(GLO)- Vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn-do lường-chất lượng và sở hữu trí tuệ hiện đang là vấn đề “nóng” trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực “nhạy cảm” hiện nay như: xăng dầu, mũ bảo hiểm, các mặt hàng điện tử, đồ chơi trẻ em… Tuy nhiên, trên thực tế công tác thanh tra khoa học công nghệ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Thiếu kinh phí hoạt động
Theo ông Nguyễn Đăng Hòa-Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai thì năm 2013, nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học phục vụ công tác thanh tra “bị cắt” nên dù cố gắng vận dụng hết toàn lực các khoản chi thường xuyên nhưng kế hoạch thanh tra năm 2013 của lực lượng Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ chỉ dám đặt ra mức 55 cơ sở, bằng khoảng 1/3 so với những năm trước đây (thông thường mỗi năm kế hoạch thanh tra từ 120 đến 150 cơ sở và nguồn kinh phí cấp phục vụ công tác thanh tra từ vài chục triệu đồng cho đến 100 triệu đồng).
Kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm tại TP. Pleiku. Ảnh: D.Q |
Đây thực sự là một trở ngại lớn trong công tác thanh tra vì theo ông Hòa muốn xác định được chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm thì phải lấy mẫu kiểm tra, kiểm định mẫu, trong khi đó chi phí kiểm định mẫu khá tốn kém, nhất là các mẫu xăng dầu, đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm... Mỗi mẫu kiểm định phải gửi đến trung tâm kiểm định ở những thành phố lớn, tốn khoảng 3-10 triệu đồng. Đó là chưa kể đến các loại chi phí khác mỗi khi tổ chức các đợt thanh tra như đi lại, thu thập, nắm bắt thông tin, vận chuyển hàng hóa vi phạm…
Hiện vấn đề vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh đồ chơi trẻ em khá phức tạp, nhất là vào dịp Trung thu sắp tới, lượng đồ chơi nhập về sẽ rất lớn, trong đó không loại trừ khả năng những sản phẩm đồ chơi độc hại, bạo lực sẽ nhập lậu từ Trung Quốc vào thị trường. “Để chấn chỉnh tình trạng này Sở đang làm tờ trình, lập kế hoạch, xin kinh phí và đề xuất lên tỉnh để thành lập đoàn thanh tra về đồ chơi trẻ em”-ông Nguyễn Đăng Hòa cho biết thêm.
Kết quả vẫn còn khiêm tốn
Trong 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra chuyên ngành được 30/55 cơ sở (chiếm 54,5% kế hoạch), đồng thời phối hợp với các ngành thanh tra được 15 cơ sở, phát hiện và xử lý 7/45 cơ sở vi phạm, tổng số tiền xử phạt là 29 triệu đồng. Trong đó, 2 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm do sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường; tự ý tháo gỡ niêm phong kẹp chì, dấu kiểm định trên phương tiện đo và 5 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm vi phạm về chất lượng hàng hóa.
Nhìn vào kết quả thanh tra trên rõ ràng vẫn còn rất nhiều lĩnh vực bị “bỏ ngỏ” bởi các đợt thanh tra cũng chỉ “loanh quanh” vài lĩnh vực như xăng dầu, mũ bảo hiểm… hơn nữa số lượt kiểm tra cũng vẫn còn hạn chế, cụ thể trong 6 tháng đầu năm lực lượng cũng chỉ kiểm tra được 120 lượt đối với lĩnh vực tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng (chủ yếu là xăng dầu); 30 lượt đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ; 45 lượt về nhãn hàng hóa… trong khi trên thực tế có rất nhiều mặt hàng, sản phẩm trên thị trường cần được thanh tra, kiểm tra, nhất là sản phẩm điện tử, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng... những sản phẩm dễ bị làm nhái, làm giả.
Sự hạn chế về số lượng các đợt thanh tra cũng như giảm sút về số cơ sở thanh tra sẽ rất thiệt thòi cho người tiêu dùng bởi công tác thanh tra khoa học công nghệ không chỉ phát hiện và xử lý những cơ sở vi phạm, tịch thu những sản phẩm kém chất lượng mà còn chống gian lận trong lĩnh vực nhãn hiệu hàng hóa hay giả mạo nhãn hiệu… bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp chân chính. Chính vì vậy, việc đầu tư, quan tâm đúng mức đối với công tác thanh tra khoa học công nghệ là điều cần thiết hiện nay.
Dã Quỳ