Nhân quyền, vấn đề luôn được quan tâm chỉ đạo và thực hiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 3-3, tại Geneva, Thụy Sĩ đã diễn ra Hội nghị cấp cao khóa họp lần thứ 25 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Đoàn đại biểu của Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu và đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự phiên họp cấp cao với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Làng định cư xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Văn Ngọc

Trong những năm qua, tình hình về nhân quyền của Việt Nam được Liên hợp quốc và các nước tiến bộ đánh giá rất cao, nhất là sự bảo đảm quyền con người, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, các thành phần nhạy cảm với sự chi phối của kinh tế, xã hội đang trong thời kỳ khó khăn khủng hoảng của thế giới và trong nước tác động. Tuy vậy, những tổ chức, cá nhân vốn từ lâu thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn rêu rao ra rả về sự “vi phạm nhân quyền” của Việt Nam tại một số diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là kể từ sau khi Việt Nam được các thành viên Liên hợp quốc bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Mặc dù vậy, sự thật về sự cải thiện tình hình nhân quyền của Việt Nam trong những năm gần đây là điều không thể nói khác đi được. Đánh giá về vấn đề này, các cơ quan chức năng của phía Việt Nam, khẳng định: Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 1992 sửa đổi và 8 luật khác. Ngay sau đó, ngày 9-12-2013, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Hiến pháp. Và trước đó, ngày 12-11-2013, Trưởng ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ đã ký quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ban. Đồng thời với đó, là nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền đã được ban hành nhằm điều chỉnh xã hội trong việc đấu tranh bảo đảm việc thực hiện nhân quyền trên phạm vi cả nước và tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Việc bảo đảm thực hiện quyền con người được chính quyền các cấp quan tâm hơn cả là các lĩnh vực về an sinh xã hội, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, các thành phần dân tộc thiểu số, các tôn giáo, những vùng xa xôi hẻo lánh, đặc biệt là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ... đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận người dân ở đây còn khó khăn, cần sự trợ giúp của chính quyền và xã hội. Tại Gia Lai, công tác chỉ đạo và thực hiện việc đầu tư cho lĩnh vực an sinh xã hội, đặc biệt là đầu tư cho giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đúng mức.

Nhờ vậy, năm 2013, toàn tỉnh đã giảm được 7.300 hộ nghèo, dự kiến năm 2014 sẽ tiếp tục giảm với một tỷ lệ còn lại khoảng trên dưới 17%/tổng số hộ. Công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Các lĩnh vực về an sinh xã hội như y tế, giáo dục đào tạo được bảo đảm, các thành phần, đối tượng yếu thế, nhạy cảm, dễ tổn thương ngày được quan tâm từ những chính sách xã hội, kinh tế phù hợp với thực tế, được dư luận và đối tượng thụ hưởng chấp thuận, đồng tình.

Điều nói trên khẳng định rằng, cho dù các thế lực thù địch bên ngoài và nhất là các tổ chức phản động như “Tin lành Đê-ga”, FULRO... dùng nhiều bài tuyên truyền chống phá, xuyên tạc đến đâu cũng không thể làm mờ đi hình ảnh sinh động của việc xây dựng một xã hội an lành, người dân ấm no, hạnh phúc, tự do, bình đẳng trên mọi lĩnh vực đời sống mà chính quyền và các cấp ủy đảng đã thực thi, đem lại những thành tựu mà thế giới, nhất là các tổ chức có liên quan đến lĩnh vực nhân quyền của Liên hợp quốc chú ý, ghi nhận...

Và được biết, tại hội nghị nói trên, bên cạnh phiên họp chính thức, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh còn tiến hành một loạt các cuộc tiếp xúc song phương với Ngoại trưởng Venezuela Elías Jaua Milano; Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hirotaka Ishihara; Tổng Thư ký Tổ chức Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Anders Johnsson... về những vấn đề liên quan đến quyền con người.

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm