Chính trị

Tin tức

Người trúng cử chỉ trở thành đại biểu Quốc hội khi xác định đủ tư cách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 15-6, tại TP. Quảng Ngãi, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị báo cáo viên các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam. Theo PGS-TS Lê Minh Thông-Phó Tổng Thư ký Quốc hội, những người trúng cử Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua chỉ trở thành đại biểu Quốc hội khi được Hội đồng Bầu cử Quốc gia xác định đủ tư cách.

 Cử tri Gia Lai đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Đ.T
Cử tri Gia Lai đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Đ.T

Thông tin về kết quả nổi bật của cuộc bầu cử (BC) đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, PGS-TS Lê Minh Thông cho biết: Cuộc BC vừa qua đã thành công tốt đẹp. Bối cảnh trong nước và quốc tế lúc diễn ra BC rất đặc thù: Triển khai BC trong lúc Đại hội XII của Đảng thành công tốt đẹp, có Hiến pháp, Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp mới. Việc hình thành thiết chế bầu cử mới là Hội đồng Bầu cử Quốc gia thể hiện sự tiến bộ của Việt Nam. Quyền con người, quyền công dân được đặc biệt quan tâm. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, chừng nào người bị kết án mà bản án có hiệu lực thì mới được xem có tội. Do vậy, những người đang tạm giữ, tạm giam, những người bản án chưa có hiệu lực pháp luật, người bị đưa vào trại cải tạo bắt buộc lần này đều được BC.

Đây cũng là cuộc BC lần thứ 2 tổ chức trong 1 ngày với 4 cấp BC. Cuộc BC này diễn ra trong bối cảnh chúng ta vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, chèo lái con thuyền vượt qua khủng hoảng tài chính, năm 2015 nước ta tăng trưởng 6,5% GDP là một trong ít nước trên thế giới GDP dương. Cuộc BC diễn ra giữa lúc ta có nhiều điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế như: Hiệp định thương mại Á-Âu, hội nhập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), vừa đàm phán xong TPP...

Bên cạnh những thuận lợi cũng không ít thách thức: Sự tụt hậu về kinh tế so với các nước; tuy kinh tế phát triển dương nhưng chưa bền vững. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, thách thức phải tạo ra những động lực phát triển mới để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình mà một số nước đã mắc phải. Sự hội nhập quốc tế  tạo ra thách thức vô cùng lớn, nếu ta không có những bước phát triển thì nguy cơ thua ngay tại sân nhà. Việc chuyển giao thị trường bán lẻ của Việt Nam cho các tập đoàn lớn nước ngoài vừa qua là một ví dụ. Về năng suất lao động Việt Nam là nước chót bảng. Một khi năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh thấp thì nguy cơ thất nghiệp trên chính mảnh đất quê hương cũng đang hiển hiện.

Thách thức thứ 3 là ta BC trong bối cảnh chủ quyền quốc gia bị đe dọa. Chủ quyền Biển Đông cũng tạo ra áp lực lớn đến vấn đề BC. Những xung đột ở Biển Đông tác động mạnh mẽ đến cách hành xử của các tầng lớp nhân dân. Nó ảnh hưởng tâm lý xã hội, ổn định chính trị, an ninh, an toàn trong quá trình bầu cử, tác động đến  tâm lý, tình cảm cử tri. Các thế lực thù địch lợi dụng những bức xúc trong phát triển kinh tế-xã hội, ô nhiễm môi trường, trong vấn đề Biển Đông để tác động đến tình cảm cử tri... Trong bối cảnh như vậy, vừa có thuận lợi và cũng không ít khó khăn. Có như vậy mới thấy kết quả của cuộc BC của chúng ta thành công trọn vẹn đến chừng nào.

 Ngày 22-5 đã diễn ra việc BC an toàn tuyệt đối, thực sự là ngày hội toàn dân. Theo thống kê, cả nước có  67.485.480 cử tri đi bầu, đạt 99,35%. Hầu hết các tổ BC đã kết thúc cuộc bỏ phiếu theo giờ quy định. Đến nay chưa nhận được khiếu kiện mất quyền BC của cử tri nào.

Kết quả BC lần thứ nhất có 494 đại biểu Quốc hội được bầu, thiếu 6 đại biểu. Sau đó ngày 6-6, TP. Cần Thơ đã bầu bổ sung 2 đại biểu Quốc hội. Hiện số đại biểu Quốc hội thiếu 4 đại biểu so với 500 đại biểu cần bầu. Trong số các đại biểu trúng cử, Trung ương giới thiệu 197 người về các địa phương BC có 15 vị không trúng cử. Ở TP. Hồ Chí Minh, Trung ương giới thiệu về 14 người, có 7 không trúng. Ở Hà Nội, Trung ương giới thiệu 13 người có 4 không trúng cử. Đại biểu tự ứng cử chỉ có 2 người trúng cử.

Cho đến nay, đại biểu Quốc hội thiếu 4 người, đại biểu HĐND cấp tỉnh đã bầu được 3.908 đại biểu, thiếu 8; cấp huyện có 25.179 người trúng cử, thiếu 120 đại biểu; cấp xã có 291.273 đại biểu được bầu, thiếu 6.626 đại biểu. Có xã cả Chủ tịch, Bí thư đều không trúng cử. Một số nhân sự lãnh đạo chủ chốt cấp huyện có nơi không trúng cử.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Minh Thông cho biết, theo Điều 88 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND ban hành năm 2015 quy định: 1. Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên. 2. Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu HĐND, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu HĐND, Ủy ban Bầu cử tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu HĐND cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu HĐND khóa mới cho người trúng cử và báo cáo HĐND khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tiên.

Như vậy, những người sau khi được cử tri bầu trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp chỉ chính thức trở thành đại biểu Quốc hội và HĐND sau khi kiểm tra đủ tư cách.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm