Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Nguyên TGĐ Vinalines: "Bị cáo không được chia tiền"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 13-12, phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Vinalines tiếp tục với phần xét hỏi đối với bị cáo Mai Văn Phúc - nguyên Tổng Giám đốc Vinalines để làm rõ về số tiền gần 1,67 triệu USD tiền tham ô từ thương vụ ụ nổi 83M.

 

Theo lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, sau khi Sơn nhận khoản tiền “hoa hồng” 1,67 triệu USD từ ông Goh Hoon Seow - Giám đốc Công ty AP đã chia cho Phúc 10 tỷ đồng. Theo lời khai của Sơn tại phiên tòa chiều 12-12, Sơn đưa cho Phúc số tiền 10 tỷ chia làm 3 đợt, trong đó lần đưa cuối cùng diễn ra vào dịp gần Tết (Âm lịch) của năm 2008.

Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Phúc bác bỏ và cho rằng, lời khai của Sơn hoàn toàn không có thật.

Phúc khai rằng, bị cáo không được ai hứa cho tiền và không được hưởng lợi gì. Về số tiền 1,67 triệu USD đưa vào Việt Nam, bị cáo Phúc nói rằng, Sơn rút ra sử dụng, chiếm hữu và chia chác với ai thì Phúc hoàn toàn không biết.

Tại tòa, bị cáo Phúc nói rằng, thực tế, việc giao dịch mua ụ nổi 83M được thực hiện từ năm 2006. Giao dịch này liên quan chặt chẽ tới việc Công ty của Nga ký hợp đồng với Công ty AP và phân chia các khoản tiền này.

Công ty Nakhodka muốn sử dụng đại diện của mình là Công ty Global Success (Công ty môi giới của Liên bang Nga) để bán ụ nổi 83M cho Vinalines nhưng không được chấp nhận. Do vậy, tại tòa, bị cáo Phúc biện minh rằng, thời điểm Phúc bắt đầu giữ chức Tổng Giám đốc Vinalines thì hợp đồng mua ụ nổi đã được thống nhất. Phúc không liên quan đến vụ việc này.

Bị cáo Phúc cũng dẫn lại lời nói của Trần Hữu Chiều – nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines rằng, việc Vinalines thương thảo mua ụ nổi 83M này đã có từ lâu rồi. Do vậy, Phúc cho rằng, khoản tiền 1,67 triệu USD, bị cáo không biết, không được ăn chia.

“Ai đại diện nhận tiền, bàn bạc ăn chia, bị cáo không biết”, Phúc khẳng định. Bị cáo Phúc cũng cho rằng, chỉ những người biết hợp đồng, biết khoản tiền thì mới được hưởng lợi.

Mai Văn Phúc cũng phủ nhận việc Sơn gặp mình ở Hải Phòng để giao tiền lần cuối cùng trong khoản tiền 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Sơn nói rằng: “Chính tôi gọi điện cho anh Phúc, anh ấy cho phép, tôi mới dám đến”. Bị cáo Sơn miêu tả khá chi tiết nơi mà Sơn giao cho Phúc số tiền 2,5 tỷ đồng.

Tại tòa, em gái của Trần Hải Sơn là chị Trần Thị Hải Huyền cũng xác nhận những lần Sơn gọi điện nhờ Huyền chuyển tiền để Sơn lo “công việc”.

Liên quan đến việc đưa khoản tiền 1,67 triệu USD, bị cáo Hải Sơn nói rằng, việc lập hợp đồng khống để đưa tiền về Việt Nam do Sơn hoàn toàn chủ động vì ông Goh – Giám đốc Công ty AP chỉ đạo rằng, phải có hợp đồng khống thì bị cáo Sơn mới nhận được khoản tiền này.

Tại tòa, đại diện nguyên đơn dân sự, ông Lê Trương Thanh – Phó Tổng Giám đốc Vinalines cho biết, hiện ụ nổi đang neo đậu tại khu vực cảng ở tỉnh Long An. Ụ nổi đang được bàn giao cho nhà máy sửa chữa tàu biển. Tình trạng của ụ nổi đến giờ phút này để sửa chữa, sử dụng là không khả thi. Hiện Vinalines đã xin phép thanh lý để trả lại tiền cho Nhà nước. Tuy nhiên, do đang trong quá trình điều tra, nên việc thanh lý đang tạm thời hoãn lại.

Cũng theo ông Thanh, hiện nay, tính chi phí bảo vệ, trông coi… ụ nổi 83M tiêu tốn hơn 1 tỷ đồng/tháng.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm