Nhãn vườn về phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Độ gần một tháng nay, trên một số con đường, góc phố của Pleiku, tôi thường bắt gặp hình ảnh những chùm nhãn bóng mịn, nặng trĩu được chủ nhân là những người tranh thủ bán buôn khi mùa nhãn về, thận trọng nâng lên mời khách qua đường. Nhìn những quả nhãn to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, lột thử một trái đã thấy lớp cùi dày trắng ngà, ráo nước, đưa vào miệng nếm thử thấy có vị ngọt thơm, giòn dai và phảng phất một mùi hương đặc trưng, nhẹ nhàng, tinh khiết, dịu mát…; nhiều người đã không ngần ngại dừng xe để mua, cho dù hơi ngược giá.

“Nhãn năm nay dường như trái lớn hơn những năm trước thì phải, mua ở vườn nào thế chị?”-Thấy tôi hỏi thăm, chị Huệ-một người bán nhãn trên đường Lê Lợi cho biết: “Năm nay nhãn vườn ở Gia Lai mất mùa, nhãn này được đưa từ Kon Tum về đấy. Cũng phải chật vật lắm mới có hàng.

 

Chị Huệ đang giới thiệu nhãn với khách hàng. Ảnh: T.B
Chị Huệ đang giới thiệu nhãn với khách hàng. Ảnh: T.B

So với năm ngoái, giá nhãn năm nay hơi cao, trung bình 50-70 ngàn đồng/kg, nhưng được cái nhãn đều trái, hạt nhỏ, cơm dày, vị thanh, vậy nên cũng có nhiều người mua”. “Ngồi ở đây, một ngày chị bán được nhiều không?”. “Cũng tàm tạm. Ngày nắng bán được nhiều hơn, chừng vài chục ký. Cũng là tranh thủ khi mùa nhãn, quen mối thì kiếm thêm vài đồng nuôi con thôi chứ bình thường, tôi làm may”-chị Huệ vừa trả lời tôi vừa nhanh nhẹn mở một thùng nhãn mới.

Nhìn cái quầy nhãn của chị Huệ, giản đơn với 2 chiếc bàn nhựa con con, một vài hộp giấy đựng nhãn nho nhỏ và cái dáng vẻ tất bật mời chào khách của chị, tôi chợt thấy quý mến người phụ nữ nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, thức thời này. Đứng ở nơi chị Huệ bán hàng chừng hơn 20 phút, tôi thấy có rất nhiều người dừng lại để hỏi giá và nếm nhãn-chủ yếu là phụ nữ, nhưng cũng chỉ hỏi rồi nếm thử và đi. “Khách cứ ăn thử như thế, không mua, lỗ vốn thì sao?”.

Trước câu hỏi của tôi, chị Huệ cười: “Không sao, rồi thế nào họ cũng quay lại mua hàng của mình, nếu họ thực sự yêu thích và muốn thưởng thức loại nhãn chỉ có chính vụ mới có này”. Quả đúng vậy, chừng mươi mười lăm phút sau, chị Huệ đã bán được khoảng 6 ký nhãn loại cao giá nhất-loại 70 ngàn đồng/kg, đấy là chưa kể loại 60 và 50 ngàn đồng. Một khách hàng cho hay: Biết là giá có hơi cao nhưng nhãn ở đây thực sự ngon, chồng con tôi lại thích ăn loại nhãn này nên tôi mua.

Cầm chùm nhãn có hương vị ngọt ngào trên tay, tôi chợt nhớ đến những dòng viết về loại trái này của Nhà bác học Lê Quý Đôn; nhưng là những câu chữ dành cho nhãn lồng của mảnh đất Hưng Yên: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.

Nghe thì có vẻ quá vời xa, khi tôi mơ ước có một ngày, trên mảnh đất Gia Lai cũng bạt ngàn thứ giống nhãn lồng mà nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng mô tả ấy. Nhưng tại sao không kia chứ, bởi ngay trong tầm tay, chúng ta có thể cải tạo loại những giống nhãn đã và đang sinh tồn trong các nhà vườn của Gia Lai, để cho chúng mùa mỗi mùa lại sinh sôi với những chùm trái trĩu nặng hơn, thanh ngọt hơn…

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm