Nhiều nơi người dân khốn khổ vì hạn hán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phải mua nước sinh hoạt

Đã 3 tháng nay, hàng chục hộ dân Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, Gia Lai) phải mua nước đóng bình về sử dụng. Các công trình phụ của mỗi gia đình đều phải đóng cửa vì không có nước. Anh Nguyễn Hồng Quân, chủ cửa hàng tạp hóa tại lô 1, Khu Kinh tế Cửa khẩu, cho biết: Hệ thống nước từ giếng khoan không đủ cung cấp cho dân. Mỗi ngày hệ thống nước này chỉ xả ra cho dân được chừng 30 phút nhưng lượng nước rất yếu không đủ dùng để nấu thức ăn hàng ngày.
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát kiểm tra tình hình hạn hán tại khu vực hồ chứa Cà Tiên. Ảnh: L.G
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát kiểm tra tình hình hạn hán tại khu vực hồ chứa Cà Tiên. Ảnh: L.G
Hầu hết những hộ dân sống ở Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đều chuẩn bị can, thùng, bồn, chậu… để trữ nước. Mùa mưa, người dân hứng nước trời về dùng, đến mùa khô thì lại ra sông, suối lấy nước sinh hoạt. Với những hộ kinh doanh buôn bán có nhiều nhu cầu về nước thì thuê xe tải ra suối chở nước hoặc đi mua nước với khối lượng lớn. Ông Nguyễn Bá Hùng-chủ quán cơm Lệ Thanh (lô 1) bức xúc: “Từ đầu mùa khô đến nay, tôi đã mua gần 2 triệu đồng tiền nước. Hệ thống nước máy mỗi lần bơm chưa được nửa phuy, có khi vài ba ngày không có giọt nước nào nhưng cũng phải đóng lệ phí nước cho Ban Quản lý Cửa khẩu. Nước rửa rau hay nước thừa, nước cặn cũng phải giữ lại để cho khách có thể tận dụng để rửa chân tay…”.


Không riêng gì những hộ dân sống ở khu vực cao (lô 1, lô 2) khó lấy nước mà ngay cả những hộ dân sống ở khu vực thấp (lô 3) cũng khan nước nên phải mua nước đóng bình về sử dụng. Gia đình chị Lê Thị Phụng, ở khu vực được cho là rất dễ lấy nước nhưng đã vài tháng nay hai vợ chồng chị không đủ nước dùng phải mua nước đóng bình về nấu ăn và tắm rửa. Quần áo dơ thì đợi đến cuối tuần mang về TP. Pleiku để giặt. Một số người dân phải vượt hơn 20 km về thị trấn Chư Ty để tắm, giặt mỗi ngày…

Tình hình thiếu nước sinh hoạt tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã diễn ra vài năm nay và đặc biệt nghiêm trọng trong mùa khô. Đã không ít lần người dân phản ánh với Ban Quản lý nhưng chuyện thiếu nước sinh hoạt ở đây vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu.
Tắm rửa, nấu ăn cũng phải mua nước đóng bình. Ảnh: Kiều Ngân
Tắm rửa, nấu ăn cũng phải mua nước đóng bình. Ảnh: Kiều Ngân

Khoan giếng để… tưới lúa

Có mặt tại tỉnh Kon Tum trong những ngày tháng 3 nắng nóng này, mới thấy hết những khó khăn của bà con nông dân nơi đây. Hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn đều không còn khả năng tưới cho những cánh đồng lúa, những vườn cà phê. Duy chỉ có công trình thủy lợi Đak Yên vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng còn ít nước nên những cánh đồng lúa xung quanh mới có thể duy trì sự sống, tuy nhiên diện tích này là không nhiều.
Hồ chứa Tân Điền đưa vào sử dụng từ năm 1982, thiết kế tưới cho 80 ha lúa nước, đến nay đã bị bồi lấp nghiêm trọng, lòng hồ mênh mông chỉ còn lại một lõm nước rộng bằng… vài manh chiếu. Trong 80 ha hưởng lợi từ hồ chứa Tân Điền thì đã có 10 ha mất trắng, diện tích còn lại, bà con bơm tiếp nước từ trạm bơm Vinh Quang gần đó, tuy nhiên khả năng cứu diện tích còn lại này không phải là nhiều bởi lượng nước còn lại là quá khan. Còn tại hồ chứa Cà Tiên ở xã Đoàn Kết, TP. Kon Tum tình hình cũng hết sức bi đát khi mà lòng hồ rộng mênh mông đã không còn một giọt nước. Hiện tại, 10 ha lúa nước ở cánh đồng này đã bị cháy hoàn toàn, 5 ha còn lại, bà con khoan giếng lấy nước tưới để chờ mưa. Khoan giếng lấy nước để… tưới lúa-chuyện mới chỉ nghe ở Kon Tum. Tuy nhiên bà con vẫn phải làm vì biết là lỗ, nhưng quá xót xa trước những chân ruộng đang dần chết cháy…

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách, nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt. Ngành thủy lợi đã có biện pháp quản lý, phân phối nước hiệu quả, bố trí lịch tưới luân phiên, tưới tiết kiệm nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát: Năm nay, thời tiết diễn biến bất thường nên thiệt hại là không tránh khỏi. Bộ sẽ đề xuất Chính phủ hỗ trợ đối với đồng bào bị thiệt hại nặng do hạn. Về lâu dài, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Gia Lai và Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các ngành tích cực tìm địa điểm để khai thác hồ chứa, sau đó báo về Bộ để lập dự án triển khai. Chỉ có vậy thì về lâu dài mới hạn chế được thiệt hại do khô hạn gây ra.
 
Kiều Ngân- Lam Giang

Có thể bạn quan tâm