(GLO)- Đi vào hoạt động được 6 năm nhưng đến thời điểm này Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh vẫn rơi vào tình cảnh đìu hiu và èo uột. Nhiều doanh nghiệp đành phải “quay lưng” với khu kinh tế nhiều hứa hẹn này bởi những chính sách mang tính “bóp nghẹt” cơ hội kinh doanh của họ.
Ngày 29-11-2013, UBND tỉnh có Công văn số 4194/UBND-KTTH yêu cầu các cơ quan chức năng gồm: Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh… thực hiện sang tải hàng hóa, các thủ tục hải quan tại địa điểm tập kết của Công ty TNHH một thành viên Bảo Hoàng (Công ty Bảo Hoàng). Theo quyết định này, mọi xe chở hàng hóa, nông sản, lâm sản qua khu vực cửa khẩu đều phải vào tập kết tại khu vực bến bãi của Công ty Bảo Hoàng trước khi sang tải để vận chuyển đi nơi khác.
Xe chở hàng hóa qua khu vực cửa khẩu phải tập kết sang tải tại kho của Công ty Bảo Hoàng. Ảnh: V.N |
Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 643/QĐ-UBND quy định giá dịch vụ xe ra vào tại điểm tập kết của Công ty Bảo Hoàng cao gấp nhiều lần so với mức thu tại địa điểm tập kết hàng trước đó. Cụ thể, xe dưới 4 tấn thu 60.000 đồng/xe; xe 4-10 tấn thu 120.000 đồng/xe; xe 10-18 tấn 180.000 đồng/xe; xe trên 18 tấn 230.000 đồng/xe.
Hầu hết các xe chở mì, đậu xanh, điều… từ Campuchia qua Việt Nam đều thuộc mức trên 18 tấn. Trong khi đó, các năm trước, khi các xe chở nông sản qua cửa khẩu đều tập kết tại khu vực bến xe tải trước khi tiến hành sang tải chỉ phải đóng số tiền là 50.000 đồng/xe. Mức phí đó chỉ áp dụng cho một lượt ra hoặc vào mà vẫn chưa tính tiền sang xe, tiền bến bãi qua đêm, tiền cân…
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), dự kiến vốn đầu tư cho giai đoạn 2010-2020 khoảng 6.000 tỷ đồng (bình quân 600 tỷ đồng/năm), trong đó vốn đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiếm khoảng 64%. Nguồn vốn đầu tư được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 2011-2015 là 2.300 tỷ đồng (bình quân 460 tỷ đồng/năm) và giai đoạn 2016-2020 là 3.700 tỷ đồng (bình quân 740 tỷ đồng/năm). |
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp đã tỏ ra bức xúc bởi việc giao “độc quyền” cho Công ty Bảo Hoàng. Trong cuộc họp giữa 5 doanh nghiệp có tham gia kinh doanh với Chi cục Hải quan, Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu và Công ty Bảo Hoàng ngày 17-12-2013, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Anh bức xúc: “Đã có bãi địa điểm tập kết trước đó tại sao bắt ép doanh nghiệp phải vào địa điểm tập kết của Công ty Bảo Hoàng chịu phí cao. Hàng hóa thuộc phân luồng xanh (hàng chịu thuế 0%-P.V) tại sao cũng phải vào địa điểm tập kết đó”. Tất cả các doanh nghiệp cho rằng việc UBND tỉnh ra Công văn số 4194/UBND-KTTH và Quyết định số 643/QĐ-UBND là không phù hợp bởi giá cả quá cao khi doanh nghiệp còn phải chịu nhiều chi phí khác.
Theo ông Phạm Tấn Hồng-Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, việc ban hành các quyết định, văn bản trên khiến các xe vào bãi phải gánh nhiều mức phí quá cao nên các doanh nghiệp chuyển hướng đi qua các cửa khẩu lân cận ở Đak Nông (Cửa khẩu Đak Per và Bup’rang) và Bình Phước (Cửa khẩu Hoa Lư). Cùng với đó, tình hình giao thương tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh giảm mạnh. Tính tới thời điểm hiện tại (tháng 12-2013), tổng kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt 58 triệu USD bằng hơn một nửa so với năm 2012.
Trao đổi với phóng viên, ông Lý Trọng Hiệp-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết: Ban đầu, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh chỉ cho phía Công ty Bảo Hoàng thuê đất, làm thủ tục cấp đăng ký đầu tư, không được kinh doanh bến bãi. Sau đó, Công ty Bảo Hoàng xây dựng nhà kho hàng nông sản, đồng thời xin Tổng cục Hải quan giấy phép làm thủ tục xuất nhập khẩu nên UBND tỉnh đã cho phép kinh doanh bến bãi. Ông Hiệp cho biết thêm, từ khi khu vực cửa khẩu đi vào hoạt động đã có 14 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tuy nhiên chỉ có 10 doanh nghiệp đang hoạt động chủ yếu kinh doanh buôn bán nông sản, trạm cân; còn lại 4 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai kinh doanh.
Lê Văn Ngọc