Bạn đọc

Nhà thầu xây dựng bể chứa lớn quỵt tiền công của công nhân?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đổ mồ hôi sôi nước mắt trên công trường, nhưng hàng chục công nhân làm việc tại dự án mở rộng hệ thống cấp nước TP. Pleiku đang bị nhà thầu xây dựng quỵt tiền công suốt nửa năm trời.

Theo đơn kiến nghị của các công nhân gửi Báo Gia Lai, từ tháng 4-2014, dự án được đưa vào khởi công do Công ty cổ phần cấp nước Sài Gòn-Pleiku làm chủ đầu tư và tổng thầu là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc. Trong quá trình xây dựng, nhà thầu chính đã chia nhỏ các công trình cho nhiều nhà thầu phụ khác nhau.

Trong đó, công trình xây dựng bể chứa lớn được giao khoán cho ông Võ Văn Hồng (tạm trú tại tỉnh Bình Dương) chịu trách nhiệm thi công. Sau đó, ông Hồng đã kêu gọi hàng chục nhân công là những người dân lao động phổ thông tại vùng lân cận như xã Biển Hồ, xã Tân Sơn-TP. Pleiku với công nhật là 200 ngàn đồng/ngày.

 

Người lao động nghèo bức xúc vì bị nhà thầu quỵt nợ. Ảnh: V.N
Người lao động nghèo bức xúc vì bị nhà thầu quỵt nợ. Ảnh: V.N

Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9-2014, ông Hồng liên tiếp chậm trả công cho công nhân. Có thời điểm, công nhân phải đình công 2-3 ngày để gây áp lực thì mới được thanh toán đủ số ngày công. Đến tháng 10-2014, khi công trình bể chứa lớn hoàn thành, ông Võ Văn Hồng đã bàn giao công trình này và chấm dứt hợp đồng với nhà thầu chính. Tuy nhiên, ông Hồng đã trả không đủ số ngày công cho công nhân mà nợ lại hàng chục triệu đồng. Ông Hồng đã hứa hẹn sẽ tiếp tục quay lại thi công các công trình khác tại dự án và thanh toán số nợ này. Tuy nhiên, một thời gian sau ông Hồng đã “bặt vô âm tín”. Khi các công nhân liên hệ qua điện thoại vào số máy của ông Hồng là 09631878xx thì điện thoại báo rằng “thuê bao không thể nhận cuộc gọi vào lúc này”.

Ông Phan Thạnh (trú tại thôn 4, xã Biển Hồ) cho biết: “Đứa con trai của tôi đang học lớp 11 tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám tranh thủ những ngày nghỉ để làm công cho ông Hồng để đóng tiền học và phụ giúp gia đình. Nhà không có rẫy nên tôi cũng phải đi làm thuê hàng ngày để kiếm sống. Nhưng giờ ông Hồng đã bỏ trốn còn nợ của tôi 10 công và con trai tôi 15 công. Với nhiều người thì đó chỉ là một số tiền nhỏ nhưng với những người lao động nghèo như chúng tôi thì đó lại là khoản tiền lớn để trang trải công việc gia đình”.

 

Dự án mở rộng hệ thống cấp nước TP. Pleiku có số vốn trên 231 tỷ đồng do Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku làm chủ đầu tư. Dự án tập trung xây dựng mới các hạng mục cụm công trình thu và trạm bơm nước thô; tuyến ống chuyển tải nước thô; nhà máy xử lý nước; trạm bơm cấp 2 và nhà điều hành, các công trình phụ trợ khác như hồ lắng bùn…; mạng lưới chuyển tải phân phối và trạm bơm tăng áp. Dự kiến, công trình sẽ đi vào sử dụng vào cuối tháng 4-2015.

Ông Nguyễn Duy Trãi (trú thôn 9, xã Tân Sơn, TP. Pleiku)-người đại diện cho nhóm công nhân này cho biết, tổng số tiền mà ông Hồng còn nợ công nhân vào khoảng hơn 70 triệu đồng. Trong đó, nợ mỗi công nhân từ 5-15 công, thậm chí có người lên đến 80 công với số tiền gần 16 triệu đồng. Cũng theo ông Trãi, các công nhân còn làm không công cho ông Hồng mỗi người 2-3 ngày công để hoàn thành công trình với mong muốn sớm nhận được tiền công. Tuy nhiên, ông Hồng đã “lặn không sủi tăm” khiến các công nhân bàng hoàng không biết tìm ông Hồng ở đâu để đòi công. “Thời điểm đó trời mưa tầm tã nhưng anh em vẫn đi làm đều đặn để sớm hoàn thành công trình. Dầm mưa dãi nắng là thế mà giờ trắng tay khiến ai cũng bức xúc. Chúng tôi đều là những người nghèo khổ mới phải đi làm thuê như vậy mà giờ họ quỵt tiền công thì đúng là không thể chấp nhận được”- ông Trãi bày tỏ.

Bà Đặng Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ xác nhận các hộ có trong danh sách bị nhà thầu phụ quỵt tiền đều là những hộ có hoàn cảnh rất khó khăn trên địa bàn, trong đó, nhiều hộ chỉ vừa mới thoát nghèo. Bà Ngọc cũng cho biết, UBND xã sẽ sớm mở cuộc họp để tìm phương án đòi lại quyền lợi chính đáng cho người lao động. Trao đổi với ông Lam-đại diện phía nhà thầu chính thì được biết, nhà thầu chính thuê các thầu phụ với hình thức khoán nửa tháng trả công một lần. Mỗi lần trả tiền công, nhà thầu chính đều tập hợp thầu phụ cùng các công nhân đến chứng kiến để tránh việc công nhân thắc mắc rằng thầu chính nợ tiền. “Với trường hợp của ông Hồng, chúng tôi cũng đã liên lạc qua 3 số điện thoại nhưng không được. Còn việc các công nhân bị ông Hồng quỵt tiền công, chúng tôi sẽ lập tức xác minh số công nợ và có biện pháp giải quyết quyền lợi cho công nhân”-ông Lam cho biết.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm