TN - Đất & Người

Người phụ nữ của thôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gắn bó với mảnh đất Bờ Ngoong, huyện Chư Sê từ năm 1995, bà Phạm Thị Ngọc (SN 1954, trú tại thôn Đồng Tâm) được coi là người đi đầu trong mọi phong trào hoạt động của địa phương nhất là trong việc giúp dân làng xóa bỏ hủ tục lạc hậu và được bà con dân làng quý mến.

Góp sức xóa bỏ hủ tục

Ngày mới về xã Bờ Ngoong làm trong Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã, bà Ngọc đã không ít lần nghe kể về tục chôn sống của đồng bào Jrai. Trong quan niệm của người Jrai lúc ấy, những đứa trẻ sinh ra là con đầu lòng hoặc con của người phụ nữ không chồng đều là “ma làng”, nếu chúng sống mùa màng sẽ bị hại, dân làng bị bệnh tật nên những đứa trẻ vô tội ấy đều bị kết án tử ngay khi vừa lọt lòng mẹ.

 

Bà Ngọc luôn gần gũi, thân thiện và thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con dân làng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ảnh: P.L

Câu chuyện về những đứa trẻ sơ sinh phải chịu những cái chết oan uổng khiến người cán bộ phụ nữ càng thêm xót xa và đau đáu tìm cách giúp dân làng xóa bỏ quan niệm lạc hậu này.

Theo dòng cảm xúc, bà Ngọc trầm ngâm kể lại cho chúng tôi nghe chuyện cũ. Đó là một buổi sáng của năm 2007, sau khi nghe lời kêu cứu hốt hoảng của một nữ hộ sinh về việc cả dân làng đang tập trung lại và bắt đứa con mới chào đời của chị Đinh Ơloch phải chết, bà liền chạy đi mua 3 bộ đồ sơ sinh, một gói bánh và chạy ngay vào làng. Đến nơi thì đã thấy dân làng kéo đến đông nghịt, người ném đá, người xì xầm to nhỏ. “Lúc ấy tôi cũng sợ lắm, nhưng mà thương cho hai mẹ con nên vẫn liều bước vào”- bà Ngọc nói.

Sau khi vào nhà an ủi, giúp người mẹ trẻ bớt hoảng sợ trước sự bủa vây của người trong làng, bà Ngọc bước ra lấy gói bánh chia cho trẻ nhỏ rồi lân la “đánh đòn tâm lý” những người mẹ Jrai đang địu con gần đó: “Có thương con mình không?”. Lúc đầu họ chỉ cười, sau bị hỏi nhiều quá liền trả lời: “Thương chứ sao không?”. Chỉ chờ có thế, bà Ngọc liền liên hệ tới thai phụ đang run cầm cập và đứa bé mới lọt lòng đã bị treo án tử trong nhà. “Thấy thế, tôi mạnh miệng giải thích, sau phải viện cả pháp luật và Công an vào, họ mới chịu thôi”.

Khoảng 4-5 ngày sau đó, bà ở lại trong làng, túc trực bên hai mẹ con chị Ơloch để chắc chắn dân làng đã bỏ ý định giết đứa bé. Rồi ngày qua tháng tới, đứa bé lớn dần lên khỏe mạnh, xinh xắn. Từ đó, bà Ngọc cùng các đoàn thể tổ chức những buổi họp thôn, làng để tiếp tục giải thích cho dân làng hiểu đó không phải là một con ma mà là một con người, hủ tục cũng từ đó mà mờ dần và biến mất…

Bây giờ, bé Ăr đã lên lớp hai, đôi mắt sáng thông minh, lanh lợi lễ phép chào bà Ngọc mỗi khi bà tới thăm. Nhớ lại khi mới sinh bé Ăr, chị Ơloch không khỏi xúc động: “Lúc ấy mình rất sợ nhưng nhờ có cô Ngọc cứu cả hai mẹ con. Mình biết ơn cô Ngọc lắm”. Bà Ngọc cũng hồ hởi: “Chính bé Ăr đã mang lại hạnh phúc cho những cháu bé sau này không phải chịu cái chết oan uổng bởi hủ tục ấy nữa, đó là điều tôi vui mừng nhất”.

Đi đầu trong mọi phong trào

Mặc dù đã bước sang tuổi 60, tóc đã pha sương nhưng không một phong trào, một hoạt động xã hội nào mà bà Ngọc vắng mặt. Nhớ lại ngày bà mới về nhận công tác tại xã Bờ Ngoong làm cán bộ chuyên trách dân số-kế hoạch hóa gia đình, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn nên mỗi lần muốn vào tận làng để thông báo hay tuyên truyền, bà Ngọc phải đi bộ 2 ngày trời.

Vậy mà bà vẫn cần mẫn, vẫn gắn chặt mình với từng thôn làng nên bà nói gì ai cũng thương và nghe theo. Những năm 2007-2008, một mình bà vận động được hơn 18 cặp vợ chồng trong xã, tình nguyện triệt sản, rồi dùng thuốc và các biện pháp tránh thai nên tỷ lệ sinh con thứ 3, thứ 4 ngày càng giảm xuống. Điều bà Ngọc tâm đắc nhất là nhờ thường xuyên giải thích, tuyên truyền, bây giờ 99% phụ nữ Jrai có thai đều đến trạm xá, bệnh viện để khám và sinh đẻ an toàn.    

Không những thế, con đường rộng 10 mét, dài gần 7 km nối 3 thôn Đồng Tâm-Đoàn Kết-Tân Tiến được như hôm nay cũng do bà là người đi đầu trong việc hiến đất và vận động mọi người cùng làm để việc đi lại được dễ dàng hơn. Cũng chính bà là người đã vận động thành công người dân hiến đất làm nghĩa địa. Rồi nhận thấy phong trào quần chúng, đoàn thể của nơi mình sinh sống còn quá yếu, bà đã vực dậy, thành lập đội văn nghệ, tổ chức cắm trại,… tạo bước đệm cho những người sau tiếp tục phát huy.

Bây giờ, bà Ngọc đang giữ vai trò là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Bờ Ngoong. Ngày 10-8 vừa qua, ngay tại sân nhà mình, bà đã tổ chức đêm văn nghệ kỷ niệm 55 năm Ngày Mỹ rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam thu hút hàng trăm người dân đến xem. Cũng trong đêm văn nghệ ấy, từ 20 triệu đồng vận động được từ những cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện, bà đã thay mặt Hội tặng 32 suất quà cho trẻ em chất độc da cam với mong muốn được chia sẻ, xoa dịu phần nào những thiệt thòi mà các em đang phải gánh chịu.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Ngọc nói: “Nói là làm, mà làm phải làm cho được. Làm cái gì cũng phải từ tâm mình, nhất là việc xã hội, có như vậy mới mong thành công. Dù cho còn một ngày hay một năm công tác, tôi vẫn sẽ luôn hết mình với công việc, vẫn luôn sẵn sàng phục vụ bà con”…

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm