TN - Đất & Người

Nhà báo Hòa Giang: Nghề báo-"Nghề không nhàm chán"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói nhanh, nói… nhiều, nhưng đã xắn tay áo làm chương trình gì thì cũng rất nhanh nhạy, đâu ra đó, tính chuyên nghiệp cao. Có cảm giác chị là người luôn tràn đầy năng lượng và vô cùng nhiều ý tưởng. Đó là những điều dễ nhận thấy khi làm việc cùng nhà báo Nguyễn Hữu Hòa Giang, Phòng Chuyên đề-Văn nghệ-Giải trí (Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai).

Từ may rủi…


Ít ai ngờ rằng, con đường đến với nghề báo của nhà báo Hòa Giang lại rất ngẫu nhiên và đầy tính… may rủi. Chị chia sẻ, do đạt giải 3 môn Văn toàn quốc năm học lớp 12, chị được tuyển thẳng vào đại học. Nhưng việc chọn ngành nghề cách đây mười mấy năm, đối với học trò 12, vẫn là điều không dễ bởi các chương trình tư vấn chưa phong phú như bây giờ. Chị bèn làm 3 chiếc thăm ghi tên 3 ngành học mình cho là phù hợp, rồi… chọn ngẫu nhiên 1 cái. Vậy là quyết định theo học báo chí ngon ơ, đơn giản vì thấy nghề này “oách”, được đi đây đi đó nhiều, được lên tivi...

Ảnh: Phương Duyên



Tốt nghiệp ngành Báo chí, Khoa Ngữ văn-Báo chí Trường Đại học Khoa  học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh năm 2005, suy nghĩ ngây ngô thuở ban đầu đã dần nhường chỗ cho những trải nghiệm từ thực tế với nghề, sau khi chị “đầu quân” về Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai năm 2006. “Mọi thứ với tôi đều mới mẻ, thấy mình nhiều cái còn rất ngô nghê, nhưng càng làm việc càng vỡ ra nhiều vấn đề”-nhà báo Hòa Giang nhớ lại. Dần dà, cái tên Hòa Giang được khán giả biết đến nhiều hơn qua các chương trình, từ thiếu nhi, thanh niên, dân tộc tôn giáo đến các chương trình dành cho tuổi học trò… Hiện chị đang phụ trách chính các chuyên mục: Giáo dục, Công thương, Dân hỏi-Cơ quan Nhà nước trả lời. Các chuyên mục này đều ghi dấu ấn người thực hiện bởi tính sâu sát, kịp thời, nhanh nhạy cùng sự mới mẻ, sáng tạo trong cách thể hiện.

Nhiều khán giả truyền hình cũng ghi nhận, có 2 chương trình do nhà báo Hòa Giang đề xuất và xây dựng format đã thực sự mang lại một không khí vô cùng sôi động cho các chương trình giải trí của Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai, đó là “Teen Cao nguyên” và “Hoa học đường”. Cả hai đều hướng đến đối tượng khán giả chính là thanh thiếu niên và học sinh trên địa bàn tỉnh với tính giáo dục, định hướng cao. Đặc biệt, trưởng thành từ chương trình “Teen Cao nguyên” qua sự dẫn dắt của chị có 2 gương mặt hiện đang là những MC đắt sô của Đài Truyền hình Việt Nam, đó là Công Tố và Xuân Quỳnh.

…Đến duyên nghiệp

 

Nhà báo Khắc Quang, Trưởng phòng Chuyên đề-Văn nghệ-Giải trí (Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai), Thư ký Chi hội nhà báo Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh: “Hòa Giang là một phóng viên trẻ có nền tảng đào tạo tốt, cách phát hiện và thể hiện đề tài sáng tạo, tư duy báo chí nhanh nhạy, chịu khó phản ánh các đề tài “nóng” đang được dư luận quan tâm cũng như đề tài ở vùng sâu vùng xa. Các tác phẩm của Hòa Giang không chỉ phục vụ cho làn sóng của Đài mà còn mang về nhiều giải cao như giải viết về gương điển hình tiên tiến do Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh phát động, giải báo chí tỉnh, giải Liên hoan phát thanh toàn quốc… Ngoài ra, Hòa Giang cũng là người rất nhiệt tình, năng động trong các hoạt động đoàn thể cũng như của chi hội”.

Dù đến với nghề báo một cách rất tình cờ, song sau nhiều năm đi cùng những vui buồn trong nghề, nhà báo Hòa Giang tự nhận mình đã trót say mê công việc nhiều vất vả này. Mà đúng vậy, không say mê thì không thể dốc thời gian và tâm sức cho công việc một cách nhiệt tình như chị, dù có con nhỏ. Có những hôm, đến tận 2-3 giờ sáng mà phòng làm việc của chị và cả ê-kíp vẫn sáng đèn để thực hiện cho kịp một chương trình phát sóng. Như chị bộc bạch thì “ngày càng thấy say mê là bởi nghề này giúp mình được trải nghiệm nhiều thứ, không nhàm chán, bắt mình phải sáng tạo liên tục, tươi mới liên tục”.

Nhà báo Hòa Giang còn khiến nhiều đồng nghiệp nể phục vì chị luôn đòi hỏi cao ở chính mình, trong công việc. Điều này thể hiện ở thái độ không thỏa hiệp với sự hời hợt trong nghề. Chị bộc trực, sẵn sàng tranh luận, thẳng thắn đến mức đôi lúc gây khó chịu cho người khác. Nhưng để hiểu hơn một tấm lòng thì phải cùng chị đi đến tận cùng nỗi đau của những số phận không may trong cuộc sống, như trường hợp cô học trò xương thủy tinh ở Mang Yang là một ví dụ. Không dừng lại ở việc thực hiện một phóng sự, chị còn chạy đôn chạy đáo để vận động cho gia đình em có một mái nhà tươm tất, để em có đủ tiền chạy chữa... Đó là điều mà không phải nhà báo nào cũng làm được.

Nhà báo trẻ này cho biết chị cũng luôn muốn thử sức ở những lĩnh vực mới, chẳng hạn như thường xem các đài bạn và đài nước ngoài, học hỏi từ đó những cách thể hiện mới và kết hợp với ý tưởng của mình. Tuy nhiên, để được thỏa sức thực hiện những ý tưởng mới thì không thể không kể đến sự hỗ trợ từ phía cơ quan và đồng nghiệp. “Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai là một môi trường cực kỳ thuận lợi, ở đó tôi được tạo điều kiện để thử sức với nhiều “vai diễn” khó và được động viên, khích lệ rất nhiều”-chị nói. Đặc biệt, với chị, gia đình cũng là chỗ dựa vô cùng vững chắc giúp chị có thêm quyết tâm theo đuổi nghề báo.

Trò chuyện về những trăn trở trong nghề, chị chia sẻ: Các chương trình của Đài Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai đã lên vệ tinh, ra biển lớn, sẽ phải đọ sức công bằng với hàng trăm chương trình của các đài khác. Phải làm gì để khán giả dừng lại xem chương trình của mình thay vì chuyển kênh? Phải vào đề ra sao, làm gì để kết hợp tốt nhất giữa hình ảnh, âm thanh và lời bình? Đó là những câu hỏi mà để giải đáp đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của bản thân mỗi phóng viên. Và nhà báo được xem là “luôn truyền năng lượng và cảm hứng đến cho mọi người” bởi sự sôi nổi, hoạt bát (chị còn là Bí thư Chi đoàn Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai) cũng ôm ấp dự định trong thời gian tới sẽ xây dựng thêm được những chương trình giải trí “made in Gia Lai” dành cho giới trẻ.   

 Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm