Nhiều chuyên gia và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đề nghị chủ đầu tư Nhà máy bột giấy VNT-19 giải trình làm rõ, bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện đối với những nội dung góp ý của Hội đồng Tư vấn phản biện.
Sáng 6-4, Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với UBND huyện Bình Sơn tổ chức tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của Dự án Nhà máy bột giấy VNT-19 nhằm làm rõ cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn, tính hợp lý và khả thi đối với việc xả nước thải của dự án.
Nhà máy bột giấy VNT-19 là một trong những nhà máy bột giấy lớn nhất Việt Nam. Đây là dự án sản xuất bột giấy có quy mô rất lớn, dự kiến sử dụng gần 117 ha đất, công suất thiết kế 350.000 tấn/năm (giai đoạn I), có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Hằng năm, nhà máy sử dụng khoảng 550.000 tấn dăm gỗ khô, tương đương 1,1 triệu tấn gỗ keo tươi, bằng khoảng 45% công suất xuất khẩu gỗ dăm qua cảng Dung Quất.
Nhà máy bột giấy VNT-19. Ảnh: T.Trực |
Theo chủ đầu tư, nhà máy đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới 100% do Phần Lan thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt và chạy thử đảm bảo nước thải sau xử lý đạt các tiêu chuẩn quy định. Các nguồn nước thải của nhà máy được xử lý qua hệ thống xử lý tập trung với công suất 50.000 m3/ngày đêm.
Dự án thực hiện thiết kế xây dựng tuyến ống thoát nước đúng yêu cầu kỹ thuật; lắp đặt đường ống đảm bảo yêu cầu về độ nghiêng và chịu lực. Thiết kế các van sự cố trên tuyến ống để dễ dàng đóng, ngắt kịp thời; đảm bảo khắc phục sự cố trong mọi trường hợp để tránh gây ảnh hưởng đến người dân. Phương án vị trí xả thải cách bờ 1.000 m tại vịnh Việt Thanh với công nghệ xả thải phân tán.
Tại buổi tư vấn, phản biện, các nhà khoa học, chuyên gia nhận định dự án đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các hạng mục đánh giá tác động môi trường; tiếp thu và thực hiện theo các yêu cầu của cơ quan chức năng về bổ sung phương pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố, đảm bảo an toàn cho môi trường khi nhà máy vận hành.
Nhà máy bột giấy VNT-19. Ảnh: T.C |
Người dân và lãnh đạo các địa phương nằm trong vùng dự án cũng đóng góp nhiều ý kiến, phản biện xoay quanh vấn đề tác động môi trường của tuyến đường ống xả thải và nguồn nước thải từ nhà máy. Trong đó, tập trung vào khâu giám sát của người dân về việc xả thải của nhà máy, tác động của nước thải đến nghề đánh bắt hải sản của ngư dân trong vùng.
Để nhà máy sớm đi vào hoạt động ổn định, thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, các nhà khoa học, chuyên gia và lãnh đạo huyện Bình Sơn đề nghị chủ đầu tư Nhà máy bột giấy VNT-19 giải trình, làm rõ, bổ sung, chỉnh sửa, cam kết, hoàn thiện đối với những nội dung góp ý của Hội đồng Tư vấn phản biện. Chú ý lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ và quy trình xử lý nước thải hoặc bố trí lại mặt bằng khu xử lý nước thải nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.
Tính toán, thiết kế, xây dựng và vận hành hồ sự cố, hồ sinh học đảm bảo việc phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải. Vận hành quy trình hệ thống xử lý nước thải và xả thải phải tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường. Đồng thời, cam kết lộ trình đầu tư nâng cấp và ứng dụng công nghệ mới để tiến tới xử lý nước thải đạt các chỉ tiêu nước thải sau xử lý trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Hệ thống quan trắc online của nhà máy bao gồm khí thải, nước thải phải được kết nối với hệ thống thu nhận dữ liệu….
Đầu năm 2011, dự án Nhà máy bột giấy VNT-19 được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư với công suất 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay dự án được nâng công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117 ha với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm. Dự án được khởi công giữa năm 2015; theo kế hoạch đưa vào vận hành vào cuối năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho hay trong quá trình triển khai, chủ đầu tư không tuân thủ cam kết đầu tư. Họ đã nhập máy móc cũ từ một nhà máy ở châu Âu về lắp ráp; dự định xả thải ra vịnh Việt Thanh ở Khu Kinh tế Dung Quất. Nhà đầu tư dự án còn kiến nghị lấy 50 ha rừng dừa nước ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn để làm hồ cung cấp nước. Ngoài ra, trong quá trình thi công dự án, chủ đầu tư đã san lấp nhiều diện tích hoa màu, đất đai của người dân…
Theo T.Trực (NLĐO)