TN - Đất & Người

Nhân nghĩa lặng thầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kpuih Dong ở làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ (Gia Lai) có con tim  giàu lòng yêu thương con người. Vợ chồng ông không có con. Nỗi khát khao muốn có bé bồng ẵm như mọi người cứ giằng xé đôi vợ chồng trẻ.
Trò chuyện cùng chủ nhà Kpuih Dong.
Năm 1965, qua Phú Mỹ, huyện Chư Prông, ông nhìn thấy cháu trai người Jrai đi lang thang, gặng hỏi, ông biết hoàn cảnh của cháu Rah Lan Than rất cô đơn vì cả cha, mẹ đều chết, cháu mới vừa tròn 5 mùa rẫy. Vợ chồng ông đã dang rộng vòng tay đón cháu về nuôi. Đến năm 1969, vợ, chồng ông lại cưu mang hai cháu: Rơ Mah Phin và Rơ Mah Dang bởi bố mẹ nó bị địch bắn chết. Năm 1974, khi đang hành nghề xe ôm chở khách gần khu vực Bệnh viện thị xã Pleiku, ông nghe thấy tiếng khóc ở trong thùng phuy, ông dừng xe lại và nhìn thấy đứa bé Mỹ lai mặt mày tím ngắt, lương tâm ông không thể làm ngơ. Ông đã đón cháu về cho vợ nuôi và đặt tên là Y Nhon. Rất tiếc, khi cháu mới chập chững biết đi lại bị “Yàng” bắt đi vì hồi ấy làng không có bác sĩ và cũng chẳng có thuốc chữa bệnh.
Không dừng lại ở đó, cứ thấy cháu nào bị bỏ rơi ông lại nhặt về nuôi. Hồi mới giải phóng năm 1975, tuy phải ăn củ mì, củ mài nhưng vợ chồng ông lại khá hào hiệp, biết nhường cơm, sẻ áo cho những đứa con cơ nhỡ. Có lúc trong mái nhà sàn của vợ chồng ông giống hệt trại trẻ mồ côi.
Để có đủ tiền, gạo nuôi hàng chục đứa con, vợ chồng ông phải tay cuốc, vai gùi, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Nhờ lao động cật lực vợ chồng ông trồng được 7 ha cao su tiểu điền, 2 ha cà phê, hơn chục ha điều, 700 trụ tiêu, nuôi cả heo, bò, trâu,  mỗi năm thu lợi đến 400 triệu đồng.
Bằng tấm lòng nhân ái sâu nặng, hàng chục đứa bé không nơi nương tựa đã được vợ chồng ông chăm sóc, nuôi dưỡng như con đẻ của mình. Vẫn chưa yên tâm, vợ chồng ông còn lo cho các cháu có việc làm, có nhà riêng và gia thất đề huề.
Đến nay, hầu hết các cháu đều trở thành công nhân cao su của Đội sản xuất số 9 (Công ty 74-Binh đoàn 15), có của ăn, của để. Trong đó, cháu Kpuih Vinh đã phấn đấu trở thành trưởng thôn của làng Ghè. Dù bây giờ các cháu ra ở riêng nhưng vẫn luôn ghi nhớ tấm lòng thơm thảo của cha mẹ nuôi.
Văn Thư

Có thể bạn quan tâm