Ba thế hệ là bộ đội
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có ông và cha là bộ đội, từ nhỏ, chị Lê Nguyễn Trà Giang (SN 2000, tổ 7, phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã yêu màu xanh áo lính. Chính vì thế, tháng 7-2022, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị văn phòng (Trường Đại học Đông Á), chị Giang viết đơn tình nguyện với mong muốn cống hiến sức mình phục vụ Tổ quốc.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Giang cho biết: Ông nội qua đời cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, tôi vẫn còn nhớ những câu chuyện ông kể về năm tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử để đất nước được nở hoa độc lập. Đặc biệt, ông luôn nhắc đến những đồng chí, đồng đội đã hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Hay những lần được bố đưa vào đơn vị chơi, tiếp xúc với các bác, các chú bộ đội với tác phong nhanh nhẹn, nền nếp; hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” gần gũi, thân thương đã thôi thúc tôi được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh như ông và bố.
Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự thị xã An Khê dặn dò chị Lê Nguyễn Trà Giang (thứ 2 từ phải sang) trước khi lên đường nhập ngũ. Ảnh: An Phát |
Những ngày này, mẹ của chị Giang đang tất bật chuẩn bị đồ đạc để con gái lên đường nhập ngũ. Chị chia sẻ: “Mẹ thường hướng hai chị em làm những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với phái nữ. Tuy nhiên, mẹ luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của các con. Khi biết tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ, mẹ không ngăn cản mà còn khuyến khích, động viên. Xác định phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, song với tinh thần quyết tâm, tôi sẽ cố gắng để sớm thích nghi môi trường mới, tập trung rèn luyện để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.
Năm nay, toàn tỉnh có 4 công dân nữ nhập ngũ. Những tân binh này sẽ được đưa vào Quân khu 7 để làm các thủ tục và tham gia huấn luyện. Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: “Năm nay, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chuẩn bị tốt công tác giao quân, đảm bảo giao đủ số lượng và chất lượng. Về nguyên tắc, những công dân có bố, mẹ hoặc anh đang tại ngũ thì được tạm hoãn nhập ngũ, nhưng nhiều người vẫn viết đơn tình nguyện. Riêng đối với những nữ tân binh, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thăm hỏi, tặng quà và động viên để họ yên tâm lên đường”.
Gác lại niềm riêng
Ngày 7-2, những công dân trúng tuyển nghĩa vụ được tập trung về Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện công tác xét nghiệm Covid-19. Sáng 8-2, họ sẽ khoác trên mình bộ quân phục của người lính, bước qua cầu vinh quang lên xe về đơn vị.
Năm 2021, anh Võ Lê Nguyên (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) tốt nghiệp Cao đẳng Giao thông Vận tải rồi vào Bình Dương làm việc. Mặc dù công việc có mức lương gần 10 triệu đồng/tháng, nhưng khi biết địa phương gọi công dân nhập ngũ, tháng 9-2022, anh đã chủ động đăng ký tham gia khám tuyển. “Đi làm có thu nhập ổn định, tôi có thể hỗ trợ cho gia đình, nhưng nếu mọi người đều nghĩ như vậy thì ai sẽ thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Chính vì thế, dù bỏ dở công việc, nhưng vì trách nhiệm của một công dân, tôi đã quyết định nhập ngũ. Bố mẹ cũng khuyên tôi cố gắng phấn đấu, gắn bó lâu dài trong quân đội. Tôi mong muốn trong môi trường quân ngũ sẽ giúp mình trui rèn, phát huy những gì đã học được để trưởng thành và cống hiến sức trẻ bảo vệ Tổ quốc”-anh Nguyên vui vẻ nói.
Còn anh Bùi Quốc Trung (làng Ia Tang, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) là con trai duy nhất của gia đình có 3 chị em. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, anh Trung có việc làm ổn định với mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, anh đã gác lại công việc để về quê viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. “Bạn bè gọi điện bảo nhiều thanh niên đi làm ăn xa cũng về quê để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chính vì thế, tôi cũng phải thực hiện trách nhiệm của một công dân. Tôi hy vọng môi trường quân đội sẽ rèn luyện mình có bản lĩnh vững vàng hơn”-anh Trung chia sẻ.