(GLO)- Chị là Rơ Lan H’Mil ở làng Mook Đen, xã biên giới Ia Dom (huyện Đức Cơ). 16 tuổi chị đã khoác lên mình những bộ váy áo truyền thống đẹp nhất, rực rỡ màu sắc nhất của dân tộc Jrai do chính tay chị dệt và may nên. Yêu nghề là vậy, yêu nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình là thế nên chị vẫn luôn trăn trở làm sao để tiếp tục gìn giữ và phát huy được nghề.
Đắm đuối với nghề
Từ khi còn rất nhỏ, thay vì theo chúng bạn chạy nhảy khắp làng, cô bé H’Mil cứ ngồi sát bên mẹ nhìn ngắm say sưa mỗi khi bà lấy khung cửi ra ngồi dệt. Năm 12 tuổi, H’Mil được mẹ dạy cho những đường chỉ đầu tiên và đến năm 16 tuổi, đã không có bất kỳ một khâu nào trong việc dệt thổ cẩm làm khó được chị. Chị học dệt bằng tất cả niềm đam mê. Chị muốn trở thành một cô gái Jrai hoàn hảo và mẹ chị đã từng nhắc con gái: “Đã là con gái Jrai thì phải biết dệt thổ cẩm thật đẹp, thật nhanh và phải biết may những bộ váy áo truyền thống cho chồng, cho con”.
Chị Rơ Lan H’Mil (bên trái) trao đổi kỹ thuật dệt với bà Rơ Mah H’Lúp. Ảnh: Nguyễn Giang |
Cứ thế, chị miệt mài bên khung cửi. Nhiều đêm chị không ngủ cốt để tìm cách tạo những hoa văn với đường nét tinh xảo và kết hợp được nhiều màu sắc nhất vì váy, áo càng giàu màu sắc càng thể hiện được sự duyên dáng, khéo léo, đảm đang của người con gái Jrai. Sự thành thục của chị đã khiến nhiều tay dệt lão luyện trong làng ngạc nhiên vì với một cô gái trẻ, mới vào nghề mà nắm chắc và tự mình làm tất cả các khâu từ kéo sợi, nhuộm màu, thêu, dệt và bố trí hoa văn không phải là chuyện đơn giản.
Chị tâm sự: “Dệt thổ cẩm là một nghề khó chứ không dễ nhưng nếu thực sự yêu và đam mê thì không có gì làm khó được mình cả, quan trọng là phải chịu khó. Để dệt được một tấm thổ cẩm đẹp, người thợ không những phải bỏ ra rất nhiều công sức mà còn phải biết sáng tạo trong từng đường chỉ để làm ra được những sản phẩm đẹp, độc đáo và mới lạ”.
Nỗi lo mai một nghề truyền thống
Càng yêu nghề bao nhiêu thì nỗi lo mai một nghề dệt thổ cẩm trong chị H’Mil nhiều bấy nhiêu. Hiện tại, với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Dom chị có không ít những băn khoăn và trăn trở. Chị chia sẻ: “Cả xã có 530 hội viên phụ nữ nhưng chỉ có khoảng 20 chị em biết dệt thổ cẩm và chỉ có 2 người dệt thường xuyên để cung cấp ra thị trường. Nỗi lo nhất hiện nay là lũ trẻ ít đứa chịu khó và yêu thích nghề dệt thổ cẩm, nói thế nào chúng cũng không chịu học”.
Ảnh: Hoàng Ngọc |
Cũng theo chị H’Mil, sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Jrai rất tinh xảo, đẹp mắt và bền nên người dân khá ưa chuộng. Họ sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng để mua một bộ váy áo thổ cẩm đẹp hay những tấm vải, tấm chăn thổ cẩm nhiều màu sắc. Sở dĩ các sản phẩm thổ cẩm có giá thành cao vì muốn dệt được một tấm vải đẹp, người thợ phải mất khoảng nửa tháng.
Sau đó, phải cắt may tỉ mỉ mới cho ra thành phẩm. Những bộ váy áo được dệt và cắt may hoàn toàn bằng tay bao giờ cũng dày dặn, đẹp vì đường chỉ nhỏ nhưng nổi bật. Nhiều người vì không chịu khó, không yêu nghề dệt và không thể sống đủ với nghề nên đành gác khung cửi lại để đi làm những công việc khác.
Là người đam mê khung cửi và muốn truyền nghề lại cho nhiều chị em khác nhưng mong muốn nhỏ bé ấy của chị H’Mil đang gặp rất nhiều khó khăn khi có quá ít người muốn học nghề dệt. Nhiều lúc chị bỏ công đi đến từng nhà ngỏ ý muốn giúp dạy chị em dệt vải tại nhà vào những buổi tối nhưng chị chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối khéo léo. Thế nhưng, chị không bỏ cuộc, chị vẫn miệt mài đi tìm vì chị tin sẽ có vài cô gái trẻ Jrai chịu ngồi vào khung cửi và sẽ biết yêu nghề dệt.
Nhìn chị chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách để giúp làng giữ nghề, bà Rơ Mah H’Lúp năm nay đã gần 60 tuổi-một người cũng có nhiều tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống nói: “Thấy con H’Mil chạy đi từng nhà năn nỉ người ta học dệt mà thương. Mình cũng lo sau này sẽ mất nghề dệt nhưng giờ không ai học thì phải chịu thôi”.
Nguyễn Giang