TN - Đất & Người

Người nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khi nhiều phụ nữ ở làng đã không còn thiết tha với nghề dệt thổ cẩm truyền thống thì bà Đinh Bach (SN 1962, Chi hội trưởng Phụ nữ làng Tơ Ver, xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) vẫn say mê, gắn bó với nghề dệt để lưu giữ những nét đẹp văn hóa của người Bahnar.

Bà Đinh Bach (thứ 2 từ trái qua) luôn trăn trở với nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: P.L

Chúng tôi đến nhà bà Đinh Bach vào một buổi chiều mưa tầm tã. Bên bậu cửa của ngôi nhà xây đã khá lâu, bà Bach đang say sưa ngồi dệt thổ cẩm, đôi tay thoăn thoắt đưa cuộn chỉ qua lại trên tấm vải, ánh mắt không rời khung dệt. Chỉ vào tấm vải đang dệt dang dở, bà nói: “Hôm nay, trời mưa nên mình nghỉ làm rẫy, ở nhà dệt vải. Lớn tuổi rồi nên mắt cũng yếu hơn, phải đeo kính mới nhìn rõ. Gần 1 tuần rồi mà mình mới chỉ dệt được chừng này thôi. Ngồi lâu cũng đau lưng nhưng thích dệt lắm, không bỏ được”.

Lúc mới 8-9 tuổi, Đinh Bach đã thích thú với những tấm thổ cẩm đầy màu sắc do các bà, các mẹ trong làng ngày ngày ngồi dệt. Đinh Bach cũng được mẹ dặn “nếu dệt được một bộ váy đẹp thì mới là người con gái giỏi giang, được nhiều chàng trai để ý đến” hay “là con gái thì phải học dệt để có váy áo mặc trong ngày cưới, rồi dệt áo cho chồng, cho con”. Năm 12 tuổi, Đinh Bach được mẹ dạy cho cách dệt vải. Chỉ sau 3 năm, Đinh Bach đã dệt được nhiều bộ váy áo, nhiều tấm chăn đẹp. Với kinh nghiệm gần 40 năm gắn bó với nghề dệt, bà Đinh Bach hiện là một trong những người dệt thổ cẩm đẹp nhất và nhanh nhất làng Tơ Ver.

Việc nương rẫy và công việc của chi hội Phụ nữ ở làng khiến bà Đinh Bach luôn bận rộn, nhưng cứ có thời gian là bà lại miệt mài bên khung dệt. Để dệt được một bộ váy áo trung bình mất 8-10 ngày, tùy thuộc vào hoa văn đơn giản hay phức tạp. Vì thế, để có một tấm vải đẹp, đòi hỏi người dệt phải kiên trì, khéo léo và sáng tạo. Từ đôi tay của bà, những hoa văn thổ cẩm được dệt nên thấp thoáng hình ảnh của những con vật, cây cỏ hay những sinh hoạt hàng ngày. Bà Đinh Bach kể, ngày trước, để có nhiều hoa văn đẹp thì phải lên rừng tìm cây về làm thuốc nhuộm. Giờ thì nhanh hơn, sợi chỉ đã được bán sẵn, chỉ cần ra chợ mua là có. Tuy công đoạn ngồi dệt rất kỳ công nhưng một bộ váy áo bán chỉ được 400-500 ngàn đồng. Trừ chi phí thì lời chẳng đáng là bao nhưng bà vẫn gắn bó với nghề. Không chỉ để bán, bà còn dệt vải để dành cho con cháu dùng trong các dịp Tết, đi lễ nhà thờ, các ngày lễ lớn của làng.

Hiện nay, phụ nữ ở làng Tơ Ver biết dệt thổ cẩm rất ít. Những người biết dệt như bà Đinh Bach ngày càng hiếm bởi chẳng mấy ai còn thiết tha với cái nghề đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ này. Ai cũng nghĩ, áo quần may sẵn vừa rẻ, vừa tiện lợi, chỉ cần có tiền là mua được. Trăn trở trước nguy cơ nghề dệt bị mai một, với vai trò là Chi hội trưởng Phụ nữ, bà Đinh Bach đã vận động được một số chị em trong làng học nghề dệt do chính bà nhiệt tình hướng dẫn. Chị Y Bưih-người được bà Đinh Bach chỉ dạy cách dệt thổ cẩm chia sẻ: “Hồi nhỏ, mình cũng được mẹ chỉ cho cách dệt, nhưng một thời gian bỏ quên khung dệt nên cũng không còn thành thạo nữa. Được chị Đinh Bach giải thích, hướng dẫn việc duy trì nghề dệt chính là duy trì nền văn hóa của dân tộc, mình bắt đầu học lại và sẽ rủ thêm nhiều người khác nữa”.

Tiễn chúng tôi ra về, bà Đinh Bach chia sẻ: “Mình luôn mong lớp trẻ yêu thích nghề truyền thống này để mỗi lần mình đem khung dệt ra, con cháu lại đứng xung quanh, tò mò, thích thú và háo hức như mình lúc còn nhỏ. Có như vậy, truyền thống của người Bahnar mình mới được giữ gìn”.

 Phan Lài

Có thể bạn quan tâm