gia đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, bà Thoi đi hết 18 bản trong xã, đến tận những hộ ở nơi khó khăn nhất để vận động, hướng dẫn bà con cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Bà cũng tiên phong nhận đất trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, vừa làm vừa vận động các hộ gia đình làm theo. “Được mang họ Hồ là niềm vinh dự. Nhắc đến họ Hồ là nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó bản thân cũng như bà con đồng bào luôn cố gắng. Bản thân tôi được bà con ủng hộ, tin tưởng nên phải làm thế nào đó để đưa đời sống bà con từng bước được nâng lên”, bà nói.
Bản làng Vân Kiều bình yên ở xã Đakrông, H.Đakrông, Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Phúc |
Ở Quảng Trị, có không ít người Vân Kiều nức tiếng như thế. Như bà Hồ Thị Cúc, từng nhiều năm làm Phó chủ tịch UBND H.Đakrông trước khi sang làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, được đánh giá là có nhiều đóng góp cho một trong những huyện miền núi nghèo nhất nước. Ở H.Hướng Hóa, nơi có 40.000 người Vân Kiều - Pa Kô, người ta vẫn nhắc đến bà Hồ Thị Minh, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, đại biểu Quốc hội, nay là Phó ban Dân tộc Tỉnh ủy. Theo bà Minh, vai trò của người Vân Kiều - Pa Kô ở H.Hướng Hóa rất quan trọng. “Minh chứng là ở bộ máy từ huyện đến cơ sở thì cán bộ người Vân Kiều - Pa Kô đều giữ những chức vụ quan trọng, đây là một thành công trong việc sử dụng nhân lực người dân tộc thiểu số tại H.Hướng Hóa. Người Vân Kiều - Pa Kô ngoài việc xây dựng phát triển kinh tế quê hương, những năm qua cũng đã góp một phần không nhỏ trong việc bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc”, bà Minh cho hay.
65 năm mang họ của Bác Hồ, người Vân Kiều vẫn đang từng ngày vươn lên. Lớp con cháu cũng tiếp nối trọn vẹn truyền thống của vùng quê cách mạng. Xin mượn ca từ trong ca khúc Rừng xanh vang tiếng Ta lư (nhạc sĩ Phương Nam) để thay lời kết: “Người Vân Kiều tấm lòng trong trắng/Như cánh hoa xinh đẹp giữa rừng/Bão tố vây rung mà lòng không lay/Trong gian khó vẫn vươn lên như khóm măng rừng/Giữ đất buôn làng giữ bầu trời xanh”...
Theo Nguyễn Phúc (TNO)