Kinh tế

Người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Sau một năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay đã có 58% người tiêu dùng “quan tâm” tới hàng Việt.
Tuy nhiên, để 58% người tiêu dùng này “xài” hàng Việt thì còn quá nhiều “rào cản”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương- Hồ Thị Kim Thoa thừa nhận, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng thị trường nội địa, đặc biệt là nông thôn. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kỹ năng bán hàng, xúc tiến thương mại, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả của cuộc vận động đã không được như mong đợi. Nói người Việt dùng hàng Việt nhưng người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn. Hàng Việt hầu như rất đơn điệu và quá ít thông tin để người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng- bà Thoa nói.
Còn đối với doanh nghiệp đang được xem là thành công nhất trong khai thác thị trường nông thôn (khoảng 10-15 doanh nghiệp), thì doanh số bán hàng ở thị trường nông thôn của họ cũng chỉ 20-25% tổng doanh số của công ty. Còn với những doanh nghiệp khác trước nay có bán hàng ở nông thôn thì tỉ trọng thị trường nông thôn chỉ chừng 10-15%.
Bà Vũ Kim Hạnh- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM nêu thực tế: Nguyên nhân là tâm lý doanh nghiệp cho rằng, làm gia công xuất khẩu đơn giản hơn làm thị trường nội địa. Và tâm lý: “Ngại thương hiệu mình gắn với nông thôn thì bị… mất giá, bị coi là bèo; ngại thất bại và rủi ro”.
Mặt khác, năng lực của nhiều doanh nghiệp nội địa còn yếu, chưa đáp ứng được chủng loại, chất lượng cũng như giá cả hàng hóa, chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nên dù có phát động dùng hàng Việt Nam thì người tiêu dùng cũng không thể mua. Chưa kể, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để tiêu thụ hàng tồn, hàng cũ sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng; từ đó làm giảm ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động.
Bà Phạm Thị Loan- Uỷ viên Ủy ban Kinh tế-Tài chính của Quốc hội cũng cho rằng, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và sức ép hàng ngoại giá rẻ đang cản trở rất lớn nỗ lực thực hiện cuộc vận động. Theo bà Loan, để cuộc vận động thành công, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo VOV

Có thể bạn quan tâm