Kinh tế

Nguy cơ một mùa mía đắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có thể nói những năm qua cây mía là cây thoát nghèo của khu vực Đông Gia Lai. Tuy nhiên cách mua mía của các nhà máy đường cùng với thời tiết không thuận lợi nên mùa mía này những tín hiệu buồn đang hiện hữu và người nông dân vẫn chịu thiệt trăm đường.

Vụ mía này khu vực phía Đông tỉnh có hơn 30.000 ha, các nhà máy đã bắt đầu mua. Với giá 900 đồng/kg với 10 chữ đường. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn thì mức giá này tuy có cao hơn năm trước nhưng nếu tính cặn kẽ thì nông dân vẫn thu lợi rất ít. Đây là giá mía mà các nhà máy mua tại ruộng khi mía đã ở trên xe. Để có mía lên xe thì nông dân đã mất đi hơn 150 đồng/kg cho công chặt và gần 100 đồng/kg cho công dùng xe độ chở mía ra bãi tập kết và như vậy thực chất giá mía chỉ còn 650 đồng/kg.

Chờ nhập mía ở Nhà máy đường An Khê. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Giá mía mà các nhà máy đường đưa ra mua cho nông dân thực chất là mua của các đại lý. Các đại lý là các thương lái đã ký hợp đồng với dân để nhận bao tiêu mía.

Anh Nguyễn Văn Thành ở xã Tú An, thị xã An Khê cho biết: “Nhà tôi trồng gần 4 ha mía, chúng tôi đã nhận tiền công chăm sóc của các đại lý nên phải bán cho họ". Với giá mía như hiện nay sau khi trừ chi phí chẳng lợi được bao nhiêu, chưa nói đến các rủi ro khác.

Cách tính mua mía của các nhà máy hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều nơi áp dụng là dùng công thức, giá đường bán buôn tại nhà máy nhân với 60% sẽ ra giá mía cần mua cho người dân, 40% còn lại là lợi nhuận của nhà máy, tiền thuế, tiền khấu hao thiết bị và các chi phí khác (ví dụ 1 kg đường là 20.000 đồng nhân với 60% sẽ bằng 1.200 đồng. Như vậy giá mía mà các nhà máy phải mua cho nông dân phải là 1.200 đồng/kg). Có một cách tính mà các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng là đấu giá lô đường theo quý để tính giá nguyên liệu nhưng trên thực tế các nhà máy đã không dùng hai phương pháp hiện đại này mà tính theo công thức riêng của mình nên nông dân vẫn phải chịu thiệt.

Sáng 15-11, Văn phòng thường trú Báo Gia Lai tại thị xã An Khê đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của người dân phản ánh tình trạng mía ách tắc ở cổng Nhà máy Đường An Khê. Phóng viên đã đến tìm hiểu và nhận ra nhiều bất cập. Theo thông báo của nhà máy vào đầu vụ ép thì công suất của Nhà máy Đường An Khê trong vụ ép này là 10.000 tấn/ngày. Thế nhưng khi chúng tôi có mặt thì hàng trăm xe chở mía vẫn nằm ngay cổng nhà máy, xe mía dồn lại kéo dài cả cây số, từ cổng nhà máy đến gần cổng Sư đoàn 2. Khi nhà máy chậm mua mía cho dân thì các xe chở mía phải dừng chờ nhiều ngày, cùng việc làm này đã làm cho trọng lượng của mía giảm đi. Không biết công suất của nhà máy 10.000 tấn/ngày hoạt động như thế nào nhưng hàng trăm xe mía vẫn nằm chờ đang là câu hỏi lớn cần được trả lời.

Theo thống kê hơn 30.000 ha mía của khu vực phía Đông của tỉnh thì đã có hơn 50% diện tích bị trổ cờ, nguyên nhân là do thời tiết năm nay có nhiều bất lợi, trời quá lạnh về đêm và nóng ban ngày. Nhiều nông dân điêu đứng khi mía của mình bị trổ cờ. Ông Nguyễn Thành Anh ở xã An Trung, huyện Kông Chro cho biết: Nhà tôi có 3 ha mía hiện nay đã trổ cờ hết, khi mía bị như thế này thì chữ đường sẽ giảm 5-10%, giá mía bị hạ thấp.

Cùng với nguy cơ trổ cờ, cách mua mía của các nhà máy hiện nay không khoa học nên nông dân ồ ạt đốn mía vào đầu vụ dẫn tới quá tải cho các nhà máy. Ông Mang Viên Tý- Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết: Thị xã An Khê có hơn 3.500 ha mía, nông dân mới chỉ thu hoạch được 30%. Tuy nhiên mía bị trổ cờ nhiều, cùng với đó các nhà máy mua không khoa học nên mía sẽ dồn vào cuối vụ vì lúc này giá cao. Việc làm này sẽ rất nguy hiểm vì mía có thể bị cháy và ảnh hưởng đến vụ sau, chưa nói đến khả năng mua chậm của các nhà máy và có thể dừng mua. Bài học về vụ ép trước khi hàng chục ha mía của nông dân các huyện Kbang và Đak Pơ, Kông Chro đã bị cháy và bị chặt bỏ do các nhà máy không tiếp tục mua.

Cây mía ở các huyện, thị xã phía Đông của tỉnh đã giúp bao người dân thoát nghèo. Tuy nhiên nếu các nhà máy chỉ chú ý đến lợi nhuận mà quên đi quyền lợi của người dân thì khó giữ được vùng nguyên liệu bền vững.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm