TN - Đất & Người

“Người thầy đầu tiên” ở Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong căn nhà cấp 4 tại khu phố 1, thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện), hàng ngày vẫn vang lên tiếng bi bô đánh vần và đằng sau những âm thanh ấy là một câu chuyện cảm động và đầy tính nhân văn…
Tri ân… với đời
Về hưu đã 5 năm, vợ chồng nhà giáo Phạm Thị Tín và Lê Duy Đắc vẫn là chỗ dựa của những học sinh nghèo, khó khăn ở huyện Phú Thiện. Với thầy Đắc, đó là một cách tri ân với cuộc đời. Thầy kể: “Trước đây, nhà tôi nghèo lắm! Học đến lớp 4 phải nghỉ. Khi đó, có thầy giáo tên Kính mở lớp học tình thương vào buổi tối cho các em nghèo khổ, tôi theo học. Rồi sau này tiếp tục học bổ túc”. Năm 1983, vợ chồng thầy Đắc đến định cư tại huyện Phú Thiện với nghề dạy học. Thấy nhiều nhà còn cơ cực, con cái không được học hành tới nơi tới chốn, vợ chồng thầy mở lớp tiểu học tại nhà dạy cho các cháu nghèo khổ...
Cô Tín-vợ thầy tâm sự: “Cùng là nghề nhà giáo, nên cô rất hiểu và ủng hộ với việc làm của chồng. Ngoài chuyện chăm lo cuộc sống hàng ngày, cô vẫn thường xuyên đứng lớp. Khi các em đến đây, cô đều xem chúng như con của mình”.   
Toàn cảnh một buổi học tại nhà thầy Đắc. Ảnh: Hồng Sơn
Ngôi nhà của vợ chồng thầy Đắc diện tích chưa tới 300 m2, thì hơn 200 m2 dùng kê 20 bàn học, 5 bảng viết, sân chơi, chỗ để xe cho các em. Anh Lê Duy Hải-con trai thầy Đắc chia sẻ: “Tôi mong ba má có sức khỏe tốt để tiếp tục dạy học cho các em. Hiểu được tấm lòng của ba má, anh em tôi đều đồng lòng san sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần”.
Nơi ấm áp tình thương
Trong nhiều năm qua, rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn được sự dìu dắt bởi vợ chồng thầy Đắc. Em Hoàng Thị Phương-học sinh lớp 3 nói: “Bố mẹ làm bốc vác, có lúc thì nhặt phân bò về bán. Nhà nghèo nên không có tiền cho em học thêm như các bạn. Từ khi được đến đây học, em được dạy gặp người lớn phải lễ phép chào, với các bạn trong lớp thì yêu thương nhau. Ngày nào không đến lớp em rất nhớ, từ khi đi học về nhà bố mẹ khen em ngoan, khi đi học trên lớp cô giáo chủ nhiệm khen em có nhiều tiến bộ, từ học sinh yếu, giờ đây em đã là học sinh khá”.
Ba mẹ em Kpă Boong thì một mực trả ơn vợ chồng thầy Đắc một bao lúa trong khi gia sản chỉ có vài sào ruộng. Tôi đến nhà thầy Đắc đúng vào lúc anh phăm phăm vác bao lúa, vừa tới đầu ngõ, anh cất tiếng sang sảng: “Thầy ơi, cho thầy lúa! Con mình, nó đã biết cái chữ, sau này nó không khổ như mình”. Nói xong anh thẳng tuột ra về, vợ chồng thầy Đắc dù muốn khước từ cũng không được. Thế là thầy chạy vội vô nhà lấy ít tiền dúi vào túi anh, thầy cười: “Coi như mình mua giúp bao lúa”.
Quan sát lớp học, tôi thấy một xấp vở đặt trên bàn đã phủ bụi, tò mò mở ra, xấp vở được dùng trong nhiều năm nhưng chỉ dừng ở lớp một. Tìm hiểu chúng tôi mới biết, năm nay Phạm Trần Công Danh vừa nghỉ học, nhưng trước đó 5 năm liền em đã ngồi tại bàn học này. Cậu bé ấy là một học sinh đặc biệt, em bị bệnh thiếu máu não dẫn đến trí tuệ chậm phát triển. Em không thể đến trường, bố mẹ lo em không có khả năng tự chăm sóc cho bản thân. Anh Phạm Công Ngọc-bố của Danh tâm sự: “Gửi đến lớp thầy Đắc, bởi gia đình an tâm trước sự yêu thương dìu dắt của thầy. Mặt khác, cho con học thêm chữ nào cuộc đời con mình đỡ thiệt thòi so với các bạn bình thường cùng trang lứa”.
Ông Nguyễn Ngọc Ngô-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Phú Thiện nhận xét: “Vợ chồng thầy Đắc luôn là giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề và mẫu mực trong cuộc sống”.
Thầy Đắc tâm sự: “Chỉ mong các em sau này sẽ được tiếp bước trên con đường học vấn. Mình đã tạo nền móng cho các em, nếu các em không được đi tiếp thì tiếc quá”. Trao đổi với thầy, tôi được biết, vợ chồng thầy đang ấp ủ mở thêm lớp học ban đêm dành cho các em người dân tộc thiểu số thất học làng Thay. Đồng tình với thầy Đắc, bà Trần Thị Mỹ-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phú Thiện, cho biết: “Sẽ đề xuất với lãnh đạo huyện trợ cấp điện, sách, vở, bút nếu vợ chồng thầy Đắc mở lớp học tình thương vào ban đêm”.
Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm