(GLO)- Từ đầu năm đến nay, người trồng rau tại khu vực phía Đông tỉnh phải trải qua hai vụ mùa điêu đứng. Những tưởng cây ớt sẽ đem lại chút hy vọng sau vụ rau, dưa thất bát nhưng thị trường lại một lần nữa chẳng chiều lòng người…
Giá ớt xuống thấp
Được gieo trồng sau Tết, đến nay hầu hết các ruộng ớt của bà con nông dân huyện Đak Pơ đang vào mùa thu hoạch rộ. Tuy nhiên, giá ớt xuống thấp khiến việc thu hoạch cũng như mua bán trở nên khá trầm lắng. Hiện tại, ớt tươi được thương lái mua tại ruộng với giá từ 10.000 đồng đến 13.000 đồng/kg, thấp hơn gần một nửa so với vụ ớt trước Tết nguyên đán.
Giá ớt xuống thấp khiến nông dân lo lắng. Ảnh: Phương Linh |
Theo tính toán của người dân thì vốn đầu tư trung bình cho một sào ớt khoảng 15-20 triệu đồng, thời gian từ lúc trồng cho tới khi thu hoạch kéo dài khoảng 3-4 tháng. Với mức giá đầu mùa 20.000-50.000 đồng/kg, bà con nông dân vẫn có thể lời được 40 triệu đồng/sào, thậm chí nhiều hơn. Nhưng trong vụ mùa này, giá bán ra quá thấp khiến nông dân không khỏi lo lắng. Gia đình ông Lê Văn Ơn (thôn Thuận Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ) trồng hơn một sào ớt, đến nay đã thu hoạch được 5 lần. Ông Ơn buồn rầu cho biết: “Năm nay trời nắng hạn kéo dài, giếng nhà cạn nên thiếu nước để tưới khiến ớt cho trái nhỏ, không đạt năng suất, bình quân chắc được 1,5 tấn, mà giá ớt lại thấp thế này, tôi chỉ mong hòa vốn”.
Cũng đầu tư trồng khoảng một sào ớt, bà Hạnh (thôn An Cư, xã Cư An, huyện Đak Pơ) không khỏi lo lắng. bà Hạnh cho biết: “Năm nay trồng ớt vất vả hơn các năm trước do phải đầu tư công chăm sóc, tiền thuốc trị bệnh cho cây nhiều hơn. Trời nắng nóng khiến ớt bị thiếu nước, quả bị héo. Hiện tại ruộng ớt nhà tôi cũng thu gần xong rồi, nhưng cũng mới gỡ lại được hơn 10 triệu đồng tiền vốn thôi”.
Lấy công cũng chẳng mong lời
Các thương lái mua ớt cho biết, một trong những nguyên nhân khiến cho ớt rớt giá so với vụ trước Tết là do người dân ồ ạt trồng loại cây này trong khi các vùng, các tỉnh vốn là nơi tiêu thụ ớt đến nay cũng đã tự trồng để cung cấp, dẫn đến ớt bị dư ra và rớt giá. Chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi)-chủ một vựa ớt tại xã Cư An (huyện Đak Pơ) cho biết: “So với vụ mùa trước thì vụ này mua có chậm hơn do ớt bị rớt giá. Ớt phơi khô xuất khẩu đi cũng chậm hơn do lượng ớt tươi còn quá nhiều. Từ đầu mùa đến nay tôi chưa xuất tấn ớt khô nào, vì vậy tôi cũng chỉ mua cầm chừng khoảng 1 tấn/ngày và cũng không biết khi nào mới xuất được”.
Các thương lái thu mua ớt cầm chừng. Ảnh: Phương Linh |
Bên cạnh giá ớt hạ, chi phí đầu tư khá cao thì tiền thuê nhân công hái ớt cũng là một trong những nguyên nhân kéo đồng lời của nông dân xuống thấp. Ớt được trồng quá nhiều, các ruộng vào vụ thu hoạch cùng thời điểm khiến nhân công hái ớt trở nên khan hiếm. Giữa các nhà trồng ớt diễn ra việc tranh giành và giữ chân công hái. Ông Ơn rầu rĩ nói: “Tiền công hái ớt 5.000-6.000 đồng/kg hoặc 120.000-150.000 đồng/người/ngày, mất một nửa giá bán ớt. Tính thêm chi phí đầu tư và công chăm sóc thì tôi chỉ lời được hơn 1.000 đồng/kg. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn phải chấp nhận vì không có công để hái trong khi không thể để cả ruộng ớt chín rục được”. Cô Đinh Thị Hạnh-một công hái thuê cho biết: “Từ đầu mùa ớt tới giờ, trừ những ngày đau ốm thì tôi chưa nghỉ đi hái ớt thuê ngày nào bởi lúc nào cũng có việc. Nhưng năm nay các chủ vườn lại giữ cứng công hái vì sợ đến lượt thu hoạch không có người nên tôi cũng chỉ hái cho một nhà. Chỉ trong thời gian chờ ớt chín tôi mới đi hái cho chỗ khác”.
Thêm một vụ ớt rớt giá khiến bà con nông dân ngao ngán!
Phương Linh