Nguyên nhân suy giảm chất lượng dân số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 60% hộ gia đình đồng bào Jrai sinh sống trên địa bàn huyện Ia Pa (Gia Lai) đều là hôn nhân cận huyết. Người dân tộc thiểu số Jrai quan niệm “khác họ là có thể lấy được nhau” nên đã xảy ra tình trạng con anh ruột có thể lấy được con của em ruột, con bác lấy con dì, con bác lấy con cô... Đây là vấn đề đau đầu của những người làm công tác dân số, vì tình trạng này đã ăn sâu vào nếp nghĩ của cộng đồng.

Ông Kpă Lan- Giám đốc Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện Ia Pa, trăn trở: Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: Nam- nữ cùng huyết thống có thể kết hôn với nhau khi có mối quan hệ huyết thống ít nhất là 3 đời. Tuy nhiên, người Jrai mang họ mẹ, nên họ quan niệm cứ khác họ thì vẫn lấy được nhau. Do đó, tình trạng anh ruột họ Kpă lấy vợ họ Ksor- con mang họ mẹ- Ksor;  em ruột lấy vợ họ Nay, con mang họ Nay, nên con của anh ruột có thể lấy được con của em ruột. Còn nếu cùng họ thì họ rất kị cho dù là khác tộc, như người Jrai với người Êđê khi cùng họ cũng không bao giờ được lấy nhau. Chính vì thế, người Jrai nơi đây coi hôn nhân cận huyết, nội tộc là chuyện hết sức bình thường mà không hiểu được những nguy cơ, tác hại cho những thế hệ tiếp theo.

Lấy máu gót chân trẻ sơ sinh để phát hiện bệnh tật có biện pháp chữa trị. Ảnh: Đinh Yến
Lấy máu gót chân trẻ sơ sinh để phát hiện bệnh tật có biện pháp chữa trị. Ảnh: Đinh Yến
Mới đây, lớp tập huấn tuyên truyền vấn đề làm gì để chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, cán bộ tư pháp xã của huyện Ia Pa, anh Ksor Krong- cộng tác viên dân số làng Chrôh Kô, xã Ia Kdăm đã hiểu rằng: Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân nội tộc, cùng dòng máu trực hệ lấy nhau. Những cặp vợ chồng lấy nhau cùng huyết thống, khi sinh con có thể trẻ dễ bị biến dạng xương mặt, bụng phình to hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.


Tuy nhiên, do nhận thức còn nhiều hạn chế nên việc xóa bỏ thói quen, tập tục hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng các dân tộc ít người không phải là chuyện một sớm một chiều. Từ năm 2010, huyện Ia Pa được chọn thực hiện mô hình “Nâng cao chất lượng dân số dân tộc ít người, giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại 4 xã: Ia Trôk, Ia Ma Rơn, Ia Tul, Chư Mố. Từ mô hình này, huyện đã thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền về những nguyên nhân, tác hại của hôn nhân cận huyết. Đồng thời, tổ chức khảo sát ở một số xã: Ia Trok, Ia Ma Rơn, Ia Tul, Chư Mố, ở những hộ gia đình kết hôn cận huyết. Kết quả khảo sát, tuy chưa phát hiện ra những biểu hiện bất thường đặc biệt nào về việc hôn nhân cận huyết, nhưng một số hộ gia đình kết hôn cùng huyết thống cũng có những đứa trẻ còi cọc, trẻ sinh ra chết đột ngột, bại não…

Mô hình đang triển khai trên địa bàn huyện mới chỉ chú trọng đến công tác tuyên truyền là chính. Qua công tác tuyên truyền, tăng cường sự cam kết của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và những người có uy tín tại địa bàn, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và tham gia thực hiện các hoạt động của mô hình. Tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thích hợp cho các nhóm đối tượng về Luật Hôn nhân và Gia đình, quy định về đăng ký kết hôn và khai sinh; tầm quan trọng của các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ; hậu quả của kết hôn cận huyết thống; quyền, trách nhiệm và lợi ích trong thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình; xây dựng và tăng cường các hoạt động can thiệp nhằm giảm tỷ lệ tảo hôn; kết hôn cận huyết thống trên địa bàn.

Do đó, việc đẩy lùi tình trạng kết hôn cận huyết thống là cả một quá trình, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền. Hơn nữa, ngành Dân số-KHHGĐ mong muốn được quan tâm đầu tư trang-thiết bị máy chiếu để tạo điều kiện cho ngành Dân số-KHHGĐ huyện tuyên truyền tốt hơn nữa thực trạng này.

Theo ông Kpă Lan, trước mắt để tuyên truyền hiệu quả, ngành Dân số- KHHGĐ huyện sẽ phối hợp với Trường Dân tộc nội trú huyện lồng ghép vào các giờ sinh hoạt ngoại khóa của trường; tổ chức tuyên truyền điểm ở một số xã triển khai mô hình cùng mời các ban ngành, đoàn thể tham gia. Sau buổi tuyên truyền điểm, các thôn, trưởng già làng, cán bộ, cộng tác viên dân số, hội phụ nữ về tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Với giải pháp trước mắt, hy vọng tình trạng kết hôn cận huyết thống ở Ia Pa sẽ được đẩy lùi. Mỗi gia đình sẽ hiểu được hậu quả của tình trạng này để quản lý, can thiệp con em mình chặt chẽ hơn.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm