Kinh tế

Nhà máy Chế biến Nông sản Xuất khẩu Phú Túc: Lại chây ì trả tiền cho dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Krông Pa (Gia Lai) đang khắc khoải vì bị Nhà máy Chế biến Nông sản Xuất khẩu Phú Túc nợ tiền bán mì dây dưa nhiều tháng liền.
5 năm trước, Nhà máy Chế biến Nông sản Xuất khẩu Phú Túc thuộc Công ty Điện máy Hải Phòng (gọi tắt là Nhà máy) khánh thành trong kỳ vọng sẽ giải quyết tốt vấn đề đầu ra cho vùng nguyên liệu mì rộng gần chục ngàn ha, góp phần giúp người dân Krông Pa xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Nhà máy từ đó đến nay đã để lại quá nhiều bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là việc nợ dây dưa tiền mua nguyên liệu.
Ảnh: Đức Phương
Ảnh: Đức Phương
“Đòi tiền mà quá… ăn xin!”

Gần một tuần qua, hàng trăm hộ dân ở thị trấn Phú Túc và các xã thuộc huyện Krông Pa kéo đến Nhà máy để đòi tiền. Nhiều người ôm theo cả chiếu, chăn nằm ngủ trước sân nhà máy chờ được trả tiền. Bà Vũ Thị Tý nhà ở đội 3, thôn Kiến Xương, xã Chư Gu ngồi đốt lửa thổi cơm ăn bên cạnh dãy nhà hành chính của nhà máy bức xúc: “Từ ba ngày nay tôi cùng với hàng chục người khác nằm chờ ở đây để đòi tiền Nhà máy còn nợ, nhưng lãnh đạo trốn biệt không ra gặp dân”.
Bà Tý cho hay, nhà bà có 2 ha mì. Từ đầu tháng 2-2011 bà thuê 4 công nhổ được tổng cộng 40 tấn mì tươi, bán cho Nhà máy với giá 2,6 triệu đồng/tấn. Nhà máy ghi phiếu nợ của bà tổng cộng 104 triệu đồng, hẹn một tuần sau trả. Nhưng đến nay đã gần 3 tháng, tuần nào bà cũng lên đòi nhưng chỉ nhận được câu trả lời “Công ty chưa gửi tiền vào, chừng nào có tiền chúng tôi báo”. Thế rồi chẳng thấy họ báo bao giờ! Trong khi đó, cái ăn cái uống, nhu cầu mua sắm của 4 khẩu trong gia đình bà thì chẳng thể dừng được. Đã vậy gần đây, chả ngày nào nhà bà không phải tiếp người đến đòi nợ, nào tiền công cày, công nhổ mì, tiền xe… Và lần nào bà cũng xấu hổ khất hẹn người ta. Bà đã phải bấm bụng “bán non” một phiếu cân mì 10 tấn với giá 20,5 triệu đồng, trong khi giá thực tế thanh toán với Nhà máy là 26 triệu đồng. Số tiền này giờ cũng chẳng còn nên bà Tý ngao ngán: “Nếu Nhà máy không trả, chắc chắn tôi sẽ lại phải bán phiếu non để lấy tiền trả nợ và trang trải cuộc sống”.
Đông đảo người dân trình bày với phóng viên Báo Gia Lai về tình trạng Nhà máy nợ tiền. Ảnh: Tiến Dũng
Đông đảo người dân trình bày với phóng viên Báo Gia Lai về tình trạng Nhà máy nợ tiền. Ảnh: Tiến Dũng
Bà Nguyễn Thị Len, ở tổ 10, thị trấn Phú Túc cũng đang ngậm đắng nuốt cay khi khoảng 560 triệu đồng tiền bán mì của bà vẫn đang nằm ở Nhà máy. Mà nào có phải tất cả mì đó đều là của bà. Nhà có 3 chiếc xe chở hàng, mẹ con tính chuyện “lấy công làm lãi” đi thu gom thêm mì của bà con xung quanh bán cho Nhà máy kiếm lời. Thế rồi mì thì “đi” mà tiền thì chẳng thấy về. Mỗi lần tới Nhà máy hỏi tiền, bà Len kể, ông Nguyễn Hữu Bảo-quyền Giám đốc Nhà máy đều nói: “Cứ yên tâm, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng”. Đến nay Nhà máy chưa trả cho bà được đồng nào. “Và ba tuần nay, lãnh đạo Nhà máy biệt tăm, không thấy ra gặp dân để có lấy một lời giải thích”.
Quá bức xúc vì không đòi được tiền, hàng trăm hộ dân ở thị trấn Phú Túc và nhiều xã trồng mì bán cho Nhà máy đã tập trung ở trụ sở Nhà máy để gây sức ép. Cao điểm là đêm 28-4, một đám đông kéo lên nằm cả trên dây chuyền cán mì buộc Nhà máy phải dừng hoạt động. Thậm chí có người đã tháo ắc quy của máy xúc mì củ và lăn luôn cả mấy thùng phuy dầu vượt đoạn đường hàng trăm mét ra chặn trước cổng Nhà máy. Đám đông hỗn loạn tối 28-4 đã chặn đoàn xe chở bột mì gần chục chiếc không cho rời khỏi Nhà máy. Trong đó, một số thanh niên quá khích đập vỡ kính của 2 xe tải lớn; đuổi đánh tài xế.
Ông Trương Văn Trượng, ở tổ 12, thị trấn Phú Túc ngồi bệt trên manh chiếu bên hông khu nhà hành chính của Nhà máy bức xúc: “Nhà máy còn nợ tôi 103 triệu đồng kể từ ngày 17-2-2011. Người dân chúng tôi lên Nhà máy đòi tiền thì lãnh đạo trốn hết, không ra gặp dân. Đi đòi tiền mà quá đi ăn xin!”.
“Bệnh” chây ì mãn tính của Nhà máy
Không phải đến niên vụ 2010-2011 này, chuyện chây ì trả nợ nông dân trồng mì trên địa bàn huyện Krông Pa mới xảy ra. Điều này đã xuất hiện từ khi Nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động năm 2005. Gần như năm nào cũng vậy, Nhà máy chỉ sòng phẳng được lúc đầu vụ. Còn sau đó, họ cứ khất lần khất lượt, dây dưa không chịu trả. Đỉnh điểm cho sự chây ì của Nhà máy là niên vụ 2006-2007. Theo báo cáo của UBND huyện Krông Pa, đến tháng 4-2007, số tiền mà Nhà máy nợ người dân lên đến 8,4 tỷ đồng. UBND tỉnh Gia Lai đã phải lập một đoàn kiểm tra hoạt động mua và thanh toán tiền mua mì của Nhà máy. Sau đó, đoàn kiểm tra đã kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định buộc phải trả nợ cho dân thì Nhà máy mới chịu trả.
Người dân bức xúc chặn không cho đoàn xe chở bột mỳ ra khỏi nhà máy. Ảnh: Đức Phương
Người dân bức xúc chặn không cho đoàn xe chở bột mỳ ra khỏi nhà máy. Ảnh: Đức Phương
Những tưởng sau lần ấy, Nhà máy sẽ rút kinh nghiệm và có giải pháp thỏa đáng hơn trong việc mua và thanh toán tiền cho những hộ trồng mì. Tuy nhiên, đâu rồi lại vào đấy. Rất nhiều nông dân khắp huyện Krông Pa bán mì cho Nhà máy từ đầu tháng 2-2011 đến nay vẫn chưa nhận được tiền, hoặc có nhận cũng rất ít.
Làm việc với chúng tôi chiều 29-4, ông Ngô Ngọc Hoàng-Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Nhà máy cho rằng, ông không biết số tiền Nhà máy nợ người dân là bao nhiêu. “Hiện Lãnh đạo nhà máy đi công tác chưa về. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để sớm trả nợ cho bà con”-ông Hoàng nói.
Theo một số cán bộ các xã, thị trấn, tổng số nợ của Nhà máy hiện nay không thể dưới 40 tỷ đồng. Riêng thị trấn Phú Túc, “thống kê chưa đầy đủ số tiền Nhà máy nợ của dân đã lên đến trên 15 tỷ đồng. Nhà của tôi cũng bị Nhà máy nợ 20 triệu đồng; còn nhà ông Đãng-Bí thư Đảng ủy thị trấn bị Nhà máy nợ trên 100 triệu đồng”-ông Nguyễn Quang Huy-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Túc ngao ngán nói.
Mới đây huyện Krông Pa đã thành lập đoàn công tác do Phòng Công thương chủ trì tiến hành làm việc với Nhà máy về vấn đề nợ tiền của dân. Nhưng “Lãnh đạo nhà máy không hợp tác”-ông Tô Văn Chánh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa bày tỏ bức xúc.
Sau 5 năm hoạt động, niềm tin của người dân trồng mì Krông Pa với Nhà máy đã gần như cạn kiệt khi “căn bệnh” mua nhanh trả chậm của Nhà máy liên tục tái diễn, trở thành một thứ “bệnh” mãn tính. Niềm tin cạn kiệt đến mức mà một nông dân như ông Trương Văn Trượng sau 5 năm hợp tác làm ăn với Nhà máy đã chán nản thốt lên: “Nhà máy có dời đi, dân chúng tôi cũng chẳng chết”.
Tiến Dũng- Đức Phương

Có thể bạn quan tâm