Kinh tế

Tài chính

NH Chính sách Xã hội huyện Kbang đồng hành với người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Kbang, Gia Lai đã triển khai hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế. Từ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế.
Nhanh chóng thoát nghèo
Vườn chanh dây mới trồng của gia đình ông Phan Văn Hùng (xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: N.S
Theo thống kê, cuối năm 2017, huyện Kbang còn 2.700 hộ nghèo, chiếm 15,67%. Trong đó, hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm trên 90% số hộ nghèo toàn huyện. Vì vậy, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Gia đình ông Phan Văn Hùng (làng Hà Nừng, xã Sơn Lang) trước đây là hộ nghèo. Đầu năm 2017, ông được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để vay 30 triệu đồng đầu tư phát triển sản xuất. Ông Hùng cho biết: “Sau khi được vay vốn, tôi quyết định trồng chanh dây trên diện tích 1 ha. Chỉ sau 6 tháng, tôi đã thu hàng chục tấn quả, bán được hơn 200 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo”. Hiện tại, ngoài 1 ha chanh dây, gia đình ông Hùng còn ký hợp đồng với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao  trồng thêm 2 sào chanh dây. “Tôi làm nông nghiệp nên cũng đã thử sức với nhiều loại cây trồng. Tôi thấy chanh dây cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Nếu chăm sóc tốt, chanh dây không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà hoàn toàn có thể làm giàu được”-ông Hùng khẳng định.
Câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Đinh Trim (làng Lợt, xã Kông Pla) cũng là một ví dụ điển hình về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây kiên cố, anh Trim tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2012, nhờ được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách, tôi đầu tư trồng 2 ha mía. Chỉ sau 1 năm, gia đình đã thoát nghèo”. Đến nay, gia đình anh Trim đã đầu tư trồng thêm 4 ha mía, chăn nuôi bò, mua 2 xe tải để chở mía, mở quán bán tạp hóa, thu nhập bình quân mỗi năm trên 240 triệu đồng. 
Đồng hành với người nghèo
Bà Đinh Thị Thu Hiền-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kbang-cho biết: Xác định nhiệm vụ trọng tâm là đồng hành với địa phương trong công tác giảm nghèo, những năm qua, Phòng Giao dịch đã xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, Phòng Giao dịch đã giải ngân 79 tỷ đồng cho 2.352 lượt hộ vay. Đơn vị đang quản lý tổng dư nợ 260 tỷ đồng với 7.600 khách hàng vay của 202 tổ tiết kiệm và vay vốn được ủy thác thông qua các đoàn thể, bình quân dư nợ đạt trên 32 triệu đồng/hộ. Bên cạnh các nguồn vốn Trung ương, hiện nay, vốn ngân sách của tỉnh và huyện ủy thác cho Phòng Giao dịch là 6,7 tỷ đồng, tập trung cho vay các chương trình hộ nghèo. Nhìn chung, nguồn vốn vay đã đến được với tất cả hộ nghèo trên địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nói chung và đời sống của một bộ phận hộ nghèo nói riêng.
Vườn chanh dây với diện tích 1 ha của ông Hùng chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới. Ảnh: N.S
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, trong 15 năm (2003-2018), huyện Kbang đã có 6.926 hộ thoát nghèo, 4.864 hộ thoát cận nghèo. Riêng giai đoạn 2007-2017, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 800 lao động có việc làm, xây dựng được 2.415 công trình nước sạch và 2.399 nhà vệ sinh, cho 5.260 học sinh, sinh viên vay vốn đi học, giúp hộ nghèo xóa được 796 căn nhà dột nát… Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, Phòng Giao dịch đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện mở 9 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm cho hơn 1.600 lượt hộ nghèo tham gia.
“Tiếp tục phát huy kết quả trên, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên nguồn vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số; tranh thủ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH cấp trên và nguồn vốn ủy thác của địa phương để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo; phối hợp với chính quyền cơ sở làm tốt công tác rà soát, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đồng thời tuyên truyền cho người dân nắm bắt được các chương trình tín dụng chính sách để mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất; hướng dẫn hộ vay quản lý, sử dụng đồng vốn, kinh doanh hiệu quả. Từ đó, đẩy lùi “tín dụng đen” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tạo động lực giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững”-bà Đinh Thị Thu Hiền cho biết thêm.
Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm