TN - Đất & Người

Người phụ nữ 18 năm làm "cầu nối" gắn kết hội viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chị được xem là Chi hội trưởng Phụ nữ làng Nhing lâu năm nhất trên địa bàn xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) tính đến thời điểm hiện tại. Gắn bó lâu cũng đồng nghĩa với việc chị có thể thấu hiểu mọi tâm tư, nguyện vọng của chị em và luôn là “điểm dựa” tin cậy để hội viên tìm đến mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn. “Chị Siu Ư không chỉ làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con cái ngoan hiền mà còn là “nhân tố” tích cực trong vận động chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm, gắn kết tình làng nghĩa xóm”-chị Phạm Thị Thoa-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Hưng nhận xét.

Giúp hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Biết rõ đây là việc không thể giải quyết “một sớm, một chiều” nên trong suốt 18 năm qua, chưa khi nào chị Siu Ư quên đi vai trò của mình. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, cũng chẳng kể đêm tối, cứ có thời gian rảnh, chị lại đi đến từng nhà để thăm hỏi, trò chuyện cùng chị em, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời giúp chị em nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách có liên quan đến quyền lợi của phụ nữ.

 

Chị Siu Ư (ở giữa). Ảnh: P.D

Ngay cả những chiều cuối tuần, lúc chị em đi nhà thờ cầu nguyện (vì đa số hội viên trong làng theo đạo Tin lành và Thiên Chúa giáo), hay trong những buổi làm vần đổi công… chị đều tranh thủ gặp gỡ để chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, sinh đẻ có kế hoạch… Với kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chị Siu Ư đã giúp chị em trong làng thay đổi nhận thức và hành động. “Nếu như trước đây, nhiều chị em còn bị ảnh hưởng bởi phong tục tập quán lạc hậu, như chăn nuôi gia súc dưới sàn nhà, thả rông gia súc xung quanh nơi ở, chưa dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà… Đến nay, các hộ gia đình đã thực hiện việc “ăn chín uống sôi”, 90% hộ gia đình đạt tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, tỷ lệ trẻ em bỏ học, suy dinh dưỡng giảm đáng kể”- chị Ư cho biết.

Nói về quá trình vận động các hộ dân trong làng tham gia di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra phía sau nhà, chị Siu Ư chia sẻ: “Theo suy nghĩ của bà con, làm chuồng trại chăn nuôi ngay phía trước nhà là để tiện cho việc lùa bò vào chuồng, tránh mất trộm và dễ vận chuyển phân bón. Vì vậy, việc thay đổi thói quen của bà con là không dễ, hơn nữa di dời chuồng trại còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình”.

Nhưng khó không có nghĩa là không thể, ban đầu chị phối hợp với cán bộ Mặt trận thôn, già làng tích cực tuyên truyền, vận động những hộ gia đình có điều kiện kinh tế di dời trước. Cứ thế, nhà này học tập nhà kia, đến nay không còn hộ dân nào trong làng nuôi, nhốt heo, bò dưới gầm nhà sàn. Hầu hết các hộ đã di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà hoặc làm chuồng trại chăn nuôi bằng nền xi măng; bà con cũng biết phân loại rác thải và đào hố rác tự hoại ngay phía sau nhà để giữ gìn môi trường sống sạch, đẹp.

Gương mẫu trong phát triển kinh tế


Theo chị Siu Ư, cuộc sống của người dân làng Nhing chủ yếu dựa vào cây cà phê, lúa nước và chăn nuôi bò. Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học-kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất cây trồng, vật nuôi được nâng cao, đời sống người dân nhờ vậy cũng không ngừng cải thiện, số hộ gia đình khá, giàu ngày càng tăng. Gia đình chị cũng là một trong những hộ khá, giàu với mức thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm.

“Nhờ chịu khó lao động nên hàng năm, gia đình tôi thu được 27 tấn cà phê tươi, 2 tấn lúa và chăn nuôi thêm 1 con heo nái, 2 con bò. Kinh tế gia đình ổn định, tôi xây dựng nhà cửa khang trang, công trình phụ gọn gàng, hợp vệ sinh và cải tạo môi trường sống xung quanh”-chị Ư bộc bạch. Không những thế, chị còn là tấm gương tiêu biểu trong nuôi dạy con cái, hai con của chị đều ngoan ngoãn, học giỏi, con trai lớn đang học Cao đẳng Điện-Ô tô, con gái út đang học lớp 11.

Đi đầu và gương mẫu trong mọi việc nên chị Siu Ư luôn được chị em tin tưởng và quý mến. Hơn nữa, vốn là một Chi hội trưởng trách nhiệm, nên chị Ư luôn trăn trở làm thế nào để có thể giúp 8 hội viên còn lại của chi hội thoát nghèo. Và rồi, chị đã gắn kết phong trào, công tác Hội với thực tế cơ sở bằng cách thường xuyên phổ biến, hướng dẫn chị em những cách làm hay; vận động hội viên chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất để từng bước cải thiện cuộc sống.

Chi hội Phụ nữ làng Nhing đã phát động mỗi hội viên tiết kiệm ít nhất 5.000 đồng/tháng và số tiền này hiện đang giúp cho 3 hội viên: Siu Hrưn, Phéng, Brưi có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, chị Ư còn vận động chị em mỗi khi đi xay xát lúa thì bớt lại một ít (tùy mỗi hội viên) để bỏ vào thùng gạo chung của chi hội được đặt tại 3 nhà máy xay xát trong làng. Đến nay, 3 thùng gạo đã tiết kiệm được 110 kg và số gạo này đã kịp thời giúp cho nhiều hội viên trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Ngoài ra, chi hội còn kết nghĩa với chi hội Phụ nữ thôn 3 và mục tiêu mà 2 chi hội đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ giúp 2 hộ Bưil và Tel thoát nghèo.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm