(GLO)- May mắn không bị thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản, nhưng người dân vùng rốn lũ vừa đi di tản về đang phải tất bật lo dọn dẹp nhà cửa, ổn đinh cuộc sống, sản xuất.
Sau một ngày trở về từ điểm trú ẩn ở trường THCS Lê Lợi xã Ia Broái để tránh nước lũ, ông Nay Krue 50 tuổi ở buôn Dứ Ma Uốc vẫn đang tất bật dọn dẹp nhà cửa. Ông phải tháo dỡ các đồ đạc vật dụng từ trên kệ xuống để xếp lại ngay ngắn trong nhà vì trước khi di tản ông đã được các chiến sĩ Công an huyện giúp kê hết lên trên cao.
Ông Rơ Chăm Căm Xuyên ở buôn Chơ Ma, xã Ia Trốk kiểm tra rẫy bắp chưa thu hoạch rộng 2 sào của mình vừa bị nước lũ quét qua gây đổ rạp xuống lẫn với bùn đất. Ảnh: Đức Phương |
Ông Krue vui vẻ nói: “May là nước lũ chỉ lên mấp mé mặt đất trong làng rồi rút xuống nên nhà cửa, đồ đạc của các hộ dân không có ai bị thiệt hại gì”. Đợt lũ này nhờ các cấp chính quyền chủ động tổ chức di tản, phòng tránh nên người và gia súc trong 2 buôn Dứ Ma Uốc và Dứ Ma Hoét, xã Ia Broái được an toàn. “Năm 2009, tôi bị nước lũ cuốn trôi mất hết cả đàn bò 9 con, sau đó được nhà nước hỗ trợ 1 con nuôi gầy dựng đến giờ lên được 4 con. Lần này, trước khi lũ về tôi lùa tất cả bò di tản theo người ở trường THCS Lê Lợi nên không bị làm sao.”-ông Krue nói.
Theo thống kê của UBND xã Ia Broái, trong đợt lũ do ảnh hưởng của mưa bão số 7 vừa qua, xã vùng rốn lũ này chỉ bị ngập úng mất 50 ha lúa và 20 ha bắp. Đây là kết quả của việc chủ động phương án di dời kịp thời người dân và tài sản ở những vùng có nguy cơ ngập lụt nặng nên đã giảm đáng kể thiệt hại cho nhân dân. “Hiện tại chính quyền xã đang lập danh sách đề nghị lên cấp trên hỗ trợ cho người dân về giống để tái sản xuất. Ngoài 300 gói mì tôm, 50 ổ bánh mì và 90 lít nước uống huyện đã cấp hỗ trợ cho người dân tại điểm di tản thì chưa tiến hành hỗ trợ gì thêm cho dân. Vì tình hình thiệt hại do đợt lũ này là vừa phải, chưa đến mức phải hỗ trợ khẩn cấp như các năm trước”.- Chủ tịch UBND xã Trương Nguyên Hảo nói.
Phía xã Ia Trôk bị thiệt hại nhiều hơn vì ở vùng trũng cuối ngồn sông Ayun. Đợt lũ vừa rồi chủ yếu do nước từ hồ Ayun Hạ xả lũ ra sông Ayun đổ về gây ngập úng nặng nề khu vực các buôn Chơ Ma, Tham, Tông Sê và thôn Quý Đức, xã Ia Trốk. Thống kê sơ bộ của UBND xã, nước lũ đã gậy ngập 132,9 ha cây trồng các loại của người dân 6/9 thôn, làng trong xã; trong đó có 67 ha lúa tăng vụ đang thời kỳ làm đòng ở dọc bờ sông Ayun có khả năng bị mất trắng. Điều lo lắng nhất là nước lũ đang nắn dòng chảy của sông Ayun gây sạt lở nghiêm trọng, ngoạm sâu vào rẫy trồng đậu phộng ở bờ sông phía trước chùa Bửu Thắng ở thôn Quý Đức. Bờ sông đã bị sạt lở sâu vào khoảng 10 mét dài 200 mét và đang có khả năng sạt lở sâu vào bên trong khuôn viên ngôi chùa này.
Bờ sông Ayun sạt lở ngoạm sâu vào khuôn viên chùa Bửu Thắng, thôn Quý Đức, xã Ia Trốk. Ảnh: Đức Phương |
Hai địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất trong đợt mua lũ vừa rồi đã thống kê được tính đến thời điểm này là huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Theo thống kê của UBND huyện Ia Pa, đợt mưa lũ vừa rồi đã gây thiệt hại khoảng 210 ha cây trồng các loại và 200 con gia cầm; tập trung chủ yếu ở 2 xã Ia Trốk và Ia Broái; trong đó, có 116,6 ha lúa đang làm đòng, 63 ha bắp đang trổ bông, 20 ha mỳ chưa thu hoạch và 1,4 ha ớt đang thu hoạch. Thị xã Ayun Pa cũng bị nước lũ gây ngập úng 39,05 ha cây trồng chủ yếu là lúa tăng vụ và rau màu, cùng 1 ha ao cá.
Trong đợt lũ vừa qua, đỉnh lũ đo được trên sông Ba đoạn cầu Bến Mộng đạt dưới mức báo động 3 là 14 cm. Theo nhận định của Ban chỉ đạo Phòng-chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương trong vùng thì đây là mực nước lũ khá cao, có khả năng gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, nhờ chủ động công tác phòng-chống nên không có thiệt hại về người và nhà cửa, tài sản giá trị lớn. Về sản xuất, nhờ kế hoạch sản xuất vụ mùa của các huyện vùng lũ đã gieo sạ lúa trước 1 tháng nên khi lũ vè, hầu hết lúa chính vụ đã thu hoạch xong nên hạn chế được thiệt hại. Mặt khác, phần lớn diện tích lúa bị thiệt hại đợt này là lúa tăng vụ (lúa vụ 3) mà “Đây là diện tích vùng trũng thường bị ngập úng hàng năm, chính quyền không khuyến khích người dân gieo trồng”- ông Phan Văn Minh- Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa nhận định.
Tuy nhiên, để chia sẻ thiệt hại với người dân, hiện tại các huyện vùng Đông Nam tỉnh vẫn đang triển khai rà soát, thống kê chính xác thiệt hại để giao cho các xã, phường trước mắt trích kinh phí dự phòng hỗ trợ cho người dân; đồng thời, báo cáo lên UBND tỉnh có hướng hỗ trợ kịp thời về giống cho người dân ổn định cuộc sống, sản xuất.
* Gia Lai: Ảnh hưởng của cơn bão số 7 gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Ảnh: Nguyễn Giác |
Những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh từ 30 mm đến 60 mm, trong đó các huyện khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nên lượng mưa đo được từ 100 mm đến 200 mm, riêng thị xã An Khê lượng mưa lên đến 233 mm. Mực nước trên các sông, suối đã đạt đỉnh và xuống chậm. Trên sông Ba tại thị xã An Khê, mực nước đo được 403,2 mét, dưới báo động I 1,3 m, tại thị xã Ayn Pa là 155,86 mét xấp xỉ mức báo động I.
Còn tại sông Ayun mực nước đo được 675,41 mét, dưới báo động I là 0,59 mét. Trước tình trạng này, để đảm bảo an toàn của các công trình, nhiều hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã đồng loạt vận hành xã lũ. Hồ Ia Ly xã lũ với mức 400 m3/giây, hồ Sê San xả 901 m3/giây, hồ An Khê xả lũ 30 m3/giây và dự kiến tăng lên 60 m3/giây. Các hồ chứa thủy lợi Biển Hồ, Ia Ring, Hoàng Ân, Tân Sơn, Ayun Hạ, Ia Mláh… cũng đồng loạt xã lũ từ 4,3 m3/giây đến 130 m3/giây.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai): Ngoài thiệt hại về tài sản do ảnh hưởng của cơn bão số 7 gây ra cho nhiều hộ dân tại các huyện phía Đông Nam tỉnh, thì chiều 7-10, người dân tại xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa đã phát hiện một xác chết là nam, chừng 40 tuổi chết trôi trên sông Ba. Nguyễn Giác |
Những địa phương chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 đã báo cáo thiệt hại ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng. Trong đó, thị xã Ayun Pa là địa phương chịu thiệt hại lớn nhất. Diện tích lúa bị ngập ven sông Ba và sông Ayun khoảng 50 ha (lúa vụ 3), 5 ha rau các loại, 2 tấn cá bị cuốn trôi. Lũ cũng đã nhấn chìm 28 ngôi nhà tại phường Đoàn Kết. Chính quyền địa phương đã di dời 20 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tổng giá trị thiệt hại ước tính đến thời điểm này tại thị xã Ayun Pa khoảng 1,1 tỷ đồng.
Còn tại huyện Krông Pa, mưa lớn đã làm sạt lở taluy ở 2 vị trí trên quốc lộ 25 (đoạn qua đèo Tô Na), khiến hơn 200 m3 đất đá đổ xuống mặt đường. Tuyến đường liên xã Chư Rcăm đi Ia Rsai bị sạt trôi nghiêm trọng. Khu vực suối Ia Rbang thuộc địa phận xã Chư Đrăng đã cuốn trôi mặt đường, gây ách tắc giao thông đến các xã Ia Romk, Ia Dreh, Kông Năng. Tại Krông Pa người dân phát hiện một nạn nhân chết đuối trôi trên sông Ba.
Ngoài ra, tại huyện Phú Thiện mưa lớn đã làm trường tiểu học Kpă Klơng bị ngập, đổ 40 m tường rào, nứt móng 15 m và cuốn trôi nhà để xe. Đồng thời đã làm ngập 25 ha ao, hồ nuôi thủy sản, gần 200 ha lúa, bắp đang gia đoạn thu hoạch bị ngập nước, mất trắng hoàn toàn. Gần 100 km đường, kênh mương bị hư hỏng và vùi lấp. Còn tại các huyện Ia Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Chư Pưh đã có 270,1 ha lúa, bắp và hoa màu bị ngập có nguy cơ mất trắng và giảm năng suất, hai cây cầu dân sinh bị bức mố cầu và sập hoàn toàn.
Hiện nay, các huyện đang cố gắng khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 7, sửa chữa các tuyến giao thông, công trình thủy lợi để đảm bảo giao thông và sản xuất.
Đức Phương - Lê Anh