.
(GLO)- Đã 47 năm trôi qua, nhưng hình ảnh những con tàu phóng lôi nhỏ bé, dũng cảm vượt qua sóng gió, bom đạn, kiên quyết tiến công tàu Maddox của địch, buộc chúng phải rút chạy và những tấm gương anh dũng hy sinh vì vùng biển, vùng trời Tổ quốc... vẫn còn in đậm trong tâm khảm người cựu chiến binh nay đã ở tuổi 80 Phạm Bá Phong (thị trấn Chư Sê- huyện Chư Sê, Gia Lai).
Cảm tử quân của biển
“Noi gương thuyền trưởng, pháo thủ Phạm Bá Phong nhanh nhẹn điều khiển khẩu 14,5 mm đánh trả máy bay địch quyết liệt… Sau một lúc chiến đấu, máy bay địch lao xuống thấp đã bị trúng đạn của chiến sĩ tàu phóng lôi 333, bốc cháy và rơi xuống biển… Đến lúc này, tàu khu trục Maddox buộc phải lết ra khỏi vùng biển chủ quyền của nước ta…”. Đó là những dòng hồi ký viết về pháo thủ Phạm Bá Phong được trích trong “Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955 -2005)” của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam.
Người chiến sĩ hải quân ấy là một trong những cảm tử quân của biển trong trận hải chiến ngày 2-8-1964, đánh đuổi tàu Maddox- một con tàu khu trục đa năng với 350 sĩ quan và binh lính, mang số hiệu 731 thuộc biên đội xung kích 77 (Hạm đội 7) của Mỹ, làm nên chiến công đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ông trở thành một phần trong chiến công huyền thoại ấy.
Ông Phạm Bá Phong ngồi cùng con gái, kể về những chiến công của mình. Ảnh: Trần Dung |
Sau chiến công ấy, ngày 2-9-1964, pháo thủ Phạm Bá Phong cùng đồng đội được lên thủ đô Hà Nội gặp Bác Hồ. Nhắc lại kỷ niệm này, ông nghẹn ngào: “Trong chiến đấu, tôi không nghĩ tới sự sống và cái chết nhưng khi được gặp Bác, nghe Người khen ngợi và động viên, tôi lại khát khao được sống. Sống để chiến đấu trả thù cho những đồng đội đã mất, để bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc và trở về với nhân dân”.
Cuộc hội ngộ bất ngờ
Sau những năm công tác trong lực lượng Hải quân, năm 1980, ông xuất ngũ, thầm lặng giữa cuộc sống đời thường, bắt đầu những tháng ngày vật lộn mưu sinh trên mảnh đất khô cằn tại Quảng Xương- Thanh Hóa. Năm 1983, ông quyết định đưa vợ và 3 người con vào Chư Sê làm kinh tế mới. Năm tháng qua đi, quá khứ một thời hào hùng cùng những cái tên của đồng đội như: Nguyễn Xuân Bột, Nguyễn Thanh Phương, Phạm Duy Tiến, Nguyễn Thanh Luyện... vẫn đau đáu trong lòng ông. Tuổi xế chiều, ông khắc khoải giấc mơ trở về thăm vùng biển năm xưa, gặp những người lính hải quân trên con tàu phóng lôi ngày ấy.
Tháng 4-2011, giấc mơ của ông đã trở thành hiện thực khi lần đầu tiên sau 47 năm, ông tự hào được tham gia ngày truyền thống của lực lượng Hải quân, được sống lại với chiến thắng hào hùng năm xưa. Ngay sau đó, ông vinh dự được Ban Biên tập VTV3- Đài Truyền hình Việt Nam mời tham gia chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”. Tại đây, chương trình đã tạo ra một bất ngờ đầy xúc động: Ông được gặp lại người bạn thân- đồng đội Nguyễn Văn Luyện. Ông xúc động kể: “Gặp lại nhau trong bất ngờ và xúc động, bao nhiêu chuyện muốn kể, muốn hỏi nhưng cứ nghẹn ngào. Chúng tôi chỉ biết ôm nhau và khóc. Giờ đây, cuộc sống của chúng tôi không ai giống ai, chỉ có điều chúng tôi đều giống nhau, đó là luôn giữ trong tim mình ngọn lửa “Cảm tử quân”.
Người lính biển làm kinh tế giỏi
Trở về với cuộc sống đời thường, ông lại phải chiến đấu với những thách thức mới. Vợ chồng ông có 3 người con, trong đó không may có một con gái bị ảnh hưởng chất dộc da cam, không có khả năng lao động. Ngày đêm ông trăn trở suy nghĩ tìm hướng thoát nghèo. Dường như càng trong khó khăn, gian khổ, thì bản lĩnh người “Bộ đội Cụ Hồ” càng được khẳng định. Không chịu lùi bước trước khó khăn, tinh thần lao động miệt mài, cần cù chịu khó, từ vài sào ruộng lúa, nay ông đã có hơn 1 ha cà phê và trên 500 trụ hồ tiêu. Ngoài ra ông còn nuôi heo, thả gà để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện nay, ông đang thầu ao thả cá tại thôn Hồ Nước, ước tính mỗi năm sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 100 triệu đồng.
Ông Phạm Bá Phong còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Hiện ông đang là Trưởng ban Mặt trận thôn Hồ Nước- thị trấn Chư Sê, hội viên Hội Cựu chiến binh và hội viên Hội Người cao tuổi. Ở cương vị nào ông cũng tận tâm tận lực hoàn thành tốt công việc của mình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và giúp đỡ mọi người. Ông tâm sự: “Tôi cảm ơn Tổ quốc vì đã ban cho tôi quá nhiều hạnh phúc. Tôi đã được sống, được chiến đấu và được lao động. Ở tuổi 80, tôi vẫn muốn góp phần cùng địa phương làm những việc hữu ích”.
Trần Dung