(GLO)- Năm 2011- năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh Gia Lai và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2010-2015 trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Lạm phát và lãi suất ở mức cao, thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều biến động, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thời tiết không thuận lợi gây thiệt hại cho sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong tỉnh… Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh, Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.
Trong sản xuất nông nghiệp, đã tập trung ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung đã hình thành, nhất là cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 7.600 tỷ đồng, tổng diện tích gieo trồng đạt 469.351 ha; tổng sản lượng lương thực đạt hơn 500.000 tấn.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tỉnh tổ chức triển khai tích cực; đến nay đã có 186 xã hoàn thành việc lập quy hoạch, đề án, dự kiến đến cuối năm 2011, 100% số xã hoàn thành việc rà soát, đánh giá thực trạng theo bộ tiêu chí nông thôn mới. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.735 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng đạt được những kết quả quan trọng, công tác xã hội hóa trên một số lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục-thể thao và dạy nghề tiếp tục phát huy hiệu quả. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo tiếp tục phát triển; cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ dạy và học được tăng cường, công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số được quan tâm, tỷ lệ huy động trẻ em đủ độ tuổi ra lớp đạt 99%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 88,33%, cao hơn năm học trước 5%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh; tỷ lệ giường bệnh đạt 20,6 giường bệnh/1 vạn dân; có 64 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (chiếm 29%); bình quân 5,78 bác sĩ/1 vạn dân; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế triển khai đúng quy định. Chế độ trợ cấp cho bệnh nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng hưởng chính sách được thực hiện tốt. Hoạt động thể dục-thể thao có chuyển biến cả về nội dung lẫn hình thức, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân cũng như phát triển thể thao đỉnh cao của tỉnh.
Tiếp tục triển khai tích cực và rộng khắp phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đến nay có 65% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 44,6% khu dân cư văn hóa. Chất lượng hoạt động thông tin tuyên truyền được đảm bảo, đã đầu tư cơ bản mạng lưới phát thanh-truyền hình từ tỉnh đến huyện, chính thức phát sóng chương trình truyền hình của tỉnh lên vệ tinh Vinasat 1, các ấn phẩm báo chí được in bằng hai thứ tiếng Bahnar, Jrai được cấp đến cơ sở tạo điều kiện cho người dân nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm; đời sống của các đối tượng chính sách xã hội được cải thiện; tổ chức chu đáo lễ đón, truy điệu và an táng các liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia về nước.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cho mục tiêu giảm nghèo như chuyển giao kỹ thụât, dạy nghề lao động nông thôn, cho vay vốn ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước... nên tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,06% theo tiêu chí mới. An ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo. Việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo được chú trọng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Hệ thống chính trị cơ sở được chỉ đạo củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới. Toàn tỉnh hiện có 22 đảng bộ trực thuộc, với 929 tổ chức cơ sơ đảng, 3.255 chi bộ trực thuộc với trên 37.500 đảng viên. Công tác kết nạp đảng viên và thu hẹp số thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên và chưa có tổ chức đảng được quan tâm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên, thể hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Triển khai có hiệu quả Đề án 03 của Tỉnh ủy về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy tốt vai trò của Mặt trận các đoàn thể quần chúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đã lãnh đạo và tổ chức thành công, đảm bảo an toàn, đúng luật cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
công tác cải cách hành chính, đấu tranh phòng-chống tham nhũng có một số chuyển biến. Triển khai “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Năm 2012, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới rất khó dự báo, tình hình kinh tế của cả nước và của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có quyết tâm cao mới hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 6 (khóa XIV) đề ra.
Chính vì vậy, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh cần nhận rõ những thuận lợi và khó khăn, thách thức để chủ động vượt qua. Tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung hơn nữa cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tập trung vốn cho các công trình cấp bách, sắp hoàn thành; tăng cường thu hút đầu tư, quan tâm đầu tư và có cơ chế phù hợp để phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường quản lý các nguồn thu ngân sách, chống thất thu.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và dạy nghề, phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng khám-chữa bệnh cho nhân dân. Thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nhất là ở các xã nghèo, vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến và quảng bá du dịch, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 13,14%, trong đó nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,89%; công nghiệp- xây dựng tăng 18%; dịch vụ tăng 15,24%. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực, nông- lâm nghiệp, thủy sản chiếm 40,53%, công nghiệp-xây dựng chiếm 31,59%, dịch vụ chiếm 27,88%. GDP bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng/năm (tăng 19,8% so với năm 2010). Tổng vốn đầu tư phát triển đạt hơn 9.100 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.200 tỷ đồng, vượt 35,8% dự toán Trung ương giao. |
Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng-quân sự địa phương, trọng tâm là xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân.
Đặc biệt, làm tốt công tác nắm tình hình, đấu tranh xóa bỏ hoạt động phục hồi FULRO, “Tin lành Đê-ga” và các tà đạo; nắm chắc địa bàn, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội.
Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng- chống tham nhũng, phòng- chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; kiềm chế tai nạn giao thông và bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu trên địa bàn.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng gắn với việc kết nạp đảng viên, thu hẹp thôn, làng, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng và đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp; thực hiện tốt công tác dân vận trong thời kỳ mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tôn trọng và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
Với tinh thần đoàn kết và truyền thống cách mạng của tỉnh nhà, tôi tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh sẽ phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2012, tạo tiền đề thuận lợi để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2010-2015, biến Nghị quyết của Đảng thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Nhân dịp đầu Xuân mới, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin trân trọng gửi đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc tỉnh nhà lời chúc an khang, thịnh vượng, sức khỏe và hạnh phúc.
Hà Sơn Nhin (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy)